Gần đây, cây bông được nhắc đến nhiều với dự báo giá bông trên thế giới sẽ còn cao. Theo một số công ty bông khu vực, mức tiêu thụ bông của thế giới niên vụ này tăng 2,1%, đạt 21,33 triệu tấn, trong đó Trung Quốc là nước tiêu thụ nhiều nhất với mức tăng 6%; sản lượng bông toàn cầu niên vụ 2004-2005 đạt mức kỷ lục là 22,203 triệu tấn, tăng 11% so với niên vụ trước; diện tích trồng bông tăng 6%.
Hàng dệt may Trung Quốc chiếm lĩnh thị trường thế giới. |
Trong số các nước sản xuất bông, sản lượng của Trung Quốc tăng đáng kể, ở các nước khu vực đồng phrăng châu Phi sẽ đạt kỷ lục mới; Australia và Brazil tăng vừa phải; Mỹ và các nước vùng Trung Á không tăng.
Các nhà kinh tế nhận định giá bông trên thị trường thế giới ở mức cao trong năm nay chủ yếu do thị trường Trung Quốc không đủ cung, tạo cơ hội cho các nước khác tăng xuất khẩu. Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho biết, chỉ quí II, Mỹ có thể đạt mục tiêu xuất khẩu 13,2 triệu kiện bông (1 kiện = 217,92kg) trong niên vụ này. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ bông của Trung Quốc đã tăng lên từ hơn một năm qua do ngành dệt may nước này phát triển mạnh, dự báo niên vụ này TQ đạt 22 triệu kiện bông, phải nhập khẩu khoảng 7 triệu kiện.
Cây bông lên ngôi là điều dễ hiểu vì dệt may vẫn là một lĩnh vực được các nước thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) rất quan tâm và đặt lên bàn nghị sự của các vòng đàm phán tự do hóa thương mại toàn cầu. Ngành đệt may tạo nhiều việc làm, riêng Indonesia sử dụng 1,18 triệu công nhân. Công nghiệp dệt may đạt giá trị xuất khẩu toàn cầu hơn 350 tỷ USD/năm là nguồn thu đáng kể của nhiều nền kinh tế như Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh, Malaysia, Pakixtan, Hàn Quốc… Trung Quốc đứng đầu thế giới về xuất khẩu sản phẩm may mặc. Dệt – may chiếm 4% tổng sản lượng hàng hóa, 4,8% tổng lượng thương mại và 7% việc làm của EU, 177 nghìn công ty với khoảng 2,1 triệu công nhân của ngành này năm 2003 làm ra đạt giá trị 200 tỷ EUR, so với 115 tỷ trước đó. Cùng với Mỹ, EU đứng đầu thế giới về kinh doanh dệt – may, đứng đầu về xuất khẩu sản phẩm dệt, đứng thứ hai về xuất khẩu sản phẩm may mặc, năm 2002 xuất khẩu hàng dệt – may đạt 43,8 tỷ EUR.
Batiksarong - một mặt hàng dệt may truyền thống nổi tiếng của Indonesia. |
Theo quy định của vòng đám phán Urugoay (năm 1994) từ ngày 1/1/2005 WTO xóa bỏ hạn ngạch xuất, nhập khẩu đối với sản phẩm dệt may. Báo cáo hàng năm 2002 của WTO cho biết việc xóa quota đối với hàng dệt may sẽ làm tăng khối lượng hàng dệt và quần áo từ các nước châu Á vốn đã tăng trưởng mạnh. Thậm chí chỉ cần tăng trưởng 5,3%/năm trong 12 năm tới hoặc 3,2% trong ngành công nghiệp dệt, thị trường xuất, nhập khẩu toàn cầu hàng dệt và quần áo vẫn có thể đạt 600 tỷ USD vào năm 2015. Tuy nhiên thị trường dệt may sẽ cạnh tranh quyết liệt. Xóa bỏ quota buộc các nước phải có những biện pháp để bảo hộ ngành sản xuất trong nước như kiện chống bán phá giá. Đây là biện pháp không chỉ nước giàu mà cả nước nghèo cũng áp dụng. Từ tháng 07/2002 đến 06/2001 WTO nhận 313 vụ kiện, trong đó từ Mỹ 77, Canada 41, EC 29, Australia 20, trong khi từ Ấn Độ 37, Argentina 44, Nam Phi 20, Brazil 10. Theo Văn phòng dệt may quốc tế có trụ sở tại Genever, hàng dệt và quần áo là lĩnh vực đứng thứ 3 sau sắt thép và hóa chất bị kiện chống bán phá giá nhiều nhất. Không phải ngẫu nhiên Mỹ phản ứng gay gắt khi mới đây EU quyết định trừng phạt thương mại Mỹ. Việc làm của EU, theo Reuters, sẽ ảnh hưởng hàng loạt mặt hàng xuất khẩu của Mỹ, trong đó có hàng dệt. Ngoài ra nhiều nước còn áp dụng những cách khác để hạn chế nhập khẩu. Chẳng hạn sau sự kiện ngày 11/09/2001, Mỹ áp dụng biện pháp phân loại các mức độ nguy hiểm, theo đó áp đặt kiểm soát các tàu hàng và bến giao-nhận hàng gây khó khăn xuất khẩu từ các nước nghèo. Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính, việc Mỹ và EU trợ giá mặt hàng bông khiến các nhà sản xuất châu Phi thiệt hại 300 triệu USD, nhiều hơn số tiền các nước phát triển giảm nợ cho các nước châu Phi sản xuất bông năm đó…
Thời hạn WTO xóa bỏ quota đối với hàng dệt-may đến gần buộc những nền kinh tế thành viên quan tâm thực thi nhiều biện pháp để tăng khả năng cạnh tranh của ngành công nghiệp này. Đầu tháng 3/2004, Nhóm cấp cao về ngành dệt của EU thảo luận những biện pháp cải thiện khả năng cạnh tranh của hàng dệt may và kiến nghị EU mở rộng sẽ khẩn trương nghiên cứu và đổi mới các lĩnh vực giáo dục, đào tạo, việc làm, chính sách thương mại, bảo vệ nhãn mác, tạo cơ hội kinh doanh mới, ứng dụng công nghệ cao, tăng đầu tư vào các quy trình và vật liệu sản xuất mới, đổi mới thiết kế và hệ thống sản xuất, v.v… Ấn Độ và Pakixtan, theo nhận xét của AFP, cũng tăng tốc các cuộc đàm phán nhằm thúc đẩy hợp tác ngành dệt-may, theo đó mở nhiều liên doanh mới. Năm 2001, kim ngạch buôn bán hai chiều đạt 246 triệu USD, năm 2003, giảm còn 206 triệu USD do quan hệ hai nước căng thẳng. Hai bên dự kiến mở cửa thị trường, trong đó có dệt-may, lĩnh vực thu hút nhiều lao động nhất của hai nước, để góp phần nâng kim ngạch thương mại song phương lên 3-4 tỷ USD/năm. Indonesia tích cực tìm biện pháp thu hút đầu tư nâng cấp nhà xưởng, máy móc, bổ sung lao động ngành nghề để khai thác lĩnh vực có nhiều cơ hội trong công nghiệp dệt may là sản xuất hàng hóa chất lượng cao như quần áo lót, quần áo trẻ em, mẫu mã thời trang. Hội nghị thương mại và phát triển của LHQ (UNCTAD) gợi ý các nước châu Phi đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm…
-
Phương Bình (Báo Nhân Dân)