(VietNamNet) - "Nghiêm cấm công chức hải quan có thái độ hách dịch, doạ dẫm, cửa quyền, nói năng thô tục, thiếu văn hoá với DN, với hành khách và nhân dân''.
|
Lãnh đạo cũng phải chịu trách nhiệm trước tình hình gây phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực của cán bộ hải quan cấp dưới. |
Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Lê Mạnh Hùng vừa có chỉ thị đến các đơn vị hải quan trực thuộc yêu cầu thực thi ngay 10 giải pháp chống tiêu cực trong ngành hải quan, nhằm ngăn chặn và chấm dứt tệ nạn gây phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực trong ngành.
Theo đó, Cục trưởng Cục Hải quan các tỉnh, thành phố phải có chương trình hành động và cam kết trước Tổng cục trưởng và Bộ trưởng Bộ Tài chính tổ chức thực hiện việc ngăn chặn và chấm dứt tệ nạn gây phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực trong đơn vị mình. Chi cục trưởng các chi cục hải quan cũng phải có bản cam kết trước Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, thành phố về việc ngăn chặn và chấm dứt tệ nạn gây phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực trong chi cục.
Các phó, đội trưởng, tổ trưởng chi cục hải quan và từng cán bộ, công chức phải có cam kết trước chi cục trưởng về việc không gây phiền hà, sách nhiễu tiêu cực, không nhận tiền bồi dưỡng hoặc ăn chia với chủ hàng dưới mọi hình thức.
Công chức sau khi đã cam kết mà còn mắc sai phạm gây phiền hà, sách nhiễu tiêu cực thì phải xử lý kỷ luật nghiêm khắc. Nếu cán bộ có tiêu cực bị bắt quả tang thì sẽ ngay lập tức buộc thôi việc. Lãnh đạo cũng phải chịu trách nhiệm về quản lý ngành trước tình hình gây phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực của cán bộ cấp dưới.
Mỗi khâu nghiệp vụ của quy trình thủ tục hải quan phải có một cán bộ chịu trách nhiệm chính. Mọi yêu cầu của hải quan đối với DN đều thể hiện trên ''Phiếu yêu cầu nghiệp vụ'' do cán bộ này ký và chịu trách nhiệm, có chữ ký của chủ hàng. Các yêu cầu của chủ hàng đối với hải quan cũng phải thể hiện bằng văn bản, chuyển trực tiếp cho ''Tổ giải quyết vướng mắc'' ở chi cục.
Ông Hùng cũng yêu cầu các đơn vị hải quan khẩn trương tổ chức giám sát bằng camera ở những nơi cần thiết nhằm giảm đến mức tối thiểu việc công chức hải quan trực tiếp giám sát ở kho, bãi hàng hoá xuất nhập khẩu để tránh việc công chức tiếp xúc và gây phiền hà, sách nhiễu chủ hàng.
Cán bộ, công chức hải quan làm nhiệm vụ chuyên trách chống buôn lậu không được tham gia hay can thiệp vào bất cứ khâu nào trong quá trình làm thủ tục hải quan, không được đưa ra bất cứ yêu cầu nào đối với chủ hàng đang làm thủ tục hải quan. Nếu có thông tin về dấu hiệu vi phạm pháp luật thì lãnh đạo Đội kiểm soát phải thông báo chính thức bằng văn bản để chi cục trưởng Hải quan tỉnh, thành phố có quyết định chuyển giao lô hàng đó cho Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu điều tra cho đến khi kết thúc vụ án.
Kiên quyết không bố trí những người không đủ trình độ, chuyên môn làm công tác nghiệp vụ. Một cán bộ nếu 3 lần không giải quyết được công việc theo thẩm quyền thì phải chuyển việc khác có yêu cầu thấp hơn. Nếu cán bộ yếu kém, làm sai, gây phiền hà sách nhiễu thì công chức lãnh đạo, quản lý trực tiếp phải chịu kỷ luật nghiêm khắc về trách nhiệm, kể cả cách chức.
Ngành hải quan đồng thời kêu gọi các DN xuất nhập khẩu, đầu tư, các tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về hải quan và hưởng ứng, phối hợp thực hiện việc chống tệ gây phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực của công chức hải quan. Tổng cục Hải quan và Cục Hải quan các tỉnh, thành sẽ phải thiết lập ngay đường dây nóng, thông báo rõ số máy điện thoại của lãnh đạo, thanh tra, tổ chức cán bộ, đơn vị nghiệp vụ và số máy điện thoại cố định của người trực đường dây nóng về chống phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực.
Tất cả các đơn vị hải quan trong toàn quốc phải thực hiện các quy định trên trước ngày 15/7/2004.
|