221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
455024
Đặc khu du lịch cho... Tây "ba lô"
1
Article
null
Đặc khu du lịch cho... Tây 'ba lô'
,

(VietNamNet) -  Từ lâu, phường Phạm Ngũ Lão - TP.HCM đã nổi tiếng với khu du lịch dành cho Tây "ba lô". Khu du lịch phát triển hoàn toàn tự phát nhưng đã đem lại giá trị tích cực cho ngành du lịch TP. Nhằm tạo điều kiện cho nơi này phát huy hiệu quả tối đa, chính quyền TP.HCM sẽ qui hoạch lại thành đặc khu du lịch, và áp dụng cơ chế ưu đãi đặc biệt. 

Phố Tây "ba lô": mỗi ngày có 5.000 lượt khách đến và đi

Một góc ngã tư ở đường Phạm Ngũ Lão và Đề Thám. Ảnh: M.Q

Nói tới TP.HCM, có thể nhiều khách du lịch nước ngoài không biết đến chợ Bến Thành, Nhà hát Lớn hay Dinh Thống Nhất... nhưng lại biết đến phố Tây "ba lô", bởi lẽ khu phố này luôn có tên trong hầu hết các guidebook về Việt Nam, loại sách hướng dẫn khách du lịch rất hữu dụng và thường nằm trong ba lô của các du khách Tây. Khu phố nằm ở phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, TP.HCM nổi tiếng với những con đường Phạm Ngũ Lão, Đề Thám, Bùi Viện...

Tây "ba lô" là cái tên mà người Việt Nam thường gọi khách du lịch nước ngoài đi riêng lẻ, với chiếc ba lô trên lưng, rong đuổi khắp nơi trên các đường phố, thích sử dụng dịch vụ rẻ tiền và ăn những thức ăn không cầu kỳ của giới bình dân. Họ thường là những sinh viên, người có thu nhập thấp thích đi du lịch và cả những người có sở thích chi tiêu "tiết kiệm".

Chính đặc điểm "tiết kiệm" của Tây "ba lô" mà nhiều cá nhân và DN đầu tư vào khu du lịch phường Phạm Ngũ Lão các nhà hàng, khách sạn, quán ăn, phòng trọ, karaoke, dịch vụ tour... với giá khá "bèo". Dọc theo những con đường ở khu phố Tây "ba lô", hiếm thấy một căn nhà nào bỏ trống, thay vào đó chúng được khai thác từng mét vuông diện tích mặt bằng để trưng ra những loại sản phẩm từ quà lưu niệm, bưu thiếp, đĩa CD... đến chai nước, hộp bánh, dịch vụ internet, nhà hàng ăn Ý, Nhật... Những chủ tiệm và cửa hàng kinh doanh biết rằng, họ kinh doanh ở khu vực này không phải phục vụ khách nội địa mà là Tây "ba lô". Vì vậy, các dịch vụ và sản phẩm ở đây không chỉ có giá rẻ, mà còn phù hợp với yêu cầu, sở thích, khả năng của đối tượng khách.

Theo các cơ quan chức năng, lượng khách Tây "ba lô" đến và đi ở khu vực này khá lớn, ước tính khoảng 5.000 lượt mỗi ngày, bao gồm khách lưu trú ở khu vực và khách ở những nơi khác tập trung đến. Họ tới đây để kiếm bạn bè, mua sắm và để đăng ký đi du lịch ở nơi khác. Các công ty du lịch nhỏ thường tập trung ở khu vực này để bán các sản phẩm tour du lịch nhỏ lẻ cho du khách nước ngoài đi tham quan ở các tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long, TP.HCM, các tỉnh miền Trung và miền Bắc Việt Nam. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, có khoảng trên 1.000 cơ sở kinh doanh liên quan đến hoạt động du lịch ở khu vực phường Phạm Ngũ Lão với diện tích khoảng 0,5 km2 và dân số trên 23.000 người.

Đặc khu du lịch có chính sách đặc biệt

Khách du lịch ở đường Phạm Ngũ Lão. Ảnh: M.Q

Một đoàn cán bộ, bao gồm đại diện các sở, ngành và công an khu vực sẽ bắt đầu một đợt khảo sát khu vực phường Phạm Ngũ Lão trong tháng 7 này. Nội dung đợt khảo sát gồm tìm hiểu hoạt động của các đơn vị phục vụ và kinh doanh du lịch, tình hình an ninh trên địa bàn, nhu cầu và nguyện vọng của những hộ kinh doanh... Mục đích cuộc khảo sát là để lập một đề án qui hoạch khu vực phường Phạm Ngũ Lão thành "đặc khu du lịch" của TP.HCM. 

"Đây là khu vực rất đặc thù ở TP được hình thành một cách tự phát và đã đem lại một giá trị tích cực cho ngành du lịch TP. Chúng tôi muốn phát huy giá trị đó bằng việc đưa khu vực này vào chiến lược phát triển du lịch của TP", ông Lê Nhựt Tân, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM phát biểu. Theo ông Tân, không chỉ những con đường chính mà cả phường Phạm Ngũ Lão sẽ là khu vực dành riêng cho Tây "ba lô". Ở đó, khách du lịch "bình dân" sẽ thỏa mãn các yêu cầu và sở thích của họ. Giống như kinh doanh sản phẩm, kinh doanh du lịch cũng cần được phân khúc; mỗi khách du lịch với yêu cầu và khả năng tài chính khác nhau sẽ được đáp ứng với mức độ tương ứng. Đó chính là chiến lược mà ngành du lịch TP muốn hướng tới, cũng là nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch TP, vốn đang bị xem là rất nghèo nàn.

Khi qui hoạch thành khu du lịch dành riêng cho Tây "ba lô", phường Phạm Ngũ Lão sẽ được dành một chính sách ưu đãi riêng như ưu đãi cho một đặc khu. Trước mắt là những ưu đãi về tiêu chuẩn kinh doanh trong ngành du lịch. Các qui định về tiêu chuẩn phòng trọ, karaoke, hay những dịch vụ khác... sẽ thoáng hơn. Các điểm karaoke, quán bar được phép hoạt động và đóng cửa muộn hơn những khu vực khác. Những nhà đầu tư hoặc DN sẽ được tạo điều kiện thuận lợi để thành lập DN hoặc cửa hàng kinh doanh ở khu vực này.

Kế tiếp, TP sẽ dành một khoản ngân sách để đầu tư nâng cấp hạ tầng cơ sở, đường, cầu, cống... của khu du lịch, nhằm hạn chế những ách tắc giao thông có thể xảy ra. Cảnh quan môi trường ở đây cũng sẽ cải tạo theo hướng trong lành và sạch sẽ hơn. Bên cạnh đó, TP sẽ cho phường thí điểm thành lập lực lượng cảnh sát du lịch. Một trong những mặt hạn chế của TP.HCM, nơi có hoạt động du lịch nhộn nhịp nhất nước, chính là không có lực lượng cảnh sát du lịch. Bên cạnh công an hay lực lượng an ninh khu vực và bảo vệ ở mỗi cơ sở kinh doanh, cảnh sát du lịch sẽ giúp tăng độ an toàn cho khách du lịch đến với TP.HCM.

Hình thành các khu du lịch đặc thù không chỉ là ý tưởng của  ngành du lịch TP.HCM, mà còn là một trong những chiến lược phát triển du lịch của TP. Ông Tân cho biết, sau khu phố Tây "ba lô", TP cũng sẽ tiếp tục áp dụng mô hình này với khu vực Tân Bình, nơi tập trung rất nhiều du khách và cộng đồng Hàn Quốc, hay Chợ Lớn - nơi tập trung của cộng đồng người Hoa.

  • Minh Quang

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,