221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
438942
Hiệp định Thái - Trung về rau quả: VN có tham gia?
1
Article
null
Hiệp định Thái - Trung về rau quả: VN có tham gia?
,

(VietNamNet) - Hiệp định Thái Lan - Trung Quốc (gọi tắt là Thái - Trung) về sản phẩm rau quả đang là mối đe dọa của DN xuất khẩu Việt Nam. Để "hoá giải" mối đe dọa này, có ý kiến cho rằng Việt Nam nên tham gia vào hiệp định Thái -Trung, nhưng cũng có ý kiến khác lại cho đó là "hạ sách"...

Việt Nam nên hay không tham gia hiệp định Thái - Trung?

Trước đà tuột dốc trong kim ngạch xuất khẩu của sản phẩm rau quả, Bộ Thương mại đã khẩn cấp tổ chức một cuộc họp để bàn biện pháp tháo gỡ khó khăn. Những khó khăn đang kìm hãm sự tăng trưởng xuất khẩu của ngành rau quả Việt Nam không nằm đâu xa, mà là hiệp định Thái - Trung trên thị trường Trung Quốc. Và đây cũng chính là trọng tâm của cuộc họp bàn giữa cơ quan quản lý thương mại của Chính phủ với các DN Việt Nam. Lâu nay, người ta vẫn thường nói đến chuyện làm thế nào để cạnh tranh được với hàng may mặc, giày dép, điện tử... Trung Quốc. Nhưng đối với ngành rau quả thì trọng tâm của các cuộc bàn luận lại là làm thế nào cạnh tranh với hàng Thái Lan và đẩy mạnh xuất khẩu  vào Trung Quốc?

Lộ trình thuế vào Trung Quốc đến 2005: Thái lan 0%, Việt Nam 27% - 1,67%

Tháng 10/2002, nguyên thủ các nước thành viên Đông Nam Á - ASEAN và Trung Quốc đã thống nhất hình thành khu tự do mậu dịch. Sự thống nhất này đã được ký kết bằng một hiệp định mà theo đó, hàng hóa giữa 10 nước thành viên ASEAN và Trung Quốc sẽ giảm thuế suất xuống mức thấp nhất là 0%. Hiệp định này không ngăn cản các nước cam kết ký song phương ưu đãi thuế quan trước thời hạn.

Trung Quốc và ASEAN cũng cam kết thực hiện Chương trình Thu hoạch sớm, tức cắt giảm thuế quan đối với mặt hàng nông sản chưa qua chế biến như rau, hoa quả, thịt, trứng, sữa... Dựa trên cam kết này, các nguyên thủ của Trung Quốc và Thái Lan đã song phương thỏa thuận cắt giảm thuế đối với mặt hàng rau quả bằng một hiệp định riêng. Hiệp định này có hiệu lực hồi tháng 10 năm ngoái, và đã gây bất bình đối với các nước thành viên khác vì không được báo trước. Theo đó, gần 190 mặt hàng rau quả của Thái Lan (phần lớn là rau quả xuất khẩu chính của Thái Lan) được hưởng thuế 0%, trong khi mặt hàng rau quả của Việt Nam vẫn "ngậm ngùi"  với mức thuế 27% vào thời điểm này. 

Trung Quốc là nước sản xuất và tiêu thụ rau quả lớn nhất châu Á, đồng thời cũng là nước xuất khẩu và nhập khẩu lớn của khu vực. Khoảng 90% rau quả xuất hay nhập vào Trung Quốc dưới dạng tươi, chỉ khoảng 10% là qua chế biến. Chính nhu cầu cao về rau quả, hiệp định Thái - Trung là cơ hội cho hàng Thái Lan, làm tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm của quốc gia có mặt hàng xuất khẩu tương tự Việt Nam này. Theo số liệu thống kê của Hải quan Trung Quốc, quý I năm nay, Trung Quốc nhập từ Thái Lan gần 67 triệu USD rau miễn thuế, tăng 38% so với cùng kỳ năm 2003, với khoản thuế được giảm là gần 3,8 triệu USD; và gần 29 triệu USD trái cây, với khoản thuế được giảm đạt gần 4,7 triệu USD.

Theo dự đoán, với "Chương trình Thu hoạch sớm", lượng xuất khẩu rau quả của Thái Lan vào Trung Quốc tăng sẽ còn lớn hơn vào cuối năm, và điều này cũng có nghĩa lượng rau quả của Việt Nam sẽ bị giảm với tỷ lệ tương tự mức tăng của Thái Lan. Một số nước khác như Indonesia và Malaysia cũng ký hiệp định với Trung Quốc theo Chương trình Thu hoạch sớm, với những mặt hàng nông sản khác như dầu cọ, dầu dừa.

Tham gia Hiệp định: Lợi bất cập hại?

Trái cây Việt Nam có cạnh tranh được với Thái Lan?

Theo Hiệp hội trái cây Việt Nam, năm 2001 Việt Nam xuất khẩu 330 triệu USD rau quả, năm 2002 chỉ còn 220 triệu USD và 182,5 triệu USD/năm 2003. Thị trường Trung Quốc chiếm khoảng 50% kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam và việc sụt giảm chủ yếu diễn ra ở thị trường này. Bên cạnh việc chất lượng kém tính cạnh tranh, hệ thống sản xuất và bảo quản chưa đạt chuẩn, thì bất lợi về thuế là nguyên nhân chính cho kim ngạch giảm. Để cân bằng lợi thế với Thái Lan, các nhà phân tích cho rằng, Việt Nam nên ký hiệp định ưu đãi về thuế với Trung Quốc.

Hiệp định khung ASEAN - Trung Quốc ký hồi năm 2002 cho phép ký song phương về lĩnh vực nào đó trên tinh thần hiệp định chung. Nhưng, ông Trần Đông Phương, Vụ phó Vụ Chính sách Thương mại Đa biên thuộc Bộ Thương mại, cho biết, những nước khác muốn tham gia vào lĩnh vực nói trên không được ký kết song phương với những điều khoản riêng, mà phải tham gia vào Hiệp định đã được ký. Điều này có nghĩa, Việt Nam không thể ký Hiệp định song phương với Trung Quốc về hàng rau quả, thay vào đó phải tham gia Hiệp định Thái - Trung. Điều này cũng có nghĩa, Việt Nam phải thực hiện các điều khoản mà Thái Lan và Trung Quốc đã cam kết trong Hiệp định, và phải cắt giảm thuế một số mặt hàng rau quả xuống 0% cho hàng của Thái Lan như đối với hàng của Trung Quốc, để được hưởng thuế suất ưu đãi của Trung Quốc và cả Thái Lan.

Tham gia Hiệp định Thái - Trung, hàng Việt Nam sẽ không bị "bắt chẹt" bởi hàng Thái Lan và cả khách hàng Trung Quốc. Các DN xuất khẩu Việt Nam cho biết, khách hàng Trung Quốc "hiểu" yếu điểm của DN Việt Nam, nên thường hay ép giá. Ông Trần Ngọc Hiệp, Giám đốc Nông trường Thanh Long Hoàng Hậu thuộc tỉnh Bình Thuận thừa nhận, gần đây Công ty không còn mặn mà với thị trường Trung Quốc vì rủi ro cao: "Các DN Trung Quốc thường đồng ý giá cao lúc ta mới chào hàng, nhưng khi giao hàng lại ép giá. Hầu hết các giao dịch này đều thông qua con đường tiểu ngạch và thanh toán không qua ngân hàng, nên ta chẳng làm được gì họ". Thực chất, Việt Nam chưa tham gia hiệp định kiểm dịch chất lượng động thực vật, nên các chứng nhận chất lượng của cơ quan kiểm chứng Việt Nam không được công nhận ở một số nước, và các DN nước này cũng dựa vào đó để bắt chẹt.

Theo Bộ Thương mại, việc cắt giảm thuế đối với hàng Trung Quốc không đáng lo ngại, vì mặt hàng của Việt Nam và Trung Quốc không có nhiều điểm tương đồng. Hàng rau quả của Việt Nam thuộc loại nhiệt đới, còn ở Trung Quốc loại này không nhiều và phải nhập từ Việt Nam; trong khi đó Trung Quốc xuất vào Việt Nam những mặt hàng Việt Nam không có thế mạnh như táo, nho, lê... Bộ này cũng cho biết, trong giao dịch ngoại thương với Trung Quốc về mặt hàng rau quả, Việt Nam luôn xuất nhiều hơn nhập theo mức thuế suất hiện nay. Ví dụ, năm ngoái Việt Nam xuất vào Trung Quốc 67 triệu USD rau quả và nhập từ Trung Quốc khoảng 49 triệu USD. Đáng lo ngại là hàng rau quả của Thái Lan gần như giống với hàng Việt Nam, và sẽ là mối đe dọa cho người nông dân Việt Nam nếu hàng Thái Lan tràn vào Việt Nam khi thuế suất bằng 0% (!?), vì sản phẩm Thái Lan có tính cạnh tranh hơn về chất lượng cũng như giá cả.

Thuế tự động bãi miễn vào 2006

Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển nói rằng, ông rất ủng hộ quan điểm tham gia Hiệp định Thái - Trung và cả Chính phủ cũng đồng ý quan điểm này, bởi cái được mang lại sẽ nhiều hơn cho DN. Phía Trung Quốc và Thái Lan cũng đồng ý cho Việt Nam tham gia Hiệp định chung này. Trong khi đó, Bộ Tài chính lại không ủng hộ vì cho rằng ngành thuế sẽ mất khoảng 16 triệu USD thuế nhập khẩu từ Trung Quốc và Thái Lan. Mặc dù đa số ý kiến cho là Việt Nam nên tham gia, nhưng theo Bộ trưởng Tuyển, cần phải có sự đồng ý của DN và còn phải cân nhắc, vì ngoài cái lợi cũng như cái hại, thì đến hạn Trung Quốc cũng phải bãi bỏ thuế cho hàng Việt Nam.

Theo cam kết của hiệp định ASEAN - Trung Quốc, khu tự do mậu dịch sẽ bắt đầu từ 2006. Theo đó, Trung Quốc sẽ miễn thuế hoàn toàn đối với hàng hóa của ASEAN; và hiện, Trung Quốc đã bắt đầu cắt giảm thuế đối với hàng rau quả của Việt Nam từ đầu năm 2004, cũng như Việt Nam đã cắt giảm thuế ở mức tương ứng đối với hàng của Trung Quốc (nhưng tính chung, thuế nhập khẩu của Việt Nam vẫn cao hơn thuế của Trung Quốc). Việt Nam là nước thành viên mới của ASEAN, cam kết giảm thuế suất còn 0% vào năm 2008. Như vậy việc tham gia hay không tham gia Hiệp định thì vào đầu năm 2006, ở lộ trình tiếp theo, Trung Quốc cũng phải trao cho Việt Nam chế độ ưu đãi thuế đối với hàng rau quả, đây chính là điều mà DN Việt Nam trông chờ.

Tóm lại, vấn đề cần cân nhắc hiện nay, là nếu tham gia Hiệp định Thái - Trung từ bây giờ, DN Việt Nam sẽ có sớm hơn khoảng 15-16 tháng hưởng ưu đãi về thuế và có thêm cơ hội xuất khẩu vào Trung Quốc. Tuy nhiên, bất lợi do hiệp định mang lại là gì thì chưa ai tiên liệu được một cách chính xác. Ngược lại, nếu đợi đến năm 2006 để hưởng ưu đãi thuế từ Trung Quốc, DN Việt Nam sẽ mất cơ hội nói trên, nhưng trước mắt, người nông dân và DN kinh doanh rau quả sẽ không phải khốn đốn vì sự canh tranh của hàng Thái Lan và Trung Quốc (chưa nói đến việc Việt Nam sẽ phải chịu một số điều khoản ràng buộc khi ký kết hiệp định Thái - Trung, mà lẽ ra sẽ không bị vào thời điểm 2006). Vậy, chi bằng đợi đến thời điểm 2006, khi ấy người nông dân và DN Việt Nam đều có sự chuẩn bị kỹ càng, sẽ không bị "lúng túng" trước "dòng" rau quả từ Thái Lan hay Trung Quốc tràn qua?

Bộ Trưởng Tuyển lo ngại về trình độ sản xuất và khả năng cạnh tranh của hàng rau quả Việt Nam khi ông nói đến việc tham gia vào Hiệp định Thái - Trung. Ông nhận định rằng, ngành rau quả của Việt Nam rất yếu kém, chưa có tổ chức và thiếu hẳn chiến lược sản xuất và xuất khẩu rau quả hiệu quả. Vì vậy theo ông, ngành rau quả nên chấn chỉnh lại hoạt động sản xuất kinh doanh để nâng tính cạnh tranh về chất lượng, chế độ bảo quản... Bên cạnh đó, Bộ Thương mại kiến nghị Chính phủ xúc tiến việc tham gia Hiệp định để khi cần là có thể tham gia ngay còn không thì đợi đến 2006.

  • Minh Quang

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,