221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
345323
Hàng không, hàng hải "hùa" theo giá xăng dầu
1
Article
null
Hàng không, hàng hải 'hùa' theo giá xăng dầu
,

(VietNamNet) - Trước những biến động tăng của giá xăng dầu thế giới, cước vận chuyển hàng không và hàng hải của Việt Nam đều tăng theo, với nhịp độ được dự đoán là khó có điểm dừng.

Phí phụ thu hàng hải tăng... chưa có điểm dừng

Cước hàng hải tăng.

Hàng không và hàng hải là hai phương tiện vận chuyển hàng hóa phổ biến ở Việt Nam, đặc biệt là hàng hải.

Bà Trần Hồng Yến, Trưởng phòng Nghiệp vụ 1 Thuộc Transimex Sài Gòn cho biết, trước biến động giá xăng dầu thế giới, từ đầu tháng 5, Hiệp Hội hãng tàu thế giới bắt đầu nâng phí phụ thu xăng dầu thêm 15 USD đối với một container loại 20'. Như vậy phí phụ thu xăng dầu hiện nay là 84 USD/conterner 20'.

Phí phụ thu xăng dầu là một trong những yếu tố cấu thành nên giá cước trong vận chuyển hàng hải cũng như hàng không, cùng với cước chính, bảo hiểm... Cước chính thường ít thay đổi, trong khi đó phí phụ thu liên tục điều chỉnh theo biến động của thế giới. Giá cước hàng hải và hàng không được ấn định thông qua các hiệp hội khu vực hoặc quốc gia.

Bà Yến cho biết, các phí trong thời gian gần đây thay đổi không đáng kể so với phí nhiên liệu và mức phí phụ thu thay đổi trong tháng 5. Tuy nhiên, "mức phí này có thay đổi như thế nào trong thời gian tới còn phụ thuộc vào hãng tàu, mà tới giờ chúng tôi chưa có thông báo gì mới", bà Yến đã nói với VietNamNet hôm nay (17/5). Transimex Sài Gòn là một trong những đại lý hàng hải, cung cấp dịch vụ hàng hải, đồng thời kinh doanh cước phí vận chuyển trong và ngoài nước.

Ngược lại với Transimex, China Shipping Container Lines, lại chuẩn bị sẵn kế hoạch tăng cước vào đầu tháng 6 tới đối với những khách hàng có nhu cầu vận chuyển hàng hóa vào khu vực thị trường châu Âu. Ông Lê Huy Cao Đỉnh, Trưởng phòng Kinh doanh của hãng tàu China Shipping Container Lines cho biết, phí phụ thu xăng dầu sẽ tăng thêm 6 USD đối với 1 T.E.U. "Giá xăng dầu tăng tới mức cho phép áp dụng thêm mức phụ thu, vì vậy chúng tôi sẽ tăng thêm phí phụ thu vào đầu tháng tới để giảm bớt chi phí xăng dầu", ông nói.

Như vậy với phí nhiên liệu 84 USD hiện nay, China Shipping Container Lines sẽ tính thêm 6 USD cho một container, và khách hàng phải trả cho phí nhiên liệu là 90 USD cho 1 conterner 20', bên cạnh cước chính trung bình vào khoảng 1.500 USD cho thị trường châu Âu. Ông Đỉnh cho biết thêm, phí phụ thu nhiên liệu chỉ áp dụng đối với thị trường châu Âu, còn thị trường Mỹ và châu Á chưa có biến động gì đáng kể.

Cước vận chuyển hàng không: trong nước tăng cao hơn nước ngoài

Cước vận tải hàng không trong nước tăng cao.

Trong khi đó, Vietnam Airlines cũng đã bắt đầu tăng giá tương ứng đối với hàng hóa vận chuyển bằng đường hàng không từ mấy ngày nay. Ông Hoàng Mạnh Tuấn, Trưởng phòng Kinh doanh và Tiếp thị hàng hóa của Vietnam Airlines cho biết, phí nhiên liệu tăng từ 15 cent lên 20 cent cho 1kg hàng hóa vận chuyển vào thị trường châu Âu và Mỹ. Mức 20 cent phí nhiên liệu xăng dầu là mức cao nhất mà hãng áp dụng cho hàng hóa, so với mức thấp nhất là 7 cent. Như vậy, khách hàng sử dụng phương tiện vận chuyển hàng không phải chịu mức cước gần 3 USD/kg đối với thị trường Mỹ.

"Giá xăng dầu thế giới đã tăng kỷ lục từ trước đến nay, tăng cao hơn cả thời kỳ khủng hoảng xăng dầu do ảnh hưởng của chiến tranh Iraq đầu năm 1990. Để đối phó với tình hình này, chúng tôi buộc phải tăng cước vận chuyển", ông Tuấn phát biểu.

Các hãng vận tải hàng hóa bằng đường hàng không khác cũng cho biết, cước phí vận chuyển bắt đầu tăng theo biến động của giá xăng dầu thế giới. Mức tăng của các hãng hàng không không nhiều như Vietnam Airlines. Các hãng như: Air France Cargo (Pháp) tăng thêm 0,2 cent/kg, hãng Lufthansa (Đức) tăng thêm 0.25-0,3 cent/kg. Hãng vận chuyển hàng không nổi tiếng của Mỹ Fedex cũng tăng thêm 5,5% giá cước vận chuyển của mình do giá xăng dầu tăng cao.

Hãng ASEAN Airlines cũng thông báo mức cộng thêm cho phí phụ thu xăng dầu tới các nước trong khu vực châu Á là 5%, và sẽ còn cao hơn đối với châu Âu.

Mặc dù các hãng hàng không tăng phí đối với hàng hóa, và cũng bắt đầu tăng giá vé đối với hành khách ở một số thị trường, nhưng chưa thấy hãng nào thông báo áp dụng giá vé mới đối với hàng khách từ Việt Nam. Ông Maurice Berja, Giám đốc Air France phụ trách vận chuyển hành khách tại Việt Nam, cho biết, hãng vẫn đang áp dụng giá vé cũ đối với hành khách từ Việt Nam đi Pháp. "Chúng tôi muốn giữ hình ảnh tốt với thị trường Việt Nam, vì vậy chúng tôi chưa nghĩ đến việc tăng giá vé ở thị trường này", ông nói.

Dệt may - giày dép thiệt hại nhất

Dệt may, giày da bị ảnh hưởng nhiều bởi giá xăng dầu.

Đại diện China Shipping Container Lines nói rằng, mức phụ phí tăng thêm đối với khách hàng là thấp không đáng kể so với giá cước cả ngàn đô la. Ông Tuấn cũng cho rằng, mức giá cước tăng thêm vài cent đối với 1kg hàng hóa vận chuyển bằng đường hàng không cũng không đáng kể và cước phí tăng thêm này không ảnh hưởng đến lượng hàng vận chuyển bằng đường hàng hải cũng như hàng không không.

Tuy nhiên đối với DN sản xuất thì giá xăng dầu thế giới đang đe dọa lợi nhuận của họ, mà một trong những lĩnh vực ảnh hưởng đáng kể đối với sự biến động giá xăng dầu là dệt may và giày dép.

Ông Diệp Thành Kiệt, Tổng giám đốc Công ty WEC Sài Gòn, kiêm Tổng Thư ký của Hiệp hội Dệt Thêu May Đan TP.HCM cho biết, xăng dầu không chỉ là nhiên liệu, mà còn là chế phẩm của ngành dệt may và giày dép. Do đó, xăng dầu tăng cũng làm cho giá nguyên liệu của ngành tăng theo.

Ông phân tích, ngành dệt may và giày dép bị tác động của hai yếu tố làm tăng giá thành. Nguyên liệu chạy máy, vận chuyển hàng hóa và cước vận tải hàng hải tăng, làm cho chi phí trên một đơn vị xuất khẩu tăng theo. Thứ hai, giá nguyên liệu nhập khẩu (chế phẩm từ xăng dầu) bị phụ thuộc vào giá thế giới, nên gia tăng đáng kể đối với giá thành sản phẩm do công ty làm ra.

"Có thể nói ngành của chúng tôi bị ảnh hưởng nhiều nhất từ biến động của xăng dầu". "Lần biến động trước đây đã làm chi phí của chúng tôi tăng thêm 1% so với giá thành, còn lần này chúng tôi dự đoán sẽ tăng 2 % so với giá thành". Theo ông Kiệt, mức tăng chi phí này làm cho tỷ suất lợi nhuận của Công ty bị cắt xuống chỉ còn khoảng 3,5%, thấp và rất rủi ro cho hoạt động kinh doanh.

  • Minh Quang

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,