(VietNamNet) - Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) Hồ Quốc Lực vừa cho PV VietNamNet biết, mặc dù cánh cửa xuất khẩu tôm vào Mỹ của Việt Nam đã bị giới hạn sau khi có phán quyết sơ bộ, song, xu hướng giá tôm tăng tại Mỹ không phải là hoàn toàn bất lợi.
Theo ông Hồ Quốc Lực, 6 quốc gia bị kiện bán phá giá tôm hiện chiếm tới trên 80% lượng tôm xuất khẩu vào Mỹ. Thời gian qua, do lo ngại thuế hồi tố, các nhà nhập khẩu nước này đã giảm lượng lớn tôm mua vào. Trong khi đó, sản lượng tôm mà Mỹ nhập từ nước khác, như Indonesia, Malaysia, Bangladesh, Mexico, Venezuela... lại không đáp ứng được số thiếu hụt từ 6 quốc gia bị kiện và nhu cầu của người tiêu dùng Mỹ. Do vậy, dẫn tới mất cân đối cung - cầu nghiêm trọng trên thị trường này.
Chủ tịch Ủy ban Tôm VASEP Nguyễn Văn Kịch, trao đổi với báo giới chiều qua (11/7), cho biết, sau khi Bộ Thương mại Mỹ (DOC) công bố quyết định sơ bộ về vụ kiện tôm với Việt Nam và Trung Quốc, thị trường tôm tại Mỹ đã có nhiều biến động. Trong mấy ngày qua, đã có hiện tượng nhà nhập khẩu tôm của Mỹ tìm cách ghìm hàng, hoặc bán cầm chừng, làm giá tôm tại thị trường này đã tăng thêm 5-20 cent/pound. “Với tình hình này, giá tôm tại thị trường Mỹ có thể tăng cao nữa khi hết giai đoạn DOC tiến hành điều tra tại các nước bị đơn, dự kiến kéo dài đến hết 12/2004", ông Kịch nói.
Như vậy, chiều hướng giá tôm tại Mỹ đang diễn ra theo đúng dự báo của Nhóm Đặc trách Tôm CITAC. Theo đó, mức thuế chống bán phá giá sẽ đẩy giá tôm lên cao, ít nhất là 44%. Trong đó, giá tôm đánh bắt tăng khoảng 28%, tôm từ các nước bị cáo buộc bán phá giá tại Mỹ tăng tới 84% và từ các nước khác là 19%.
Tuy nhiên, ông Lực cho rằng, sau khi có phán quyết của DOC, các nhà nhập khẩu và cung ứng đã tái thiết lập được kênh cung - cầu, điều này có nghĩa là, dù cách cửa vào thị trường Mỹ đã bị giới hạn (do các DN Việt Nam bị áp thuế, cộng với 17 DN chịu mức thuế cao tới 93,13%), nhưng chúng ta hiện vẫn tăng được lượng tôm xuất vào Mỹ. Đó là do hiện nay, một số nước có sản lượng tôm lớn như Thái Lan, Indonesia... đã chuyển một phần diện tích sang nuôi tôm thẻ chân trắng, khiến lượng tôm sú không tăng nhiều so với những năm trước.
Bên cạnh đó, một số nhà nhập khẩu khác của Việt Nam từ Nhật Bản, các nước EU... lại nhận định, các nhà xuất khẩu tôm Việt Nam đã bị DOC đánh thuế cao hơn thực tế, và họ đã thay đổi thái độ từ mua tôm cầm chừng trước đó sang mua có giá cạnh tranh.
Từ những thông tin trên, ông Nguyễn Văn Kịch khuyến cáo, các DN và nông dân cần phải hết sức bình tĩnh và hợp tác với nhau tránh tình trạng bán tôm ồ ạt với giá thấp. Ông Lực cũng nhấn mạnh, người nuôi tôm cần linh hoạt hơn, đối với những vùng có khả năng nuôi thì chưa nên thu hoạch khiến nguồn cung tôm tiếp tục sụt giảm, chờ giá lên. Thêm vào đó, dự kiến sản lượng thu hoạch tôm của Việt Nam năm nay không lớn. Các nhà máy cũng cần tăng giá mua vào để mua hết tôm cho người dân, đồng thời, đón chờ cơ hội xuất khẩu sau này. Hiện giá tôm nguyên liệu tại ĐBSCL tuy có biến động sau phán quyết sơ bộ, nhưng theo xu hướng tốt dần lên. Giá tôm đã nhích lên 5.000 đồng/kg đối với các loại. Theo ông Lực, giá xuất khẩu tôm sang Mỹ của các DN cũng vẫn ở mức chấp nhận được.
Trao đổi với PV VietNamNet, Giám đốc Công ty TNHH Kim Anh, ông Đỗ Ngọc Quý nói rằng, các nhà nhập khẩu tôm của Kim Anh vẫn đang chờ phán quyết sơ bộ đối với tôm từ 4 quốc gia còn lại. Tuy nhiên, Kim Anh cũng cố gắng mua hết tôm nguyên liệu cho nông dân, với mức giá ít nhất là 90.000 đồng/kg loại 30 con.
Hiện nay, Ủy ban Tôm và bốn DN bị đơn bắt buộc đang chuẩn bị thêm thông tin, tư liệu mới để cung cấp cho đoàn điều tra trực tiếp của DOC, dự kiến sẽ có mặt tại Việt Nam vào cuối tháng 8, đầu tháng 9. Trong tuần này, Bộ Thương mại, Bộ Thủy sản và các DN bị đơn, Ủy ban Tôm và VASEP sẽ có cuộc họp bàn về tác động của phán quyết sơ bộ DOC đối với tình hình sản xuất, XNK tôm của Việt Nam.
-
Hà Yên