221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
235972
Hành nghề kế toán không ĐKKD bị phạt 5-10 triệu đồng
1
Article
null
Hành nghề kế toán không ĐKKD bị phạt 5-10 triệu đồng
,

(VietNamNet) - Ông Bùi Văn Mai, Vụ trưởng Vụ Chế độ Kế toán, Bộ Tài chính vừa có cuộc trao đổi với VietNamNet xung quanh dự thảo Nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực kế toán.

Ông Bùi Văn Mai, Vụ trưởng Vụ Chế độ Kế toán, Bộ Tài chính.

- Xin ông cho biết những điểm mới trong dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 49/1999 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực kế toán?

- Các loại hành vi và mức phạt thay đổi nhiều bởi các hành vi trong Luật Kế toán bây giờ quy định rất rõ ràng và đầy đủ về tất cả những vấn đề liên quan đến kế toán. Chúng tôi tính ra ở đây có khoảng 80 hành vi cụ thể về sai phạm về chứng từ kế toán, sổ kế toán, tài khoản, kế toán, báo cáo, kiểm tra kế toán, bảo quản lưu trữ, kiểm kê tài sản... Càng chia nhỏ thì càng dễ xử lý hơn!

Nhưng điểm mới nhất là về hành nghề kế toán! Trước đây chưa có quy định xử phạt về hành nghề kế toán thì trong dự thảo Nghị định mới đã quy định vi phạm hành nghề kế toán. Người hành nghề kế toán nhưng không đăng ký kinh doanh dịch vụ kế toán, hoặc đại diện của DN cung cấp dịch vụ kế toán không có chứng chỉ hành nghề sẽ bị phạt tiền 5-10 triệu đồng và buộc đình chỉ hành nghề. Ngoài ra, cá nhân hành nghề kế toán mắc sai phạm có thể bị thu hồi chứng chỉ hành nghề kế toán.

- Nhiều người làm kế toán cho rằng, khung phạt tiền từ 200.000 đồng đến 20 triệu đồng theo dự thảo là quá nặng?

- Khung xử phạt bằng tiền từ 200.000 đồng đến 20 triệu đồng được quy định trong Pháp lệnh xử phạt hành chính của Chính phủ. Trong dự thảo Nghị định, không có hành vi nào xử phạt từ 200.000 đồng đến 20 triệu đồng mà chia nhỏ ra các sai phạm chịu phạt từ 200.000 đồng đến 5 triệu đồng, từ 5 triệu đến 10 triệu. Mức phạt từ 10 triệu đến 20 triệu đồng cho những hành vi sai phạm rất nặng. Nhưng mức phạt này không phải là cao, có nước còn phạt gấp 10 lần. Kinh nghiệm của các nước, mức phạt làm cho người ta sợ không thể làm sai được nữa!

- Tại sao một số sai phạm như giả mạo, tẩy xoá chứng từ, khai man, xuyên tạc số liệu kế toán chỉ dừng ở xử phạt hành chính?

- Đây là những sai phạm dù không có hậu quả cũng đã bị xử phạt hành chính. Còn nếu có hậu quả thì có thể là vi phạm khác. Trong dự thảo có nói là vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán dẫn đến trốn tránh thuế thì xử phạt theo các vi phạm về thuế. Nếu hậu quả của hành vi trên một mức nào đó thì chuyển sang truy cứu trách nhiệm hình sự.

- Xin ông cho biết việc kiểm soát sai phạm về chứng từ điện tử?

- Luật Kế toán cũng đã quy định có chứng từ điện tử sử dụng trong kế toán. Hiện nay, thanh toán điện tử đã được thực hiện trong lĩnh vực kho bạc, ngân hàng, hay thanh toán hợp đồng xuất nhập khẩu qua mạng. Thế nhưng chứng từ điện tử chỉ được sử dụng trong quá trình giao dịch, quá trình phát sinh còn trong quá trình sử dụng, lưu trữ về mặt pháp lý đều phải in ra giấy. Tức là người ta chuyển tiền đi rồi nhưng sau đó in ra giấy để lưu trữ, để đảm bảo kiểm tra giám sát sau này chứ không phải không nhìn thấy.

- Cơ quan thuế có thẩm quyền xử phạt hành chính sai phạm về kế toán không, thưa ông?

- Cơ quan thuế hiện nay có thanh tra viên về thuế. Mà thanh tra viên về thuế được xác nhận là thanh tra viên về tài chính. Trong dự thảo Nghị định không nói rõ nhưng cán bộ cũng được xử phạt nếu có thẻ thanh tra viên. Trong thực tế, cán bộ thuế thường diễn giải sai phạm về kế toán dẫn đến sai phạm về thuế để xử phạt, bởi vì cái đó lợi ích trực tiếp đến ngành thuế.

- Ông đánh giá như thế nào về các sai phạm trong hoạt động kế toán hiện nay?

- Mức độ vi phạm về các quy định kế toán ở Việt Nam hiện nay tương đối phổ biến. Nó do một tiền lệ trước đây là nhiều vấn đề luật khó quy định đầy đủ và cụ thể. Bởi vì công việc kế toán rất tỷ mỉ, nhiều số liệu và liên quan đến nhiều quy định thành thử thực hiện tất cả các quy định là một vấn đề khó. Cho nên chuyện sai phạm rất khó tránh khỏi (!?). Nhưng không phải tất cả sai phạm đều là vô tình mà sai phạm cố ý cũng rất nhiều. Trong thực tế người ta cũng muốn thoát ra khỏi những quy định ấy cho nên làm sai. Nhiều trường hợp cố tình tìm mọi kẻ hở để lợi dụng, đem lại lợi ích cho cá nhân, cho đơn vị.

- Nghị định mới sắp ban hành có chấn chỉnh được hiện trạng này?

- Chắc chắn là phải có. Ý nghĩa tích cực nhất là ngăn ngừa. Nghị định này ban hành sẽ cảnh báo cho những người làm kế toán làm thế nào là sai. Nếu không liệt kê ra các sai phạm cụ thể thì người ta không thấy sai. Những người làm kế toán nhìn vào đây rất sợ! Vì như một số người làm kế toán nói, lương của họ 1-2 triệu mà xử phạt tới 15-20 triệu đồng. Tuy nhiên, phạt tiền không dễ dàng. Bởi vì người Việt Nam có cái chuyện hay châm trước cho nhau!

Chúng tôi dự định sẽ trình Nghị định này lên Chính phủ vào cuối tháng 5 tới, sau đó Chính phủ có thể ban hành vào tháng 6, 7.

- Xin cảm ơn Vụ trưởng!

  • Văn Tiến
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,