VN cam kết đổi mới để thu hút đầu tư
04:31' 07/07/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã nói rằng Chính phủ Việt Nam quyết tâm thực hiện đường lối đổi mới, cải cách kinh tế đất nước và chủ động hội nhập để tạo ra một môi trường kinh doanh ổn định, minh bạch và tự do cho các thành phần kinh tế.

Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (áo trắng) trò chuyện với các nhà đầu tư nước ngoài. Ảnh: M.Q

Phó Thủ tướng đã nói như thế với các nhà đầu tư nước ngoài trong hội nghị đầu tư được tổ chức ngày 6/7 tại TP.HCM, trước thực trạng sụt giảm của đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. "Chúng tôi nhận thức rõ ràng, việc thực hiện cam kết và hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và hội nhập đầu tư nói riêng không chỉ là đòi hỏi của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam, mà còn là yêu cầu bức thiết của Chính phủ Việt Nam trong việc cải thiện môi trường đầu tư nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài".

VN theo đuổi 3 giải pháp

Chính phủ xác định đầu tư nước ngoài là bộ phận không thể thiếu của nền kinh tế quốc gia vì sự đóng góp của thành phần kinh tế này rất lớn đối với GDP (tổng sản phẩm quốc nội) và lao động. Tuy nhiên sức hấp dẫn của môi trường đầu tư Việt Nam bị mờ nhạt đi bởi các chính sách thu hút đầu tư của các nước láng giềng, trong đó có Trung Quốc. Ngoài ra những cải tổ của Chính phủ chưa thực sự làm cho nhà đầu tư nước ngoài yên tâm và nhất là các định chế hội nhập của Việt Nam chưa được thiết lập, khiến cho các nhà đầu tư nước ngoài không tiếp cận được các chính sách thương mại quốc tế.

Đứng trước những thách thức này Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói rằng Việt Nam sẽ đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư để làm thay đổi những định kiến cũng như những nghi ngại của các nhà đầu tư nước ngoài. Ba giải pháp mà Chính phủ đã và sẽ tiếp tục triển khai rộng rãi để cải thiện tình hình. Thứ nhất là Việt Nam chủ động xây dựng và hoàn thiện môi trường pháp luật quốc gia theo hướng phù hợp với thông lệ và tập quán quốc tế.

Số liệu đầu tư của khu vực đầu tư nước ngoài (FDI) tính đến nay

  • 4.670 dự án được cấp phép,  trị giá 43 tỷ USD

  • 3.000 dự án đi vào hoạt động, vốn thực hiện 25,6 tỷ USD

Riêng 6 tháng 2004:

  • 280 dự án được cấp phép vốn 807 triệu USD

  • 141 dự án tăng vốn với 828 triệu USD

Nguốn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Hơn 15 năm với 4 bốn lần chỉnh sửa Luật Đầu tư nước ngoài khẳng định chính sách cải tổ của Chính phủ. Những qui định trong luật đã dần tương thích với tập quán và thông lệ quốc tế và sẽ được thay đổi để tạo ra một chơ chế minh bạch và bình đẳng cho các DN nước ngoài. Thứ hai là Việt Nam xúc tiến việc hội nhập kinh tế quốc tế và mở của thị trường cho các nhà đầu tư nước ngoài từng bước xóa bỏ chế độ phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế, nhất là giữa khu kinh tế quốc doanh và ngoài quốc doanh.

Phó Thủ tướng đã thông báo kết quả của phiên đàm phán thứ 8 của tiến trình gia nhập WTO của Việt Nam mà ông muốn rằng sẽ tăng thêm niềm tin đối với các nhà đầu tư nước ngoài. "Việt Nam cam kết thực hiện ngay tại thời điểm gia nhập hầu hết các hiệp định của WTO (Tổ chức Thương mại thế giới), trong đó có hiệp định về các biện pháp đầu tư liên quan đến thương mại", Phó Thủ tướng phát biểu. "Việt Nam cũng cam kết từng bước dành cơ hội tiếp cận thị trường cho nhà đầu tư nước ngoài trong 10/11 ngành dịch vụ theo phân loại của WTO. Đây là nỗ lực to lớn của Chính phủ Việt Nam khi nền kinh tế quốc gia còn phát triển ở trình độ thấp, năng lực cạnh tranh còn hạn chế."

Giải pháp cuối cùng là Việt Nam từng bước thu hẹp khoảng cách phân biệt giữa các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Hai hệ thống luật tồn tại với những qui định khác biệt về thành lập, tổ chức quản lý, mức độ tham gia thị trường, giá, phí dịch vụ, lao động... đã tạo khoảng cách và sự phân biệt đối xử giữa nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Phó Thủ tướng nói rằng Việt Nam sẽ cố gắng hợp nhất hai luật này trong vài năm tới cũng như xóa bỏ sự phân biệt về giá, phí hàng hóa và dịch vụ theo lộ trình điều chỉnh tới năm 2005.

Mở thị trường  xi măng, sắt thép, nước giải khát, viễn thông, điện...

Các nhà đầu tư nước ngoài trong hội nghị Đầu tư tại Việt Nam. Ảnh: M.Q

Cùng với chính sách hoàn thiện luật pháp, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Bích Đạt còn cho rằng Việt Nam sẽ điều chỉnh các quy hoạch ngành và vùng lãnh thổ để đầu tư trong nước và nước ngoài đều có thể tiếp cận môi trường kinh doanh như nhau. Nhà đầu tư nước ngoài còn được tạo điều kiện tham gia nhiều hơn vào phát triển các ngành sản xuất. Trước mắt, cơ quan này sẽ nghiên cứu điều chỉnh qui hoạch và giảm bớt điều kiện mà lâu nay hạn chế sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài đối với ngành xi măng, sắt thép, nước giải khát, viễn thông, tổng sơ đồ phát triển ngành điện.

Đóng góp của FDI

  • 20% tổng vốn toàn xã hội

  • 31% kim ngạch xuất khẩu (không kể dầu thô)

  • 34% giá trị sản xuất công nghiệp

  • 14,3% GDP

  • Tạo 70 vạn lao động trực tiếp và hàng chục vạn lao động gián tiếp

Nguốn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Hình thức đầu tư cũng được đa dạng hóa đối với khu vực này. Bên cạnh mô hình 100% vốn, liên doanh, sẽ có thêm hình thức đầu tư trực tiếp như cổ phần, mô hình công ty mẹ - con (holding). Nhà đầu tư nước ngoài cũng sẽ được phép sáp nhập - mua bán, tham gia đầu tư gián tiếp như thành lập quỹ đầu tư và cả việc cổ phần hóa DN thành lập (mô hình này đang được thí điểm), niêm yết trên thị trường chứng khoán...

Đầu tư nước ngoài chiếm 20% tổng vốn đầu tư toàn xã hội và đóng góp 14,3% vào GDP quốc gia vì vậy các tỉnh thành xem đây là khu vực "tiềm năng" và muốn thu hút. TP.HCM là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài trong nhiều năm qua. Sự sụt giảm đầu tư của khu vực này trong mấy năm trở lại đây đang buộc chính quyền thành phố này phải có "biện pháp" bên cạnh những thay đổi chung của chính sách vĩ mô.

Ông Lê Thanh Hải, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM, không bỏ lỡ cơ hội tiếp thị với hơn 300 đại diện công ty nước ngoài rằng trong thời gian tới thành phố này sẽ đưa ra một số "biện pháp" mà trong đó đáng chú ý là qui trình một cửa thủ tục đầu tư sẽ được áp dụng vào đầu tháng 9 tới. Theo đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ là "bạn" của nhà đầu tư và giúp họ có được giấy phép với thời gian ngắn nhất là 5 ngày. Cùng với tinh thần đó, Phó Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân còn đưa ra 7 chương trình sẵn sàng cho nhà đầu tư, so với đây chỉ có 5 bao gồm đất, thông tin, viễn thông, lao động, và hạ tầng cơ sở (đường, điện, nước). Hai "sẵn sàng" mới được ông Nhân bổ sung với mong muốn tạo thêm sức hấp dẫn đầu tư cho thành phố này là chỗ ở cho người lao động và sự hỗ trợ của chính quyền thông qua các kênh đối thoại tháo gỡ ngay những vướng mắc cho nhà đầu tư.

Các DN nước ngoài đang làm ăn tại Việt Nam đánh giá cao về quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư quốc gia. Tuy nhiên họ khẳng định rằng cải thiện đó sẽ trở nên "bình thường" khi một số nước trong khu vực đang "chạy" nhanh hơn Việt Nam. Vì vậy theo nhận định của họ Việt Nam phải đẩy mạnh cải cách hơn nữa mới thu hút được nhà đầu tư.

  • Minh Quang

Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Quota dệt may 2005 vào Mỹ: Chú trọng DN xuất khẩu lớn? (06/07/2004)
Phải công khai mọi thông tin trên thị trường chứng khoán (06/07/2004)
Đầu tư nước ngoài: giảm dự án và vốn đầu tư (06/07/2004)
Cơ hội cho hàng thực phẩm đóng gói vào siêu thị Mỹ (06/07/2004)
Bình Dương: Chiếm gần 1/3 vốn đầu tư nước ngoài vào VN (06/07/2004)
Phán quyết sơ bộ: DOC sẽ "nhẹ tay" với tôm VN? (05/07/2004)
Nhiều triển vọng xuất khẩu thủ công mỹ nghệ (05/07/2004)
Sắp rà soát thuế thu nhập cá nhân VPĐD nước ngoài (05/07/2004)
Ngân hàng cổ phần sẽ tăng lãi suất USD (05/07/2004)
Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam: thiếu vóc dáng vùng (05/07/2004)
Đặc khu du lịch cho... Tây "ba lô" (05/07/2004)
Đà Nẵng sẽ là trung tâm thương mại, du lịch, dịch vụ (04/07/2004)
Đà Nẵng: Thu hút khách Hồng Kông đến nghỉ cuối tuần (04/07/2004)
Hội nghị bàn tròn " VN mở cửa cho kinh doanh" (04/07/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang