221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
229754
Cổ phần hoá DN lớn trong ngành điện, viễn thông, ngân hàng
1
Article
null
Cổ phần hoá DN lớn trong ngành điện, viễn thông, ngân hàng
,

(VietNamNet) - Ngay trong năm nay, Chính phủ sẽ lựa chọn một số Tổng công ty, DN nhà nước quy mô lớn hoạt động trong các lĩnh vực truyền phát điện, hàng không, hàng hải, viễn thông, ngân hàng... để thực hiện cổ phần hoá mà Nhà nước nắm cổ phần chi phối.

Một số nhà máy điện sẽ đưa vào cổ phần hoá.

Ông Nguyễn Minh Thông, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Phó Trưởng ban chỉ đạo đổi mới phát triển DN Trung ương cho biết như vậy tại Hội nghị toàn quốc về đẩy mạnh đổi mới DN nhà nước, khai mạc sáng 15/3 tại Hà Nội.

Đưa Tổng công ty lên sàn chứng khoán

Theo ông Thông, trong năm 2004, Tổng công ty xuất nhập khẩu Xây dựng (Vinaconex) sẽ thực hiện phát hành cổ phiếu để huy động vốn; Tổng công ty Lắp máy Việt Nam vừa bán một phần vốn Nhà nước tại Tổng công ty, vừa phát hành thêm cổ phiếu; Tổng công ty Thương mại và Xây dựng Giao thông và Tổng công ty Du lịch Sài Gòn cũng bán một phần vốn Nhà nước;  Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam và Ngân hàng Phát triển Nhà Đồng bằng sông Cửu Long, Công ty bảo hiểm Bảo Minh cũng đã phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ. Việc phát hành cổ phiếu của những tổng công ty này sẽ thực hiện thông qua thị trường chứng khoán, không bán nội bộ DN và cho phép thí điểm bán cho nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của Luật Khuyến khích đầu tư trong nước.

Đồng thời, Chính phủ sẽ tiến hành cổ phần hoá các nhà máy điện sông Hinh - Vĩnh Sơn, Thác Bà, Ninh Bình, Công ty Thông tin di động, Công ty Xi măng Bút Sơn... Trong năm 2004, sẽ triển khai việc thành lập tập đoàn viễn thông, công nghiệp xây dựng.

Ngại cổ phần hoá!

Ông Nguyễn Minh Thông cho biết, sau 3 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3, việc đổi mới sắp xếp DN nhà nước, đặc biệt là cổ phần hoá, so với yêu cầu còn chậm. 3 năm 2001 - 2003 đã cổ phần hoá được 979 DN và bộ phận DN, bằng 71,6% tổng số DN và bộ phận DN đã lựa chọn cổ phần hoá. Kết quả sắp xếp DN nhà nước nói chung và cổ phần hoá nói riêng chỉ đạt trên 60% so với mục tiêu đặt ra. Đến nay, một số địa phương như Bắc Cạn, Hà Giang chưa cổ phần hóa được DN nào. Nguyên nhân, theo ông Thông, là do một số cán bộ lãnh đạo bộ ngành, địa phương và cả DN ''ngại cổ phần hoá''. Nhiều giám đốc DN lo sợ sau cổ phần hoá, ''con đẻ sẽ thành con nuôi'', mất đi quyền lợi mà chỉ DN mới được hưởng. Bên cạnh đó, chính sách thiếu đồng bộ và kịp thời, phát sinh nhiều vướng mắc trong và ''hậu'' cổ phần hoá như định giá DN, tranh chấp mua bán cổ phiếu, giám đốc biến công ty thành ''nhà riêng''... đang là rào cản cổ phần hoá DN nhà nước.

22,8% DN lỗ và hoà vốn

Đến nay cả nước có 4.296 DN nhà nước với tổng số vốn 189.000 tỷ đồng, bình quân vốn mỗi DN là 44,99 tỷ đồng, trong đó số DN nhà nước có vốn dưới 5 tỷ đồng vẫn chiếm tới 47%. Nhiều DN nhà nước ở những ngành, lĩnh vực Nhà nước không cần ''nắm'' làm ăn thua lỗ kéo dài, đang là gánh nặng cho ngân sách và ngân hàng. Năm 2003 số DN có lãi chiếm 77,2%, còn lại là lỗ và hoà vốn, nhưng số có mức lãi bằng hoặc cao hơn lãi suất vốn huy động của ngân hàng chỉ vào khoảng 40%. Nếu tính đủ chi phí phát sinh trong kỳ như khấu hao tài sản cố định, các khoản trích dự phòng do phải thu khó đòi, giảm giá hàng bán tồn kho, xử lý các khoản nợ khó đòi thì số DN có lãi còn thấp hơn. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn nhà nước đạt 10,79%, sau khi trừ đi thuế thu nhập DN còn 7,34%, thực sự chưa hấp dẫn nhà đầu tư. Tốc độ tăng trưởng bình quân trong ba năm qua là 10%, thấp hơn của các DN dân doanh tới 7-8%.

Con số nợ xấu của DN nhà nước mới xử lý được một phần. Theo báo cáo của 35 tỉnh, thành phố, 18 Tổng công ty nhà nước và một số bộ, đến hết quý I/2003 tổng số nợ tồn đọng của DN nhà nước là 3.645 tỷ đồng, đã xử lý được 2.728 tỷ đồng, bằng 49,8% tổng số nợ của các ngân hàng thương mại. Do vay nhiều nên hàng năm DN nhà nước phải trả lãi vay tới 3.000 tỷ đồng, bằng khoảng 15% tổng số lãi phát sinh của DN nhà nước. Tổng cộng nợ tồn đọng của DN nhà nước và các ngân hàng thương mại còn 13.435 tỷ đồng.

Sẽ đẩy mạnh sắp xếp, đổi mới DN nhà nước

Trước tình trạng này, phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Tấn Dũng cho rằng đẩy mạnh sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả của DN nhà nước là yêu cầu bức thiết. Chính phủ đã phê duyệt, hai năm 2004 -2005, phải sắp xếp 2.000 DN, bình quân mỗi năm là 1.000 DN. Thời gian tới, Thủ tướng sẽ ban hành Chỉ thị về việc đẩy mạnh sắp xếp, đổi mới DN nhà nước theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 3, Nghị quyết Trung ương 9, Khoá IX và tổ chức triển khai thực hiện Luật DN nhà nước. Thủ tướng sẽ giao cho các Bộ với thời hạn cụ thể để hoàn thành các dự thảo văn bản hướng dẫn như: Sửa đổi Quyết định số 58/2002/QĐ-TTg về tiêu chí, danh mục phân loại DN nhà nước và Tổng công ty nhà nước; Nghị định hướng dẫn thực hiện các quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với công ty nhà nước; Nghị định tổ chức quản lý công ty nhà nước và chuyển đổi tổng công ty, DN nhà nước sang mô hình công ty mẹ - công ty con; Sửa đổi Nghị định 64/2002/NĐ-CP về chuyển DN nhà nước thành công ty cổ phần...

  • Văn Tiến
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,