(VietNamNet) - Một quan chức của Ngân hàng Nhà nước (SBV) vừa khẳng định với VietNamNet: ''Đến thời điểm này (15h ngày 24/6 - PV), những người đứng đầu Ngân hàng Trung ương chưa có bất cứ quyết định chính thức nào về việc tăng lãi suất hay không''.
Mặc dù đã thực thi ''tự do hóa lãi suất'', nhưng các ngân hàng quốc doanh phải được phép của Ngân hàng Nhà nước trước khi ra quyết định về lãi suất, vì đây là một loại quyết định có tầm ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế quốc gia. Tình hình tăng lãi suất trước sức ép của những biến động giá đang được đặt lên bàn của hầu hết các chuyên gia tài chính tiền tệ. Còn các DN, các nhà đầu tư và người dân thì phấp phỏng chờ đợi. Câu hỏi quan trọng nhất: SBV có tăng lãi suất cơ bản hay nói cách khác, Ngân hàng Trung ương có "bật đèn xanh" để các ngân hàng thương mại lớn nhất (hiện thống lĩnh thị phần vốn của Việt Nam - PV) tăng lãi suất hay không?
SBV: ''không thay đổi lãi suất chủ đạo''
Vừa trao đổi với VietNamNet chiều nay, ông Nguyễn Đồng Tiến - Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã từ chối việc bình luận về một khả năng thay đổi lãi suất của SBV. ''Hiện tại tôi chưa khẳng định được là SBV có tăng lãi suất không và bao giờ sẽ tăng, chỉ khi có một quyết định chính thức tôi mới có thể bàn bạc về việc này. Chúng tôi vẫn đang theo dõi sít sao diễn biến của thị trường, nhất là tình hình giá cả''.
Còn việc các ngân hàng thương mại cổ phần đã tăng lãi suất, theo ông Tiến, đó là việc của họ, các ngân hàng thương mại có các biện pháp riêng mà chưa cần đến sự can thiệp của SBV. Vì theo nguyên tắc lãi suất thỏa thuận, các tổ chức tín dụng căn cứ vào nhu cầu huy động vốn và khả năng cho vay mà quyết định lãi suất huy động. Ngân hàng Nhà nước không có quyền can thiệp trực tiếp. Chủ trương của Ngân hàng Nhà nước là không thay đổi lãi suất chủ đạo trong việc thực thi chính sách tiền tệ, để không góp phần làm biến động lãi suất không cần thiết. Điều này không đồng nghĩa với việc Ngân hàng Nhà nước kiểm soát nâng hay hạ lãi suất của ngân hàng thương mại bằng biện pháp hành chính.
Tuy nhiên, ông này cũng thừa nhận: ''Tôi không thể khẳng định trước được điều gì, nhưng với tình hình hiện nay thì không những Ngân hàng Nhà nước mà cả Chính phủ cũng rất quan tâm và tìm các giải pháp cho một thị trường vốn lành mạnh. Mục tiêu chính của SBV trong mọi trường hợp là bình ổn thị trường và đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế, vì thế các động thái của chúng tôi cũng sẽ không nằm ngoài 2 mục đích trên'', ông Tiến nói.
Theo ông Tiến, hiện các ngân hàng thương mại chưa đến mức thiếu vốn cho vay và giải ngân trong những tháng cuối năm, chuyện đồng USD lên giá trên thị trường thế giới cũng chưa phải yếu tố chính bởi cái này mình đã lường trước. Ông Tiến cho rằng, vấn đề giá cả là vấn đề hiện đáng bàn nhất khi nói về lãi suất hiện nay.
Các chuyên gia: lãi suất đang bị dồn ép
Bà Hoàng Hồng Hạnh - Trưởng phòng Vốn của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCB) nói:" Chúng tôi đang chờ đợi các động thái từ phía SBV, nếu bất cứ một tín hiệu "đèn xanh" nào được phát đi thì ngay lập tức VCB sẽ tăng lãi suất". Không chỉ riêng VCB, hầu hết các ngân hàng đều trong trạng thái chờ đợi, khi ngân hàng quốc doanh tăng lãi suất là sẽ đồng loạt đưa ra lãi suất mới.
Dự đoán về tình hình lãi suất thời gian tới, bà Hạnh cho rằng, sẽ nhích lên nhưng không nhiều. Bởi nếu có tăng cao cũng sẽ theo nguyên tắc ''từng bước một'' nhằm tránh gây sốc cho thị trường vốn cũng như tránh tác hại tới nền kinh tế. Nguyên nhân để lãi suất thay đổi, theo bà Hạnh, là biến động quá lớn của giá cả. Thứ hai là tình hình cung - cầu vốn. Thứ ba là vấn đề tỷ giá.
Bàn về lãi suất với VietNamNet, nhiều chuyên gia trong ngành cũng đồng tình với quan điểm của bà Hạnh.
Thứ nhất, theo tính toán của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng tháng 6 tiếp tục tăng 0,8% so với tháng 5 và tính chung 6 tháng đầu năm đã tăng 7,2%, vượt gần gấp rưỡi chỉ tiêu được Quốc hội thông qua. Đặc biệt, riêng chỉ số giá lương thực và thực phẩm đã tăng 11,5-13,2%. Theo Thứ trưởng Tài chính Nguyễn Ngọc Tuấn: ''Chúng tôi đã họp bàn, tính toán và nghĩ rằng chỉ số giá sẽ không dừng ở mức tăng 7-8% mà là cao hơn, có khả năng lên đến 9%'' (Theo Báo Người lao động).
80% lượng tiền gửi ở các ngân hàng hiện là tiền gửi tiết kiệm, do vậy rất nhạy cảm với chỉ số giá. Từ đầu năm đến nay, mức lạm phát của Việt Nam tăng 6,3%, tức trung bình mỗi tháng tăng trên 1%, trong khi đó lãi suất tiền gởi không tăng, khoảng 7%. Như vậy, trong 5 tháng qua, người gửi tiền bị thiệt 3%. Bà Bùi Thị Mai - Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Nhà Hà Nội cho biết, dù tốc độ huy động VND chưa sụt giảm mạnh, nhưng nguồn vốn huy động đã chậm lại và người dân gửi USD bắt đầu gia tăng mạnh. Tình trạng người dân rút tiền khỏi ngân hàng sẽ tạo ra một khoảng trống lớn trong nguồn vốn huy động của hệ thống ngân hàng, vì lãi suất không bù đắp mức lạm phát của giá cả.
Tuy nhiên, chỉ số giá chỉ là một trong những nguyên nhân tác động tới lãi suất. Ngoài ra, còn do tình hình cung - cầu về vốn hiện nay. Nhu cầu vốn trong các tháng cuối năm theo quy luật thường gia tăng. Bà Hạnh cho rằng, 6 tháng cuối năm bao giờ cũng là thời điểm các ngân hàng thương mại lớn phải giải ngân một loạt dự án trọng điểm quốc gia, với số vốn lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Do đó, các ngân hàng có nhu cầu huy động vốn và lãi suất cuối năm thường cao hơn mức đầu năm.
Thứ ba, chúng ta đã mở cửa. ''Điều đó có nghĩa giá cả đồng USD hay các ngoại tệ khác giữa Việt Nam và thế giới như bình thông nhau. Các động thái của FED (Cục Dự trữ Liên bang Mỹ) và các ngân hàng châu Âu thời gian qua đã khiến Việt Nam buộc phải tăng lãi suất, vì thế chúng ta không thể đi ngược lại chiều hướng chung'', bà Hạnh nói.
Theo nhận định của các chuyên gia phân tích, ngân hàng trung ương nhiều quốc gia châu Á sẽ phải tăng lãi suất trong thời gian tới để đối phó với tình trạng lạm phát hiện đang ở mức cao. Tại Trung Quốc, chỉ số lạm phát trong tháng 5 đã lên tới 5,7% - mức cao nhất từ tháng 1/1996; chỉ số tiêu dùng trong tháng 4 cũng đã tăng 3,8% và trong quý I tăng 2,8%. Còn tại Indonesia, dự báo lạm phát trong năm nay sẽ vượt mức 6,5%. Để đối phó trước sức ép của tình trạng lạm phát gia tăng, ngân hàng trung ương của nhiều nước phải chọn giải pháp nâng lãi suất.
Ở Mỹ, lạm phát tăng cao khiến giới phân tích cho rằng, Ngân hàng Trung ương Mỹ sẽ sớm tăng lãi suất. Giá tiêu dùng tại Mỹ trong tháng 5 tăng 0,6%, mức cao nhất kể từ 1/2001, do giá dầu mỏ và thực phẩm đều tăng mạnh. Các nhà kinh tế nhận định, FED sẽ nâng mức lãi suất 1% trong cuộc họp tới vào cuối tháng 6 này, do mức độ phục hồi kinh tế hiện nay của Mỹ khá ổn. Mặt khác, bốn năm qua, FED chưa hề tăng lãi suất.
Còn theo Tân Hoa xã, hai thành viên Ủy ban Ngân hàng Trung ương châu Âu ECB - Axel Weber và Klaus Liescher cho biết, lạm phát có thể sẽ tăng cao hơn nữa tại khu vực sử dụng đồng EUR và nhu cầu đòi tăng lương của người dân cũng bùng phát mạnh. Họ rất lo rằng, trước tình hình dầu thô tăng giá 35% trong năm nay, buộc các nước phải tăng lương và nhiều công ty phải nâng giá cả hàng hóa. ECB đặt mục tiêu duy trì tỷ lệ lạm phát dưới mức 2%, tuy nhiên tháng 5/2004 con số lạm phát là 2,5%. Đầu tháng này, ECB phải tăng dự báo về tỷ lệ lạm phát của khu vực sử dụng đồng EUR nửa cuối năm nay và năm tới. Cụ thể, năm nay tỷ lệ lạm phát sẽ là 2,1% và năm 2005 sẽ là 1,7%. Trong khi đó, tháng 12 năm ngoái, các con số này lần lượt được dự báo ở mức 1,8% và 1,6%. Nhiều nhà đầu tư cho rằng, với đà lạm phát này, ECB có thể sẽ tăng lãi suất.
Nhận định về vấn đề này, bên lề Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Đức Thúy khẳng định: ''Lãi suất của Việt Nam là theo thị trường. Nếu lãi suất đồng USD tăng thì trong nước cũng tăng''.
Tăng hay không?
Lãi suất cơ bản tháng 6 vừa qua vẫn ở mức 0,625 %/tháng, tức mức lãi suất này đã không thay đổi suốt từ 1 năm nay (từ tháng 5/2003). Nếu lãi suất không tăng, liệu người dân có rút tiền khỏi ngân hàng? Còn nếu tăng lãi suất là chuyện không tốt cho nền kinh tế, nhưng sức ép tăng là không thể tránh khỏi trước biến động giá. Lãi suất hiện nay giống như quả bóng quá căng và đe dọa sẽ bùng nổ, gây hậu quả xấu cho nền kinh tế.
Việc tăng hay không lãi suất là chuyện cực kỳ khó, nó kích thích nhưng cũng kìm hãm sự phát triển của các DN. Tuy nhiên, một quan chức trong Ngân hàng Nhà nước nhận xét, việc báo chí bàn luận trong thời gian qua rằng, chứng chỉ tiền gửi của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) là một hình thức tăng lãi suất của ngân hàng thương mại quốc doanh là không đúng, bởi tính ra mức lãi suất của chứng chỉ tiền gửi không cao hơn mặt bằng lãi suất huy động. Thậm chí ông này còn cho rằng, chính... trái phiếu chính phủ mới là thủ phạm phá vỡ mặt bằng lãi suất huy động.
-
Hồng Phúc