(VietNamNet) - Ngay sau khi Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đưa ra phán quyết sơ bộ, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP) khẳng định sẽ tiếp tục cùng các DN hội viên kiên quyết đấu tranh chống việc áp đặt thuế “chống bán phá giá” bất công trong các giai đoạn tiếp theo của vụ kiện.
Trong thông cáo phát đi ngay sau đó, VASEP cực lực phản đối quyết định sơ bộ của DOC trong vụ điều tra chống bán phá giá tôm, vừa được công bố 12h đêm 6/7 (giờ Hà Nội). Quyết định này đã kết luận các DN Việt Nam “bán phá giá” các sản phẩm tôm vào Hoa Kỳ với “biên phá giá” riêng biệt cho 4 DN bị đơn bắt buộc từ 12,11% đến 19,60%, “biên phá giá” trung bình 16,01% cho 17 bị đơn tự nguyện và 93,13% cho tất cả các bị đơn khác, kể cả 17 DN đã tự nguyện trả lời câu hỏi phần A của Bộ Thương mại Hoa Kỳ.
Mức thuế bất lợi
Trao đổi với PV.VietNamNet, Tổng Thư ký VASEP Nguyễn Hữu Dũng bức xúc, mức thuế trên đối với Việt Nam là quá cao so với vụ kiện cá tra, basa. Ông Dũng nói rằng, nếu vụ kiện trước chỉ riêng Việt Nam là bị đơn, thì vụ kiện tôm có tới 6 quốc gia bị kiện. Việc áp thuế cao đối với bất kỳ nước nào sẽ là lợi thế đối với các nước bị áp mức thuế thấp còn lại. Chẳng hạn, trong trường hợp này, mức thuế trung bình đối với các bị đơn Việt Nam là 16%, nhưng nếu các DN xuất khẩu tôm Thái Lan chỉ bị áp với mức thuế 10%, thì việc xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ sẽ gặp rất nhiều khó khăn. "Chỉ cần mức thuế Việt Nam chênh lệch cao hơn 3-4% đối với Thái Lan, chúng ta cũng sợ hơn là bị áp thuế 20%", ông Dũng nói.
Ngoài ra, việc DOC chia các DN Việt Nam ra làm hai nhóm nước như trong quyết định sơ bộ, với hai mức thuế khác nhau (một trung bình 16%, một 93,13%), theo ông Dũng, còn là bước chiến thuật để gây chia rẽ nội bộ các DN sản xuất tôm Việt Nam.
Do vậy, VASEP "rất tiếc vì Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã không xem xét kỹ lưỡng, toàn diện các tư liệu mà DN thành viên hiệp hội đã cung cấp; từ đó, dẫn đến tình trạng thiếu khách quan trong cách tính toán giá thành sản xuất tôm của Việt Nam, không sử dụng giá tôm nguyên liệu thực tế, mà dùng các số liệu không phản ảnh đúng tính chất thị trường của nền kinh tế Việt Nam. DOC bỏ qua các lợi thế cạnh tranh của sản phẩm tôm Việt Nam, đó là điều kiện tự nhiên thuận lợi, môi trường không bị ô nhiễm, hệ sinh thái rừng ngập mặn được bảo vệ, việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến trong quá trình sản xuất tôm, tính cần cù và sáng tạo, chi phí lao động thấp.
VASEP khẳng định các DN Việt Nam không bán phá giá sản phẩm tôm, không gây thiệt hại cho ngành đánh bắt và nuôi tôm Hoa Kỳ. Quyết định không công bằng của DOC sẽ gây nguy hại đến cuộc sống và sinh kế của hàng triệu nông dân nuôi tôm ở các địa phương ven biển, hàng trăm nghìn công nhân trong các nhà máy chế biến tôm Việt Nam. Đồng thời, quyết định này cũng gây thiệt hại trực tiếp đối với người tiêu dùng tôm, đe dọa việc làm của hàng vạn lao động Mỹ trong những lĩnh vực liên quan đến sản phẩm tôm nhập khẩu. Hiệp hội kiên quyết yêu cầu DOC xem xét lại quyết định không công bằng này trong quyết định cuối cùng, công bố ngày 24/11.
Người Mỹ sẽ tiếp tục đấu tranh
Vậy mà trong khi đó, bên khởi kiện - Liên minh Tôm miền Nam nước Mỹ, lại còn lớn tiếng rằng, thông qua việc bán phá giá, Trung Quốc và Việt Nam đã vi phạm luật pháp Hoa Kỳ?! Họ còn tán dương DOC đã đưa ra một quyết định sơ bộ "công bằng và hợp lý." SSA cáo buộc tôm nhập khẩu từ 6 quốc gia, trong năm 2000-2003, đã chiếm tới 71% tại thị trường Mỹ, tăng từ 466 triệu pound lên 795 triệu pound, trong khi giá giảm tới 32%. Và ngành công nghiệp tôm nước này đã thiệt 4,2 tỷ USD kể từ năm 2002 do tôm nhập khẩu.
Nhưng tiếng nói của bên nguyên đã vấp phải sự phản đối gay gắt của Ủy ban Đặc trách Tôm, nhóm phản đối vụ kiện do Liên minh Hành động Thương mại công nghiệp tiêu dùng (CITAC) và Hiệp hội các nhà phân phối Thủy sản Mỹ (ASDA), thành lập. Ông Wally Stevens, Chủ tịch Ủy ban Đặc trách Tôm, nhấn mạnh, họ sẽ tiếp tục đấu tranh để chống lại thuế bán phá giá áp với tôm nhập khẩu từ Việt Nam và Trung Quốc, đồng thời cho rằng, bất kỳ mức thuế nào đánh vào tôm nhập khẩu cũng là "không cần thiết đối với người tiêu dùng Mỹ".
Theo Ủy ban này, chỉ sau một tuần công bố phán quyết sơ bộ, hoạt động kinh doanh, XNK tôm ngay lập tức sẽ bị tác động. "Tính toán của DOC về biên thuế chống bán phá giá là phi lý và hết sức đáng lo ngại. Chính quyền Mỹ đã tạo ra chính sách thương mại sai lầm, mà thường dẫn đến hậu quả bất lợi nghiêm trọng. DOC đã lựa chọn việc áp mức thuế cao nhất có thể đối với các công ty độc lập, mà họ cho rằng đã bán tôm thấp hơn giá thành sản xuất. Mức thuế này không giúp giải quyết những vấn đề lâu dài của ngành công nghiệp tôm Hoa Kỳ, lại còn vô ích đối với cả người tiêu dùng và lao động liên quan đến ngành tôm trong toàn nước Mỹ", Wally Stevens khẳng định.
-
Hà Yên