221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
229402
Nỗi lo hậu vụ kiện tôm
1
Article
null
Nỗi lo hậu vụ kiện tôm
,

(VietNamNet) - "Nuôi tôm có lãi, và đó là thành quả lao động của mình, tại sao chúng tôi phải bán phá giá? Nếu mất nghề này, tui chắc phải đi làm mướn mất". Tâm sự của anh Nguyễn Thanh Truyền, một nông dân nuôi tôm tại ấp Bến Gỗ, xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình (Cà Mau) với PV. VietNamNet cũng đang là nỗi lo chung của hơn 4 triệu người sống dựa vào nghề tôm ở VN hiện nay. Trong đó, có khả năng hàng trăm nghìn công nhân chế biến cũng phải tự xoay xở cho mình nghề sinh nhai mới.

Lo mất miếng cơm manh áo

Ở vùng sông nước mênh mông Cà Mau, thiên nhiên trù phú nhưng khắc nghiệt đã không dễ dàng để nông dân kiếm sống. Đất rộng, đồng nước trắng xóa, nhưng để những mảnh đất ấy, con nước ấy biến thành đồng tiền, bát gạo là bao mồ hôi, nước mắt.

Anh Trần Thanh Bình.

Chúng tôi ghé thăm đầm tôm của gia đình anh Trần Thanh Bình, ngụ tại ấp Chợ Cũ, thị trấn Mỹ Xuyên, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng), khi anh đang vớt rau câu. Người đen cháy, gầy đét, nét mặt khắc khổ nhưng ở anh toát lên sự yêu đời và niềm tin của người đã có ít nhất 13 năm gắn bó với nghề tôm. Với 1 đìa tôm rộng 7.000m2 chung với anh trai, năm ngoái gia đình anh thu được 4 tấn rưỡi tôm, lãi 100 triệu trên doanh thu 250 triệu đồng. Để có giá cao, trước đây, anh lặn lội chở tôm lên tận Công ty Phương Nam để bán, nhưng giờ DN chế biến thường ưu tiên mua cho các bạn hàng quen, các đại lý có lượng tôm lớn nên anh đành bán cho các nậu vựa, chịu giá thấp hơn.

Nói về vụ kiện tôm, anh bảo: "Tôi chẳng sợ, không có thị trường Mỹ thì mình lo bán sang thị trường khác. Nếu các DN làm được, chúng tôi cũng sống được, chỉ lo giá tôm xuống thấp quá. Một kg tôm loại 30 con phải bán được ít nhất 80.000 đồng, nếu xuống tới 50.000 - 60.000 đồng/kg là lỗ". Anhnói giọng bất bình: "Mỹ kiện tôm là phi lý, theo tôi, họ kiện là do họ không cạnh tranh được với mình. Mà Mỹ đâu có nuôi tôm là mấy, toàn đánh bắt". Nếu vụ kiện diễn ra theo chiều hướng xấu, anh nói rằng sẽ chuyển qua nuôi tôm càng, cá bống tượng, rô phi đơn tính... Anh khẳng định nuôi cá bống tượng có lợi nhuận cao, rủi ro ít, giá lại tới 200.000 đồng/kg  . Ánh mắt anh còn sáng lên khi nói về đứa con gái năm nay học lớp 12, chuẩn bị thi đại học. "Cháu học rất giỏi, tôi hy vọng nó sẽ đỗ. Nghề cầm bút đỡ cực hơn nghề cầm cày cô ạ".

Không lạc quan như Trần Thanh Bình, anh nông dân Nguyễn Thanh Truyền chỉ có 3 công đất nhỏ. Không đủ vốn, anh phải vay thêm 10 triệu đồng với lãi suất 1%. 2 năm qua tôm chết, anh đang đặt hy vọng vào vụ mới này. Song, vụ kiện xảy ra khiến anh đứng ngồi không yên. "Mỗi ngày tôi phải kiếm được ít nhất 50.000 đồng mới đủ để nuôi vợ và 3 đứa con, vụ này ít nhất phải thu được 10 triệu đồng mới hy vọng có thể trang trải được", anh Truyền nói. Nuôi tôm đã 9 năm, chỉ 5 năm đầu là anh trúng, còn lại là mất hết do tôm mắc bệnh. Hiện nay, vừa nuôi tôm, gia đình anh còn phải đi đặt tép, đặt cua dưới sông và chăn nuôi gà, heo, vịt... để có thêm thu nhập.

Đỗ Mạnh Thường, nhóm trưởng nhóm phục vụ của Xí nghiệp 2 - Công ty Chế biến và XNK thủy sản Cà Mau (Camimex) cũng rất lo lắng. Chia sẻ với PV. VietNamNet, anh nói thời gian tới chưa biết làm gì nếu mất việc. Vào Cà Mau lập nghiệp 6 năm, anh đang phải lo cho bố mẹ già ở quê vẫn còn làm ruộng. Năm ngoái, Thường gửi về biếu bố mẹ được dăm triệu, năm nay chưa biết thế nào. Là trưởng nhóm của 8 người, anh được trả lương theo sản lượng, dao động trong khoảng 1,5 - 2 triệu đồng/tháng. Anh cũng như hàng nghìn công nhân Camimex khác đang trông chờ vào việc sản xuất kinh doanh của công ty.Còn công ty lại đang phải chờ kết quả vụ kiện.

Theo Bộ Thủy sản, ĐBSCL hiện là vùng sản xuất thủy sản lớn nhất nước. Diện tích NTTS chiếm 67,22%, sản lượng nuôi trồng chiếm 66,5%, khai thác 43%, giá trị xuất khẩu chiếm tới 54,34% tổng kim ngạch thủy sản xuất khẩu của cả nước. Trên thực tế, thủy sản ĐBSCL đã góp phần giải quyết công ăn việc làm và nuôi sống khoảng 6 triệu người, trong đó 2/3 liên quan đến con tôm. Vụ kiện tôm xảy ra đang đe dọa đến sinh kế của họ và dẫn tới hàng loạt vấn đề xã hội nảy sinh.

 

Cấp bách mở rộng thị trường

Chế biến tôm xuất khẩu tại Công ty Camimex.

Vụ kiện cá tra, basa là bài học để các DN Việt Nam không thể chủ quan, và không nên chỉ chú trọng vào một thị trường xuất khẩu. Ông Lê Văn Quang, Giám đốc Công ty XNK Minh Phú hiện rất lo lắng về điều này, vì những nỗ lực của Minh Phú để xuất khẩu tôm sang EU chưa đem lại kết quả. Hơn nữa, việc bên nguyên có thể lấy giá tôm chợ tận đâu đó, hình như ở Lào, và coi đó là giá tôm của Việt Nam để so sánh với nước thứ ba (nhiều khả năng là Ấn Độ) sẽ rất nguy hiểm. Ông Quang cho biết, giá tôm tại Lào chỉ vào khoảng 8,5USD/kg, trong khi trung bình hiện nay giá tôm đã lên tới 13 - 14USD. Không những thế, biên độ thuế mà bên kiện đưa ra rất rộng nên khó có thể lường được chúng ta sẽ bị áp ở mức nào.

"Ở Cà Mau, chúng tôi không thể nào đi mua cá basa từ An Giang về chế biến, mà có chở được thì cũng khó đảm bảo cá tươi sống, giá lại thành cao, làm sao cạnh tranh được với các nhà máy chế biến tại đó? Triển vọng hơn là cá rô phi đơn tính, song, tôi mới nghe có nói đến chương trình phát triển con cá này mà chưa thấy kết quả. Chúng tôi sẽ lưu ý hơn đến mặt hàng mực, và sẽ triển khai làm thời gian tới. Cà Mau là vùng nước phù sa, mực rất mỏng và màu hơi vàng nhưng có còn hơn không", ông Quang nói.

Còn Phó Giám đốc Công ty Camimex Nguyễn Tín Ngưỡng cho rằng, việc chuyển sang các thị trường khác cần có thời gian. Nhật là thị trường mà các DN nên lưu ý, nhưng phải có sự điều chỉnh về size, về loại sản phẩm cho phù hợp. Nhưng theo ông Ngưỡng, DN Việt Nam sẽ gặp khó khăn hơn so với vụ kiện cá tra, basa, vì các nhà máy chế biến cá rất ít. Trong khi đó, tại Việt Nam có tới trên 200 nhà máy chế biến tôm, và con tôm đã là sản phẩm quen thuộc ở rất nhiều quốc gia.

Trong số các bị đơn bắt buộc, riêng Công ty TNHH Kim Anh là có vẻ lạc quan hơn cả. Giám đốc Đỗ Ngọc Quý cho biết, công ty đã thực hiện việc đa dạng hóa thị trường từ nhiều năm qua, với 46% sản phẩm tôm xuất sang EU, 7% tại Nhật và các thị trường khác, chưa kể tiềm năng tại Canada rất lớn. Công ty hiện đang nỗ lực tăng thêm 10 - 20% thị phần ở Nhật. Đối với thị trường EU, Kim Anh đang tập trung xúc tiến thương mại cùng với việc đa dạng sản phẩm, trong đó đặc biệt lưu ý con cá basa và cá rô phi. Ông Quý cho rằng, mặc dù thị trường EU đã quen thuộc với con tôm Việt Nam, nhưng công ty vẫn dự định đưa ra một chiến dịch quảng bá những sản phẩm làm từ tôm có chất lượng cao, giá thành cạnh tranh, thậm chí còn bán với giá rẻ để hút khách.

Do vậy, theo ông Quý, dù có bị mất thị trường Mỹ, Kim Anh cũng không đến nỗi lao đao. Ngoài ra, việc xuất khẩu cá tra, basa của Kim Anh cũng đang có chiều hướng thuận lợi. Ông Quý nói: "Chúng tôi bắt đầu nuôi cá, xây dựng nhà máy chế biến vào đúng thời điểm vụ kiện cá tra, basa xảy ra tại Mỹ. Giá cá thu hoạch lúc đó rất thấp, chênh lệch tới 50%, tức là chỉ còn 7.000 - 8.000 đồng/kg. Chúng tôi đã phải mua bù lỗ, từ 8.500 đến 9.000 đồng/kg, để hỗ trợ nông dân. Kim Anh đưa cá vào chế biến, rồi trữ ở trong kho, chờ giá lên mới bán nên chúng tôi chỉ lỗ khoảng 350.000USD". Năm ngoái, công ty xuất được 400 tấn, đạt giá trị kim ngạch 1 triệu USD. Hôm 11/3 vừa qua, công ty đã khởi công xây thêm một nhà máy chế biến cá mới.

Ông Quý cũng tiết lộ, Kim Anh (cũng như một số DN chế biến, xuất khẩu tôm khác trong nước và kể cả các nước là bị đơn của vụ kiện) hiện đã xuất được gần hết số hàng còn tồn trong kho, tất nhiên là trước thời điểm bị áp thuế hồi tố để tránh giá tôm xuống thấp. Hiện trong kho của nhiều DN thủy sản Việt Nam đã trống rỗng.

  • Hà Yên

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,