(VietNamNet) - Trước những bức xúc về hạn ngạch dệt may của các DN, hôm nay (6/7), Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển vừa gửi văn bản đến Hiệp hội Dệt may và các DN sản xuất và xuất khẩu dệt may. Hai phương án phân bổ hạn ngạch dệt may vào thị trường Hoa Kỳ đã được đưa ra, trong đó, chú trọng phương án 2, phương án phân bổ quota cho các DN xuất khẩu lớn.
Phương án thứ nhất, vẫn giữ các nguyên tắc phân phối như hiện nay với các tiêu chí phân hạn ngạch theo thành tích và có một tỷ lệ hỗ trợ phát triển... với sự điều chỉnh cần thiết các hệ số. Theo Bộ trưởng Trương Đình Tuyển, cách phân này sẽ tiếp tục tạo ra sự phân tán trong việc giao quota dẫn đến các DN nhập khẩu sẽ chuyển sang các thị trường phi quota như Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan... ''Kết quả là hầu hết các DN không có khả năng tìm được khách hàng nhập khẩu, không có lợi cho ngành dệt may Việt Nam cũng như cho mỗi DN''.
Phương án 2 là tập trung phân quota cho các DN có khả năng xuất khẩu lớn, sẵn có mối quan hệ với các nhà phân phối Hoa Kỳ; đi đôi với việc thiết lập mối quan hệ sản xuất giữa các DN này với các DN khác trong vùng thông qua hợp đồng liên kết. Mỗi vùng có một số DN làm trung tâm, còn các DN khác làm vệ tinh. Các DN liên kết chia sẻ lợi ích. Bộ trưởng Trương Đình Tuyển khẳng định: ''Làm theo phương án này mới có thể tiếp tục xuất khẩu hàng dệt may vào thị trường Hoa Kỳ thông qua các công ty nhập khẩu lớn, các nhà phân phối lớn''. Quan điểm của Bộ Thương mại là: ''Với cách này, nhiều DN có thể không được phân quota, quota sẽ được phân cho các DN có quan hệ với các nhà nhập khẩu lớn, các nhà phân phối lớn của Hoa Kỳ nhưng với sự liên kết giữa các DN, ta vẫn có thể xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ và vẫn đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động''.
Bộ trưởng Trương Đình Tuyển kêu gọi: ''Vì lợi ích chung của toàn ngành dệt may Việt Nam và của đất nước, đề nghị Hiệp hội Dệt may tổ chức cho các DN dệt may thảo luận kỹ tình thế của ngành dệt may Việt Nam trong năm 2005, ủng hộ việc lựa chọn phương án 2 và bàn cách thực hiện phương án này''.
Năm 2005 đang đến rất gần, hệ thống hạn ngạch hàng dệt may dành cho tất cả các nước là thành viên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) trong đó có các cường quốc về xuất khẩu hàng dệt may như Trung Quốc, Ân Độ, Bangladesh, Pakistan... sẽ được bãi bỏ. Trong khi đó, do chưa phải là thành viên WTO, Việt Nam vẫn tiếp tục bị áp đặt hạn ngạch. Đặc biệt là với thị trường Hoa Kỳ, chừng nào Việt Nam chưa phải là thành viên WTO thì việc Hoa Kỳ bỏ hạn ngạch cho Việt Nam là điều rất khó có thể thực hiện được. Với thị trường EU, Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển cho biết: ''Bộ Thương mại đang làm hết sức mình để có thể thương lượng với EU về việc bỏ hạn ngạch cho Việt Nam từ năm 2005''.
-
Phương Thanh