221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
238393
Nhà thầu Việt Nam: Nợ ai, ai nợ ?
1
Article
null
Nhà thầu Việt Nam: Nợ ai, ai nợ ?
,

(VietNamNet) - Nhà thầu vừa là chủ nợ của nhà đầu tư vừa là con nợ của ngân hàng, của nhà cung cấp vật tư, nợ lương của người lao động. Vòng luẩn quẩn này bao giờ mới dứt?

Nhiều nhà thầu Việt Nam do gánh nặng giải quyết việc làm cho công nhân đã phải ký hợp đồng thua thiệt.

Nhà thầu - đối tượng vẫn hay bị lên án là tham nhũng, gây thất thoát nhất, hóa ra lại là người chịu thiệt thòi nhất, là ''con nợ'' đau khổ và chủ nợ bất đắc dĩ? Hội thảo ''Nợ tồn đọng trong xây dựng, giải pháp nào cho nhà thầu'' sáng 21/4 tại Hà Nội đã đưa vấn đề này ra thảo luận gay gắt và bài học rút ra vẫn là ''tiên trách kỷ...''.

Từ gánh nặng việc làm đến ''nắm dao đằng lưỡi''

Thực tế là nhiều nhà thầu do sức ép công việc, không ngần ngại lao vào các dự án có nhiều sai phạm về thủ tục đầu tư và xây dựng, nguồn vốn rất mong manh, mà không lường trước hậu quả. Thậm chí có nhiều nhà thầu đã lo hộ chủ đầu tư toàn bộ công việc của dự án từ A đến Z để lấy việc làm. Mọi khâu chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị xây dựng như vậy không thể đảm bảo chất lượng được, tất sẽ nảy sinh nhiều vấn đề lớn khi thi công công trình. Do đó, nhiều nhà thầu lâm vào tình trạng "nắm dao đằng lưỡi" khi bị chiếm dụng vốn mà không biết kêu ai.

Ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam nhận xét: ''Ở nước ta, bên đặt hàng lúc nào cũng chiếm thế thượng phong, đặt ra các điều kiện ràng buộc bên sản xuất, nhưng lại rất ít chịu ràng buộc trở lại đối với mình. Một thành phố nọ ra lệnh phạt tiền các nhà thầu chậm tiến độ xây dựng - một việc làm cần thiết, nhưng lại không ra lệnh tự mình nộp phạt khi chậm giao mặt bằng hay chậm trả tiền. Các nhà thầu vì công ăn việc làm nên phải nín nhịn hết mức, và để nhận được tiền thì không chỉ phải nín nhịn bên A mà còn phải nín nhịn nhiều bên khác nữa nếu bên A sử dụng vốn ngân sách''.

Còn theo Ông Đỗ Tất Ngọc, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam: ''Một số nhà thầu do áp lực của vấn đề tạo công ăn việc làm cho CNVC, tạo thu nhập để bù đắp các chi phí quản lý, chi phí khấu hao tài sản cố định... đã vay vốn các tổ chức tín dụng, các tổ chức kinh tế để ''ứng trước'' cho các công trình theo hình thức ''chìa khóa trao tay'', nhằm ''đón lõng'' nguồn vốn từ Ngân sách Nhà nước... Đến khi nguồn vốn này không trở thành hiện thực thì các nhà thầu trở thành con nợ.

Nhà thầu kêu ai khi con nợ là nhà đầu tư nước ngoài?

Tới đầu năm 2004, trong tổng số 28.800 tỷ đồng công nợ, nợ xây dựng cơ bản chiếm 11.000 tỷ đồng và là mảng nợ lớn nhất, rối rắm. Nợ xây dựng cơ bản ngày càng tăng và kéo dài tạo ra một vòng luẩn quẩn: Nhà nước mà đại diện là các chủ đầu tư ở Trung ương và địa phương nợ nhà thầu khối lượng xây lắp công trình đã hoàn thành, nhà thầu lại nợ vốn ngân hàng, nợ thuế Nhà nước, nợ các đơn vị cung cấp VLXD, nợ lương công nhân... Nhà thầu chính nợ nhà thầu phụ, các DN chiếm dụng vốn gây rối loạn, ách tắc, bất ổn về tài chính.

Theo thống kê của nhiều đơn vị xây lắp, lợi nhuận từ công tác xây lắp khoảng 1-1,5% giá trị doanh thu. So với con số 6% của quốc tế thì đây quả là thấp đáng ngạc nhiên. Tuy nhiên, không có gì kỳ lạ khi tới 4,5-5% lợi nhuận xây lắp được dùng để trả lãi vay ngân hàng hoặc các nguồn khác.

(Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam)

Nợ nhà thầu không phải chỉ có từ các nhà đầu tư trong nước, mà còn có từ nhà đầu tư nước ngoài hoặc công ty nước ngoài hoạt động tại Việt Nam.

Phần lớn điều kiện của gói thầu đều quy định nhà thầu phải ký quỹ thực hiện hợp đồng và sau đó, dù có tạm ứng hay không tạm ứng, nhà thầu vẫn phải ứng vốn ra để thi công. Số tiền này lớn hay nhỏ phụ thuộc vào giá trị gói thầu nhận được và điều kiện của gói thầu. Vì vậy, nếu xảy ra sự cố về thanh toán thì nhà thầu gánh đủ. Nhà thầu Việt Nam ở tư thế đơn độc khó mà đòi hỏi nhà đầu tư hoặc thầu chính nước ngoài công bố về năng lực tài chính hoặc ký quỹ để đảm bảo hợp đồng, thậm chí còn bị cắt xén những khoản vô lý. Số tiền bị giữ lại theo điều kiện hợp đồng bị một số chủ đầu tư nước ngoài chiếm dụng bằng lý do không chính đáng  ngày càng tăng lên và kéo dài hàng năm.

Ông Nguyễn Xuân Bảng, Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghiệp DESCON đưa ra ví dụ về Dự án khí Nam Côn Sơn. Nhà thầu chính MACDOW cung cấp VLXD chính cho dự án, gồm thép, bê tông thương phẩm, kết cấu thép..., đồng thời thuê kỹ sư giám sát chất lượng và khối lượng vật liệu cung cấp cho thầu phụ thi công. Thầu phụ chỉ thầu phần nhân công, nhưng khi quyết toán công trình, thầu chính lại đơn phương khấu trừ vật liệu cung cấp phụ trội do thầu chính tự thống kê cho các hạng mục, và còn bắt thầu phụ trả lương cho kỹ sư giám sát nước ngoài của thầu chính, với số tiền lên đến hàng chục ngàn USD. Sau khi bàn giao công trình cho chủ đầu tư, nhà thầu chính đã rút khỏi Việt Nam mang theo số tiền nợ các nhà thầu phụ chưa thanh toán có tới hàng triệu USD.

Trường hợp khác, ở một dự án xây dựng bệnh viện quốc tế nước ngoài đầu tư tại TP.HCM, nhà thầu Việt Nam đã xuất hóa đơn thanh toán cho chủ đầu tư trên cơ sở phiếu thanh toán do Tư vấn nước ngoài lập và đã được chủ đầu tư ký chấp nhận. Nhưng, chủ đầu tư đột nhiên thay đổi, đơn phương hủy việc thanh toán và khấu trừ tạm số tiền 50.000 USD của nhà thầu, mà không có sự giải thích thỏa đáng. Ngay đơn vị Tư vấn cũng cho biết, việc khấu trừ chỉ là quyết định riêng của chủ đầu tư. Ngoài ra, gần 170.000 USD khối lượng phát sinh so với bản vẽ thiết kế ban đầu và điều kiện của gói thầu, chủ đầu tư vẫn chưa chịu thanh toán cho nhà thầu, với lý do không lấy gì làm thuyết phục là ''hợp đồng trọn gói''.

Bài học ''tiên trách kỷ...''

Lý giải về tình trạng trên không thể không nói đến năng lực của chính các nhà thầu Việt Nam ''quá non kém, quá ngây thơ'' để dẫn đến những bước "qua mặt" của nhà đầu tư nước ngoài. Ông Bảng đưa ra nhận xét, xuất phát từ nền văn hóa nông nghiệp phương Đông, nhà thầu xây lắp Việt Nam trong quan hệ giao dịch vẫn nặng về tình cảm, nhẹ về pháp lý và chưa thích ứng được kinh tế thị trường nên dễ dàng nhượng bộ và bị bắt chẹt trong thương lượng hợp đồng.

Ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam khẳng định: ''Việc giải quyết nợ tồn đọng trong xây dựng trước tiên phải xuất phát từ Hợp đồng xây dựng. Nếu hợp đồng đã được ký kết hợp thức, thì dù chủ đầu tư chấp hành quy chế đầu tư và xây dựng có đầy đủ hay không, cũng vẫn phải thanh toán theo đúng quy định của Hợp đồng, nếu không sẽ bị khởi tố theo pháp luật dân sự''. Do đó, các hiệp hội phải có bộ phận pháp lý, chuyên gia pháp luật, các công ty phải tự đưa người đi đào tạo tại nước ngoài để nâng cao năng lực trong việc thỏa thuận, ký kết hợp đồng. Trước khi ký kết hợp đồng, nhà thầu cũng phải tìm hiểu về năng lực tài chính của bên A qua các ngân hàng.

Và nỗi mong chờ một "bà đỡ" pháp lý

Tuy nhiên, một bàn tay ''đỡ đần'' về pháp lý của Nhà nước cũng là điều vô cùng cần thiết. Ông Đỗ Tất Ngọc, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam đề xuất: ''Cần sớm ban hành các văn bản pháp quy về quy hoạch, quản lý và giám sát đầu tư, phê duyệt thiết kế, dự toán, đấu thầu... Xử lý kiên quyết, dứt điểm các chủ đầu tư không tuân thủ chỉ đạo của Chính phủ, không am hiểu về đầu tư và xây dựng..., nhưng vẫn lập, quản lý và triển khai thực hiện những dự án lớn.

Ngân sách Nhà nước cần tăng cường và nâng cao chất lượng thẩm định tình hình tài chính của dự án đầu tư, của các nhà thầu trước khi cân đối vốn; kiên quyết không cân đối vốn cho các dự án đầu tư kém hiệu quả, kém khả thi và nhà thầu kém năng lực chuyên môn, yếu về tài chính.

Còn Ông Nguyễn Thành Phương, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xuất nhập khẩu Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) đề nghị bổ sung các quy định thanh toán giữa chủ đầu tư và nhà thầu để nâng cao tính sòng phẳng, công bằng và hợp lý trong việc thực hiện hợp đồng giao nhận thầu. Nhà thầu khi thực hiện hợp đồng phải có ngân hàng bảo lãnh thì chủ đầu tư cũng cần phải có ngân hàng bảo lãnh thanh toán; quá thời hạn này, ngân hàng sẽ chủ động thanh toán cho nhà thầu hoặc nhà thầu đi vay ngân hàng thì chủ đầu tư phải chịu lãi suất vay.

  • Phương Thanh

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,