(VietNamNet) - Dư luận còn chưa hết xôn xao về việc một nhân viên của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCB) đã lấy đi hơn 70 tỷ đồng vài tháng trước, lại giật mình bởi một ngân hàng Nông nghiệp ở quận Thanh Xuân vừa mất hơn trăm triệu...
Trước những cảnh báo từ Bộ Công an, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Trần Minh Tuấn đã yêu cầu hệ thống ngân hàng chấn chỉnh lại các hoạt động nghiệp vụ.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) yêu cầu chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc, Giám đốc các ngân hàng rà soát hệ thống văn bản quản lý nội bộ; các quy định về quy trình nghiệp vụ của đơn vị để chỉnh sửa, bổ sung và cụ thể hoá các bước công việc; quy định rõ thẩm quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm của từng cán bộ trong quá trình cấp tín dụng; tăng cường việc kiểm tra trước, trong và sau khi cho vay. Đặc biệt, phải thận trọng trong việc triển khai các nghiệp vụ kinh doanh mới; các nghiệp vụ ứng dụng công nghệ tin học hiện đại và phải có quy định cụ thể, chặt chẽ về quy trình tác nghiệp và bảo mật thông tin đối với những nghiệp vụ này.
Các ngân hàng phải tổ chức lại bộ máy và hoạt động của hệ thống kiểm tra - kiểm toán nội bộ nhằm đảm bảo tính độc lập, khách quan, thẩm quyền cao của hệ thống. Nếu phát hiện các hành vi vi phạm của cán bộ, nhân viên ngân hàng, lãnh đạo đơn vị đó phải xử lý nghiêm khắc.
Trước đó, ngày 10/3, Tổng cục cảnh sát - Bộ Công an đã cảnh báo các ngân hàng thương mại còn nhiều sơ hở, sai sót, vi phạm các quy định của pháp luật trong lĩnh vực hoạt động ngân hàng. Nhiều vụ án kinh tế nghiêm trọng xảy ra gần đây đều có liên quan đến hệ thống ngân hàng. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do khách hàng vay vốn lừa đảo, cố ý làm trái nhằm chiếm đoạt vốn của ngân hàng. Nhưng bên cạnh đó còn có nguyên nhân chủ quan từ phía các ngân hàng, như chưa thực hiện những quy trình, nhiệm vụ về hoạt động tín dụng, không tuân thủ các quy định về nhiệm vụ ngân quỹ, việc kiểm tra, kiểm toán nội bộ còn sơ sài, lỏng lẻo...
-
Hồng Phúc