(VietNamNet) - Chỉ tiêu xuất khẩu 4,2-4,5 tỷ USD dệt may trong năm 2004 đang trở nên khó khăn khi các thị trường, kể cả EU (vừa tăng hạn ngạch cho VN) đều cho thấy những tín hiệu ít lạc quan.
Cạnh tranh trên thị trường dệt may sẽ trở nên khốc liệt sau khi chế độ hạn ngạch bị dỡ bỏ từ 1/1/2005. Ảnh: Nguyên Vũ. |
Ngay sau khi có thông tin Mỹ cắt giảm 4,5% hạn ngạch dệt may 2004 của Việt Nam, Hiệp hội Dệt may đã có cuộc họp cùng các DN sáng nay (14/5), với nhiều nỗi âu lo cho tình hình xuất khẩu dệt may của 8 tháng cuối năm và cả trong những năm tới.
Khó thực hiện chỉ tiêu xuất khẩu 4,2-4,5 tỷ USD?
Kim ngạch xuất khẩu cả nước trong 4 tháng đầu năm nay ước đạt 1,116 tỷ USD, tăng khoảng 5% so với cùng kỳ năm 2003; nhưng riêng tháng 4 lại chỉ đạt 277 triệu USD, giảm gần 21% so với tháng trước.
Với thị trường Hoa Kỳ, ông Lê Văn Đạo, Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, ''dù năm 2003, Việt Nam xuất vào thị trường này gần 2 tỷ USD dệt may, nhưng trong năm 2003 đã sử dụng trước một số hạn ngạch của năm 2004. Mặt khác, trong năm có tới 4 tháng xuất khẩu tự do, nhiều hiện tượng gian lận quota đã diễn ra, số lượng hạn ngạch của năm 2005 lại chưa được phân giao''. Ông Đạo cho rằng 4,5% lượng quota bị cắt không phải là nhiều, nhưng là quyết định hết sức bất ngờ, sẽ gây nhiều khó khăn cho DN. Trong khi đó, các DN vẫn tiến hành đầu tư mở rộng, nên lượng hạn ngạch được giao ngày càng trở nên hạn hẹp.
Còn với thị trường EU, 4 tháng đầu năm, lượng xuất khẩu đã tăng hơn 57%; riêng tháng 4, một số cat. nóng như cat. 4, cat. 6 gặp vấn đề, nên đã làm giảm gần 10%. Tuy nhiên, hạn ngạch tăng cũng không thể mang lại nhiều yếu tố tích cực nếu DN cứ ồ ạt khai thác những đơn hàng giá trị thấp, hoặc tập trung vào những cat. nhạy cảm như vừa qua. Đặc biệt, có những cat. như cat. 6, DN gian lận hạn ngạch, xuất ồ ạt chỉ trong vòng 1 tháng, trong khi năng lực sản xuất thực tế của họ lại không đáng bao nhiêu.
Còn thị trường Nhật Bản, mặc dù 4 tháng đầu năm, mức xuất tăng với tốc độ 15% và không áp dụng hạn ngạch, nhưng cạnh tranh tại thị trường này đang rất khốc liệt; Việt Nam tuy đứng vị trí thứ 2 nhưng chỉ chiếm có 3% thị phần còn tới 90% thị phần thuộc về các DN Trung Quốc.
Hầu hết DN dệt may đều lo lắng cho tình hình xuất khẩu dệt may năm 2004 trở đi, nhất là từ năm 2005, khi hạn ngạch dệt may được hoàn toàn dỡ bỏ.
DN dệt may lo lắng vì gian lận quota
Hạn ngạch dệt may vốn là chiếc bánh quá bé và phải chia ra thành quá nhiều phần, thậm chí, có ý kiến cho rằng, chỉ 1 DN làm hết công suất là đã sử dụng hết lượng hạn ngạch này. Việc chia cái bánh thành những phần như thế nào cho hợp lý quả không đơn giản.
Vấn đề DN xuất khẩu dệt may bức xúc nhất hiện nay là gian lận hạn ngạch. Ông Đào Duy Phong, Giám đốc Công ty May Sông Đà lên tiếng: ''Hạn ngạch được phân giao chưa thực sự dựa trên máy móc, số lượng công nhân và năng lực của DN. Có nhiều DN máy móc ít, công nhân chỉ có vài trăm người, nhưng lại nhận được lượng quota quá lớn''. Việc gian lận quota còn dẫn tới tình trạng mua bán quota đang ngầm diễn ra, thậm chí là cò mồi quota. Theo một DN xuất hàng dệt may khác, phí mua bán quota trên thị trường hiện nay là khoảng 9 cents với cat.347/348 và 7 cents với cat.38/39.
Bà Ngô Việt Vân, Giám đốc Công ty May 40, Bộ Quốc phòng thì kiến nghị: ''Phân bổ hạn ngạch dệt may được tiến hành theo thành tích của DN. Tuy nhiên, có những cat. năm 2003 chỉ thực hiện được 60% như cat.434/435 nhưng khi chúng tôi tìm được bạn hàng mới, đơn đặt hàng mới và làm đơn xin hạn ngạch thì Liên Bộ đều trả lời là không được. Đối với thị trường EU, hàng chúng tôi xuất theo mùa, chủ yếu là 6 tháng cuối năm, nhưng thực tế là từ vài tháng đầu năm đã hết sạch hạn ngạch''.
Còn đối với ông Nguyễn Ngọc Trí, Giám đốc Công ty May Xuất khẩu Đà Nẵng, thì: ''Nỗi lo lớn của DN là có năng lực, có bạn hàng nhưng không xuất được. Mặt khác, DN còn rất bị thụ động về thời gian. Khách hàng nước ngoài thường đặt trước một năm, nhưng quota lại được giao ngay sát thời gian giao hàng, làm DN lâm vào tình trạng "tiến thoái lưỡng nan", nếu nhận đơn hàng mà không được phân giao hạn ngạch thì có khi chỉ một đơn hàng không thực hiện được, DN cũng có khả năng phá sản. Liên Bộ nên cho DN biết trước lượng quota của năm sau để DN chủ động nhận đơn hàng''.
-
Phương Thanh