221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
234265
Mỹ lập nhóm đặc trách phản đối vụ kiện tôm
1
Article
null
Mỹ lập nhóm đặc trách phản đối vụ kiện tôm
,

(VietNamNet) - Liên minh Hành động Thương mại ngành công nghiệp tiêu dùng (CITAC) và Hiệp hội Các nhà phân phối Thủy sản Mỹ (ASDA) hôm qua (1/4) đã chính thức ra mắt Nhóm chuyên trách chống vụ kiện tôm (Shrimp Task Force), nhằm đấu tranh chống lại những cáo buộc bất lợi của Ủy ban Thương mại quốc tế Hoa Kỳ (USITC).

Ngành công nghiệp tiêu thụ tôm Mỹ có thể mất 250.000 việc làm do vụ kiện tôm.

Tại buổi họp báo, ông Erik Autor, Ủy viên CITAC kiêm Phó Chủ tịch Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia (RILA), cho biết: "Mục tiêu của Nhóm đặc trách là bảo đảm nguồn cung ứng tôm với giá vừa phải, không để 250.000 công nhân ngành công nghiệp tiêu thụ Mỹ bị ảnh hưởng bởi vụ kiện. CITAC và ASDA sẽ cùng nhau tiến hành cuộc chiến này trên mặt trận tuyên truyền và sẽ tổ chức những chiến dịch vận động hành lang".

Chủ tịch ASDA Wally Stevens thì kêu gọi, để đánh bại vụ kiện, cách duy nhất bảo đảm nguồn cung ứng tôm đều đặn là người tiêu dùng Mỹ cần góp thêm tiếng nói của mình. Sau hơn 5 năm có mặt tại thị trường Mỹ, hiện tôm nhập khẩu đã trở thành mặt hàng hải sản số một nhờ sự an toàn và đảm bảo sức khỏe. Vụ kiện tôm có thể làm sụt giảm tới 3/4 lượng tôm tại các nhà hàng và cửa hàng bán buôn.

Ông Autor cũng giải thích rằng, việc một nhóm các nhà đánh bắt tôm Mỹ khởi kiện tôm nhập khẩu chỉ để thu được một khoản tiền kếch xù nhờ Tu chính án Byrd là hoàn toàn vô lý. 42 nhà chế biến và 185 hãng đánh bắt tôm thuộc bên nguyên hàng năm sẽ nhận được một khoản tiền khoảng 180 triệu USD, hay gần 830.000USD/công ty, từ thuế đánh vào tôm nhập khẩu.

Công ty Thủy sản King & Prince, trụ sở tại Brunswick, Georgia, một nhà cung cấp thực phẩm, gồm cả tôm nguyên liệu và bánh mì kẹp tôm, đã tham gia vào Ủy ban đặc trách tôm của CITAC và ASDA. Giám đốc điều hành công ty, ông Russ Mentzer, chất vấn: "Tại sao công việc những người đánh bắt lại quan trọng hơn công việc của những người chế biến tôm? Làm thế nào mà những người đệ đơn kiện có thể dùng Luật Thương mại Mỹ để tạo ra được việc làm? Vụ kiện này không thể giúp bất cứ ai - nó chỉ làm mọi việc trở nên tồi tệ. Chúng tôi sẽ bị mất việc nếu mức thuế cao đánh vào tôm nhập khẩu. Điều này là bất công, bất bình đẳng”.

Cùng ngày, bức thư kêu gọi Chính phủ Hoa Kỳ cần có biện pháp cấp bách nhằm ngăn chặn mối đe dọa làm suy giảm đáng kể nguồn cung tôm của Chủ tịch RILA Sandra Kennedy đã được phổ biến rộng rãi. Nó sẽ được chuyển tới Bộ trưởng Thương mại Mỹ Donald Evans vào ngày 4/4.

Cũng liên quan đến vụ kiện tôm, ngày 1/4, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã yêu cầu các bị đơn phải điều chỉnh số liệu chứng minh của mình theo cái gọi là Frankenshrimp (tôm không có trong thực tế). Điều này có nghĩa, 6 quốc gia bị kiện (có Việt Nam) phải chuyển đổi tất cả tôm bán tại thị trường Hoa Kỳ về cùng một loại “còn vỏ, bỏ đầu” để DOC tiến hành so sánh giá thị trường và xác định biên phá giá.

Thông tin này do
Ủy ban đặc nhiệm về tôm CITAC, tổ chức phối hợp giữa Liên minh Hành động thương mại ngành công nghiệp tiêu dùng (CITAC) và Hiệp hội các nhà phân phối thuỷ sản Mỹ (ASDA) đưa ra. Phát ngôn viên của CITAC, ông Paul Nathanson cho rằng, mục đích duy nhất của yêu cầu trên là để DOC xây dựng các biên phá giá cao không hề tồn tại trên thực tế, và ý đồ chính của mánh khoé này nhằm áp đặt mức thuế chống bán phá giá cao lên tôm nhập khẩu từ các nước.

Đúng ra, để xác định biên phá giá, DOC phải tiến hành so sánh giá của loại tôm được thực bán trên thị trường Mỹ với giá của sản phẩm tương tự được bán trên thị trường so sánh. Tuy nhiên, nhiều nhà xuất khẩu đã tung ra thị trường các sản phẩm tôm thuộc nhiều loại khác nhau. Ví như, đối với thị trường Nhật Bản, tôm thường được nhập ở dạng nguyên con, thì thị trường Mỹ lại ưa chuộng loại bỏ đầu hơn. Do vậy, DOC yêu cầu các nhà xuất khẩu phải coi tất cả tôm của họ là bỏ đầu nếu đã nguyên con, chưa rút gân trong khi đã rút gân, còn nguyên vỏ trong khi là tôm thịt, vẫn để đuôi trong khi đã ngắt đuôi, chưa qua chế biến chín trong khi đã nấu chín, coi là tôm bình thường trong khi là tôm duỗi và loại bỏ các gia vị tẩm ướp, chất bảo quản mà các nhà chế biến dùng làm gia tăng giá trị cho tôm để tính toán lại các báo cáo thống kê doanh thu của mình.

 

Vấn đề là các nhà xuất khẩu không hề có các số liệu thống kê theo yêu cầu trên. Nếu không đáp ứng yêu cầu của DOC, họ sẽ bị áp đặt mức thuế trừng phạt rất cao.

Ủy ban đặc nhiệm về tôm CITAC hiện đang tổ chức một cuộc hội thảo nhằm nêu ý kiến về chính sách của DOC trong vụ kiện này. Phát ngôn viên của CITAC cho rằng, cần phải nâng cao nhận thức của các nhà lập pháp về những việc làm trên, nếu không họ sẽ vẫn giữ mãi lối suy nghĩ như đã làm.

Vụ kiện tôm bắt đầu từ 31/12/2003 nhằm chống lại các nhà xuất khẩu tôm Thái Lan, Trung Quốc, Việt Nam, Ấn Độ, Ecuador và Brazil, các nước chiếm khoảng 75% tôm nhập khẩu vào thị trường Mỹ, với khoảng 2,4 tỷ USD. Bên nguyên (Liên minh tôm miền Nam nước Mỹ - SSA) kiến nghị áp mức thuế từ 30% đến hơn 200%.

  • H.Phương

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,