(VietNamNet) - Giám đốc một ngân hàng cổ phần phàn nàn, họ đã phải nhắm các sinh viên xuất sắc từ năm thứ 3, thế mà khi sắp tốt nghiệp vẫn bị một ngân hàng nước ngoài "nẫng" mất.
Nhân lực vẫn là một điểm yếu, một nhu cầu cấp bách của ngành ngân hàng, nhất là khi hệ thống này đang trong quá trình hội nhập.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phùng Khắc Kế hôm qua (5/5) đã ''thú thật'' điều này tại hội thảo về tự do hóa và mở cửa hệ thống tài chính Việt Nam trong quá trình gia nhập AFTA và WTO.
Nhân lực giỏi chán ... DN trong nước
Theo số đông chuyên gia trong ngành, cách tuyển dụng nhân sự tại các tổ chức tín dụng Việt Nam đang là một cản trở lớn. Phần lớn các ngân hàng đều thông báo tuyển dụng nhân sự với các tiêu chuẩn rất cao: tiếng Anh thành thạo hoặc tương đương trình độ C, bằng tốt nghiệp chuyên ngành từ khá giỏi, thậm chí có cơ quan chỉ nhận nhân viên bằng giỏi. Nhưng sau khi đã vào cơ quan thì chính các nhân sự lại quá ngán ngẩm trước cung cách làm việc, nội dung công việc nhàm chán, nặng thủ tục hành chính, khác hẳn với những gì họ mong đợi. Thêm vào đó, mức lương chuyên viên bậc 1 quá thấp, cộng thêm hai trăm nghìn đồng bồi dưỡng bữa trưa vẫn thấy ít, khiến những nhân sự giỏi không buộc chân với ngân hàng được lâu.
Một ngân hàng quốc doanh lớn cũng đang phải tốn nhiều tiền bạc và công sức để tuyển dụng đến lần thứ 4 mà vẫn chưa tìm được đủ vài nhân viên cho bộ phận công nghệ thông tin. ''Cứ tìm được một vài người ưng ý, sau một thời gian họ chán bỏ đi mất, chúng tôi phải đăng báo tuyển đợt khác. Nhưng tình hình vẫn không khá hơn, bởi các tiêu chuẩn lãnh đạo đặt ra rất cao, chi phí thuê người phỏng vấn cũng không nhỏ, các vòng tuyển dụng gắt gao, mất thời gian mà hiệu quả cuối cùng vẫn bằng không'', trưởng phòng tổ chức hành chính ngân hàng này cho biết.
Bên cạnh đó, tình trạng ''con ông cháu cha'' quá nặng nề không chỉ ở ngành ngân hàng mà còn ở rất nhiều các DN Nhà nước hiện nay, khiến các tổ chức tín dụng vẫn chạy trong cái vòng luẩn quẩn về tuyển dụng.
Nhân lực giỏi đi đâu?
Giám đốc của một ngân hàng cổ phần phàn nàn, để chuẩn bị cho vấn đề nhân sự, cơ quan này đã phải nhắm các sinh viên giỏi Khoa Ngân hàng - Đại học Kinh tế Quốc dân từ năm thứ 3, thế mà khi tốt nghiệp vẫn bị một ngân hàng nước ngoài "nẫng" mất. Ông này ngậm ngùi cho rằng, các ngân hàng cổ phần nếu có ''già'' nhất Việt Nam thì tuổi thọ cũng mới trên dưới 10 năm tuổi, không thể cạnh tranh được với các ngân hàng nước ngoài vốn đã có từ hàng trăm năm nay, với kinh nghiệm và môi trường làm việc cực kỳ hấp dẫn.
Trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Xuân Thanh, Trưởng phòng nhân sự của Ngân hàng Techcombank cũng thừa nhận, chất lượng nhân sự đúng là một thử thách rất lớn của tất cả các ngân hàng Việt Nam hiện nay. Theo ông Thanh: ''Công nghệ và nhiều thứ khác có thể mua được, nhưng con người là rất khó, đòi hỏi không ít công sức và thời gian của mỗi cơ quan. Càng ngày, chúng tôi phải đối mặt với mức độ cạnh tranh càng cao. Sắp tới, các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước đều cùng một sân chơi và rất khó để khẳng định được nhân lực của mình sẽ ngang với các ngân hàng nước ngoài, nhất là trước các đãi ngộ và mức lương hấp dẫn của họ. Ông Thanh cho biết, không ít ngân hàng quốc doanh Việt Nam đã bị mất nhân viên xuất sắc và Techcombank cũng đã từng gặp trường hợp này.
Thời gian tới, một trong những nỗ lực đang được Techcombank đẩy mạnh là việc đào tạo nhân sự và phân phối lại công việc. Ngân hàng này cũng vừa tuyển 50 nhân viên mới cách đây vài ngày. Nhưng ông Thanh cũng không hề giấu giếm khi nói rằng ''nếu nói 100% các cuộc tuyển dụng đều minh bạch thì là điều không tưởng...''.
-
Hồng Phúc