Mặc dù nhiều nước phát triển đề nghị gia hạn quota dệt may đến năm 2007, song chế độ hạn ngạch đối với hàng dệt may vẫn sẽ được dỡ bỏ theo đúng kế hoạch đã định (ngày 1/1/2005) theo Hiệp định Dệt may WTO (ATC) - một quan chức WTO cho biết.
Ngành dệt may, thế mạnh của nhiều nước đang phát triển. |
Tham gia phát biểu tại cuộc hội thảo "WTO và Tương lai của vòng đàm phán Doha" do Liên minh các ngành công nghiệp Ấn Độ (CII) tổ chức hôm 13/4, Phó Tổng giám đốc WTO, ông Kipkorir Aly Azad Rana cho biết ông tin tưởng chắc chắn quotas dệt may sẽ được dỡ bỏ theo đúng kế hoạch ngày 1/1/2005, mặc dù nhiều nước phát triển liên tục đề nghị gia hạn chế độ hạn ngạch cho đến năm 2007.
Ông Rana nói: "Không có sự đồng thuận nào trong số các nước thành viên WTO về vấn đề gia hạn chế độ hạn ngạch cả. Các nước thành viên đều đã sẵn sàng cho việc thực hiện dỡ bỏ quotas đối với hàng dệt và may mặc kể từ đầu năm 2005".Tuy nhiên, ông cho biết các quốc gia thành viên cũng đang bị sức ép không được dỡ bỏ quota dần dần từng bước, mà phải thực hiện dỡ bỏ hoàn toàn.
Một số cường quốc xuất khẩu dệt may như Ấn Độ, vốn có nguồn nhân công rẻ, sẽ có khả năng thu được lợi lớn từ việc dỡ bỏ quota - vì quota từ lâu được xem như một biện pháp hạn chế năng lực của nhiều công ty dệt may lớn của nước này. Nhiều hãng phân phối bán lẻ hàng đầu như Walmart hay JC Penney đều bày tỏ lạc quan rằng nguồn hàng vải vóc, quần áo nhập từ Ấn Độ sẽ phong phú hơn khi hạn ngạch dệt may được dỡ bỏ.
Ông Rana cũng cho biết WTO đã triển khai việc xây dựng chương trình thực hiện hội nhập đối với những quốc gia sẽ không được nhận ưu đãi nữa, khi mà chế độ hạn ngạch chấm dứt. Ông nói, chương trình này cũng đang được triển khai đối với ngành mía đường.
Về vấn đề ra đời hàng loạt các Hiệp định thương mại khu vực (Regional trade agreements - RTA) và tác động của chúng đối với chủ nghĩa mậu dịch đa phương, ông Rana nói, ông hy vọng các RTA đó sẽ trở thành những viên gạch nền tảng để thúc đẩy đàm phán thương mại đa phương. Theo ông, sự xuất hiện nhiều Hiệp định thương mại khu vực hoàn toàn không có nghĩa là để thay thế cho các cuộc đàm phán đa phương hiện đang bế tắc.
(Thu Thuỷ - theo The Hindubusinessline)