221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
236069
Năm 2005: hàng loạt DN dệt may VN sẽ phá sản?
1
Article
null
Năm 2005: hàng loạt DN dệt may VN sẽ phá sản?
,

(VietNamNet) - Theo Ông Lê Quốc Ân, Chủ tịch Hiệp hội dệt may: ''Nếu không tập trung từ cả Nhà nước và DN thì hết năm nay, dệt may phải cắt giảm sản xuất và thải hàng trăm ngàn lao động''.

Dệt may đang giải quyết việc làm cho gần 2 triệu lao động. Ảnh: Nguyên Vũ.

Vấn đề không chỉ ở chỗ dệt may đang đóng góp lớn nhất vào kim ngạch xuất khẩu của đất nước mà dệt may còn đang giải quyết việc làm cho gần 2 triệu người lao động. Đồng thời nó kéo theo hàng chục vạn lao động sản xuất các ngành phụ trợ như trồng bông, trồng dâu nuôi tằm, thêu đan, sản xuất bao bì, phụ liệu... và hàng vạn lao động dịch vụ khác. DN phá sản, hàng trăm ngàn lao động mất việc làm, ý nghĩa xã hội của việc này là vô cùng lớn.

Khả năng cạnh tranh của dệt may Việt Nam tới đâu?

Sau 1/1/2005, ''bùng nổ'' thương mại dệt may sẽ bắt đầu

Báo chí phương Tây nhận định rằng, sự bùng nổ này giống như một trận Đại hồng thủy, chỉ còn một số ít nước ''sống sót'', có lẽ Hoa Kỳ chỉ còn nhập khẩu hàng dệt may từ 15 nước thay vì 125 nước hiện nay, và ''30 triệu việc làm có thể sẽ mất cùng với sự kết thúc của hạn ngạch hàng dệt may''.

Hầu hết các nước đang phát triển lại càng bi quan hơn khi phải đối mặt với một cuộc cạnh tranh khốc liệt không cân sức, và Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Ngay cả các nhà sản xuất của những nước phát triển như EU, Hoa Kỳ cũng đang hết sức lo ngại về việc phải cắt giảm phần lớn lực lượng lao động của mình, họ công khai bộc lộ tại các diễn đàn quốc tế nguy cơ ''bị tấn công ồ ạt'' của một số nước, nhất là Trung Quốc.

Tờ Wall Street ngày 20/11/2003 đăng bài của phóng viên thường trú tại Đắc-ca về phản ứng của các tầng lớp xã hội Bangladesh, một đất nước 140 triệu dân, xuất khẩu hàng dệt may khoảng 5 tỷ USD, chiếm 80% nguồn thu ngoại tệ, sử dụng 1,8 triệu lao động; trong đó có đưa ý kiến của một lãnh đạo cấp cao Đảng Dân tộc Bangladesh như sau: ''Sự kết thúc MFA sẽ là một thảm họa, làm quay ngược thời gian đối với xã hội chúng ta''.

Sự mất cân đối trong cơ cấu phát triển giữa ngành dệt và ngành may là điểm yếu cơ bản, đã được nhắc đến nhiều nhưng Việt Nam hầu như chưa khắc phục được.

Từ đầu năm 2001, Chính phủ đã đặt ra mục tiêu nâng diện tích trồng bông từ 33.000ha hiện nay lên 60.000ha vào năm 2005 và 120.000ha vào năm 2010, nhằm đưa sản lượng bông xơ lên 30.000 tấn vào năm 2010. Chính phủ đã chỉ đạo quy hoạch các vùng trồng bông, cũng như ban hành một số chính sách hỗ trợ cho ngành trồng bông như: hỗ trợ vốn dự trữ hạt bông, ưu tiên vốn tín dụng đầu tư, hỗ trợ công tác nghiên cứu khoa học công nghệ, thành lập Quỹ hỗ trợ giá bông...

Tuy nhiên, các chính sách trên dường như chưa đủ mạnh để tác động cho ngành trồng bông phát triển như mong muốn. Mùa vụ 2003, do bị hạn hán và bị tranh chấp bởi một số cây trồng khác, nên diện tích trồng bông tại Tây Nguyên (vùng trồng bông chủ lực hiện nay) bị giảm đến gần 20%. Nhờ năng suất tăng nên sản lượng bông xơ không giảm so với vụ trước, tuy nhiên, sản lượng không đạt mức kế hoạch đề ra là 15.000 tấn. Việc không tăng được sản lượng trong lúc giá bông thế giới đang lên là một điều đáng tiếc. Đối với vải, năm 2003 vừa qua, sản lượng vải toàn quốc chỉ đạt trên 500 triệu m2, trong khi năng lực sản xuất là 600 triệu m2, còn quá xa so với chỉ tiêu 800 triệu m2 của năm 2005.

Đối với những khâu đòi hỏi nguồn vốn lớn và kỹ thuật cao như: in, dệt, nhuộm, hoàn tất, nhiều ý kiến đưa ra về việc kêu gọi đầu tư nước ngoài. Song, môi trường đầu tư của Việt Nam vẫn không thể cạnh tranh với Trung Quốc. Riêng các dự án in nhuộm và hoàn tất, vấn đề cung cấp nước sạch và xử lý nước thải có ý nghĩa quyết định. Giá nước sạch tại Việt Nam hiện nay là 25-30 cents/m3, trong khi giá của Trung Quốc là 13 cents.

Đối với chi phí điện, tiền điện hiện nay của Việt Nam là 7 cents/KWh, cao hơn phí điện năng của Trung Quốc (4,8 - 6). Chi phí cơ sở hạ tầng cũng ở mức cao, Trung Quốc là 10-12 USD/m2/50 năm, thấp hơn nhiều so với mức chi phí hiện tại của Việt Nam là 20-60 USD/m2/50 năm.

DN Việt Nam đã thật sự chuẩn bị cho "cuộc chiến" sau 2004?

Dệt may Việt Nam còn phụ thuộc lớn vào nguyên phụ liệu nhập khẩu.

Trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Khánh Sơn, Giám đốc Hanosimex cho biết: ''DN chúng tôi chỉ biết chờ thôi. Hiện nay, tới 80% xuất khẩu của chúng tôi là vào thị trường có hạn ngạch. Về khả năng cắt giảm lao động của Công ty sau năm 2004 thì rất thấp, nhưng giảm lương thì gần như là điều chắc chắn. Cạnh tranh sẽ khốc liệt hơn, trong khi giá thành sản phẩm của Việt Nam bao giờ cũng bị đội lên cao do từng cái kim, cái chỉ đều phải nhập từ nước ngoài. Điều cần nhất của DN hiện nay là sự hỗ trợ về cơ chế, chính sách của Nhà nước với ngành dệt may''.

Bà Đặng Phương Dung, Giám đốc Công ty May 10: ''Điểm yếu kém của các DN Việt Nam vẫn là vấn đề quản lý. Mặc dù dây chuyền công nghệ của Việt Nam khá tiên tiến, nhiều khi không thua kém nước ngoài nhưng quản lý kém dẫn đến năng suất không cao. Hiện nay, xuất khẩu của May 10 chủ yếu là mặt hàng có hạn ngạch và các thị trường chính là Mỹ và EU. Sau năm 2004, chiến lược của chúng tôi là sẽ giữ chân các khách hàng truyền thống bằng chất lượng và dịch vụ''.

Tuy nhiên, theo nhận xét của ông Lê Quốc Ân, ''Giữ khách hàng tức nhiên là nhiệm vụ của DN dựa trên mối quan hệ truyền thống lâu năm, vì mục đích tình cảm. Nhưng khi chênh lệch một mười một tám thì còn được, chứ thấp hơn thì khả năng là vô cùng khó''.

Và thực tế, hạn ngạch dệt may không phải là tất cả, khi đem vấn đề này đặt bên cạnh năng lực cạnh tranh của chính các DN Việt Nam. Đơn cử như với thị trường Canada, những năm 1996-1997, khi Canada áp dụng hạn ngạch mặt hàng sơ mi nam, Việt Nam xuất vào thị trường này 1,7 triệu chiếc. Từ 1/1/1998, Canada bỏ hạn ngạch, sau 3 năm, ta mất thị trường.

Cần sự kết hợp giữa DN và Nhà nước

Ông Lê Quốc Ân nhận định: ''Ngành dệt may Việt Nam phát triển chậm hơn các nước, lại phải nhập khẩu phần lớn nguyên phụ liệu. Nếu không có sự tập trung từ hai phía: DN và Nhà nước thì chẳng những sẽ không phát triển nữa, mà còn có nguy cơ phải cắt giảm sản xuất và sa thải hàng trăm ngàn lao động sau năm 2004''.

Trong đó, nỗ lực của DN là có tính quyết định, ''DN phải dựa vào chính mình''. Thay vì thụ động trong phương thức tiếp thị của thời kỳ có hạn ngạch, DN phải chủ động khai thác và phát triển quan hệ với các khách hàng đối tác để tạo dựng quan hệ hợp tác kinh doanh. Ông Ân nhận xét: ''Về giá cả, DN Việt Nam không thể cạnh tranh với hàng Trung Quốc, nhưng cạnh tranh về chất lượng là hoàn toàn có thể được. Nhiều thương hiệu như May 10, Việt Tiến, Thái Tuấn... rất có thể đánh bại các sản phẩm Trung Quốc''.

Tuy nhiên, không thể không nói đến bàn tay hỗ trợ vĩ mô của Nhà nước. Vấn đề những chi phí chung như: giá điện, nước, vận chuyển... cao hơn giá khu vực, đều nằm ngoài tầm tay của DN. Đặc biệt là đàm phán với các nước về mở cửa thị trường. Ông Ân lấy ví dụ, năm 2001, Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ chưa có hiệu lực, xuất khẩu dệt may vào Mỹ chưa được đầy 1 tỷ USD do hàng Việt Nam bị đánh thuế cao gấp 3 lần. Tuy nhiên, sau khi BTA có hiệu lực (tháng 12/2001), xuất khẩu dệt may vào Mỹ đã tăng mạnh, năm 2003 lên tới 2 tỷ USD, Việt Nam trở thành nước đứng thứ 7 về xuất khẩu dệt may vào Mỹ.

  • Phương Thanh

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,