Các hãng hàng không giá rẻ đang tự cảm thấy bức bách trong cuộc chiến giá cả, đặc biệt khi hiện nay chi phí nhiên liệu máy bay liên tục leo thang.
Cạnh tranh lẫn nhau - cuộc chiến huynh đệ tương tàn
Trong một vài năm gần đây, hơn 20 hãng hàng không giá rẻ ở châu Âu phải ngừng hoạt động, hoặc thậm chí không có nổi một chuyến bay nào. Tuy nhiên, dường như thị trường hàng không giá rẻ vẫn có sức hút đặc biệt. Tim Coombs, Giám đốc điều hành Aviation Economics ở London nhận xét: "Vẫn có nhiều người hăng hái muốn mua lại những hãng nhỏ đã phá sản. Nhưng hiện đã có quá nhiều hãng giá rẻ ở châu Âu tại thời điểm này".
Hồi tháng 3, Chủ tịch Hội đồng quản trị hãng Ryanair - Michael O'Leary tiên đoán, năm nay sẽ có nhiều hãng hàng không giá rẻ quy mô nhỏ mới "ra lò" tham gia vào cuộc chiến về giá cả - một cuộc chiến được coi là huynh đệ tương tàn.
Sở dĩ như vậy, do họ nhận thấy thành công của Ryanair và Easyjet quá ấn tượng, nhưng hiện giờ thì mọi việc có phần khó khăn hơn, do chi phí nhiên liệu leo thang và thế thượng phong trong cuộc chiến giảm giá lại thuộc về các hãng "tai to mặt lớn". Còn nhớ hồi tháng 11 năm ngoái, dự trữ nhiên liệu xuống thấp nhưng Ryanair có sự chuẩn bị những "lính mới" yếu hơn trong việc đối phó với những biến động kinh tế như giá dầu tăng cao.
Hôm thứ hai đầu tuần, cổ phiếu Easyjet - một trong những hãng giá rẻ có tiếng giảm 15% do thông tin giá nhiên liệu có thể "ăn" vào lợi nhuận của họ. Nhờ có cân bằng thu chi tốt nên cũng như đối thủ của mình là Ryanair, Easyjet sẽ "sống sót" qua cơn bức bách này, nhưng những hãng hàng không nhỏ hơn, chỉ có trong tay vài tuyến bay rất dễ lâm vào phá sản.
Đơn cử như JetGreen với các tuyến từ Dublin đi Rome, Nice, Alicante, Faro và Malaga ngừng hoạt động tháng trước, mặc dù luôn nêu cao khẩu hiệu: "Bay khác đi" và đặt mục tiêu trở thành nhà cung cấp dịch vụ bay giá rẻ tốt nhất, chất lượng hoàn hảo, bằng cách thiết kế chỗ ngồi thoải mái hơn các đối thủ của mình, biếu đồ ăn và phục vụ chương trình giải trí.
Easyjet và Ryanair sẽ sử dụng thế mạnh tài chính của mình để gây khó dễ cho những hãng giá rẻ. Người ta dự đoán những đối thủ nhỏ sẽ bị loại khỏi cuộc chơi và thị trường hàng không giá rẻ sẽ bị thống trị bởi một số tập đoàn lớn mà thôi.
Cạnh tranh với đối thủ truyền thống
Một trong những thách thức khác đối với những hãng giá rẻ là các hãng truyền thống có tiềm lực lớn, đang sẵn sàng chuyển đổi để cạnh tranh với họ. Đơn cử như British Airways, chắc chắn sẽ sớm đột phá cung cấp dịch vụ bay chi phí thấp nhưng vẫn đảm bảo chất lượng đối với các chặng bay ở châu Âu. Tất nhiên BA vẫn có thể duy trì lợi nhuận cao. Air France và Lufthansa cũng đã hạ giá để cố gắng thu hút khách vãng lai.
Sẽ có nhiều kẻ bỏ cuộc nhưng chắc chắn sẽ không phải là Ryanair hay Easyjet, hai hãng giá rẻ này có đủ tiềm lực để đối phó với tình hình hiện tại.
-
Cẩm Tú