(VietNamNet) - Trong khi mỗi năm các DN Việt Nam tốn hàng chục nghìn tỷ đồng để nhập máy móc thiết bị, thì có một công ty cơ khí tư nhân ở TP.HCM sản xuất máy móc xuất khẩu lại làm không kịp bán. Tuy nhiên, chủ DN này vẫn cảm thấy buồn, vì hàng của mình sản xuất ra nhưng lại phải "đeo mác" ngoại khi tiêu thụ...
Phất lên nhờ... đi Chợ Công nghệ!
Đó là Công ty đầu tư phát triển kỹ thuật (gọi tắt là IDT), địa chỉ văn phòng tại 64, đường 3A, cư xá Bình Thới, phường 8, quận 11, TP.HCM. Công ty có 2 xưởng chế tạo, một ở đường Nguyễn Văn Luông, một ở đường Hậu Giang (đều thuộc quận 6).
Giám đốc công ty, ông Nguyễn Đình Đầy, từng là một cán bộ làm việc tại Viện Cơ học (Trung tâm Khoa học Công nghệ Quốc gia). Sau một thời gian khá dài làm việc tại Viện, năm 2002, ông Đầy quyết định nghỉ việc để thành lập công ty IDT. Công ty thực hiện việc thiết kế, chế tạo, cải tiến, nâng cấp các loại máy công nghiệp như: máy cán tôn các loại, máy cán tôn sóng giả ngói, máy cán định hình (xà gồ), máy cán ống thép, máy chia cuộn v.v... phục vụ cho sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng.
Thời gian đầu, khách hàng của công ty chủ yếu là khách nội. Bước ngoặt trong hoạt động sản xuất kinh doanh của IDT là khi công ty tham dự Chợ Công nghệ thiết bị (Techmart Vietnam) diễn ra vào giữa tháng 10/2003 tại Hà Nội.
Ông Đầy kể, tại hội chợ, công ty trưng bày một số máy cán tôn, máy cán ống, máy ngói... Đại diện một công ty sản xuất tôn nổi tiếng của Thái Lan đã "bị" những máy móc do IDT chế tạo lôi cuốn. Xem mẫu mã, tìm hiểu tính năng, ông này càng "kết". Ban đầu ông còn hồ nghi, không tin đây là máy do một công ty tư nhân Việt Nam chế tạo. Bởi thế, ông ta đã cẩn thận theo chân ông Đầy đến tận xưởng ở TP.HCM xác minh, rồi... tin.
Trước đây, công ty này nhập khẩu máy của Đài Loan, nhưng khi biết được máy của IDT, đại diện công ty khẳng định đã tìm được đối tác ưng ý. Ưng ý bởi máy mang thương hiệu IDT rẻ mà chất lượng không thua kém máy Đài Loan. Đơn cử như một máy cán tôn chạy bằng lập trình của IDT giá chỉ 450 triệu đồng, trong khi máy cùng loại của Đài Loan chạy bằng cơ nhưng giá trên 1 tỷ đồng.
Sau khi nhập một số máy của IDT về phục vụ sản xuất, cảm nhận được cơ hội làm ăn đã đến, công ty này đã thường xuyên mua máy của IDT để bán lại cho các nhà sản xuất tôn khác ở Thái và thu một khoản lợi không nhỏ.
Ở trong nước, cũng có một số đơn vị biết và mua máy của IDT dùng cho sản xuất, tiết kiệm được một khoản tiền không nhỏ. Đơn cử như trường hợp của Công ty Cổ phần Navifico (Thủ Đức, TP.HCM). Trước đây, công ty có kế hoạch nhập khẩu hai máy cán tôn thẳng của Đài Loan, trị giá khoảng 200.000USD. Nhưng khi biết tin IDT cũng sản xuất được loại máy này, công ty đã tìm đến và bỏ ý định mua máy Đài Loan. Ông Tôn Thất Mạnh - TGĐ Navifico cho hay: "Máy của IDT có hai ưu điểm mà máy ngoại chúng tôi nhập trước đó không có được. Thứ nhất, máy không chỉ cán được những loại tôn thẳng mà còn cán được tôn sóng. Thứ hai, máy chạy bằng lập trình nên không cần nhiều nhân công vận hành, công suất cao. Còn giá máy chỉ bằng khoảng 1/3 máy Đài Loan chào hàng với chúng tôi".
Hiện nay, IDT có một hệ thống gần 100 khách hàng trải dài từ Bắc chí Nam. Đặc biệt, khách hàng ở Thái Lan, Lào, Campuchia, Úc... tìm đến đặt hàng công ty khá nhiều. Nếu như năm ngoái, công ty chỉ chế tạo và bán được 11 máy, thì 6 tháng đầu năm 2004, công ty đã chế tạo và bán 31 cái, trong đó trên 80% là bán cho khách hàng nước ngoài. Hiện công ty đã nhận hợp đồng đến tháng 10/2004 và không dám nhận thêm vì lo làm không kịp. "Sản xuất một chiếc máy trung bình mất trên 2 tháng, trong khi số nhân công của công ty chỉ hơn 30 người, nên tôi không thể nhận bừa rồi không làm kịp. Làm ăn với khách hàng nước ngoài phải giữ chữ tín, giao đúng hàng, đúng hẹn. Chúng tôi thà không nhận, chứ không thể nhận rồi không có hàng giao đúng hợp đồng", ông Đầy nói.
"Con mình sinh nhưng mang tên người khác"
Ông Đầy thường xuyên đọc VietNamNet. Ông nói, thông tin trên VietNamNet hỗ trợ ông rất nhiều trong kinh doanh. |
-
Bài và ảnh: Hưng Nguyên