(VietNamNet) - Phó Thủ tướng Vũ Khoan đã thừa nhận như vậy, trước giá cả biến động của thị trường thời gian qua, làm ảnh hưởng đến đời sống người dân và sản xuất kinh doanh của DN.
Phó Thủ tướng Vũ Khoan phát biểu về vấn đề này trong ngày thứ 2 của Hội nghị Thương mại toàn quốc năm 2004 diễn ra trong 2 ngày 21-22/7 tại TP.HCM .
3 điểm yếu của Chính phủGiá hàng hóa và tiêu dùng tăng liên tục trong 6 tháng đầu năm, mà phần lớn xuất phát từ những hàng hóa "trọng điểm" của nền kinh tế như sắt thép, xăng dầu, phân bón, lương thực, dược phẩm... Việc tăng giá của những mặt hàng này dẫn đến biến động đối với hoạt động thương mại nội địa, giá hàng hóa của nhiều mặt hàng khác "chạy đua" theo và kết quả là nền kinh tế đang đứng trước nguy cơ lạm phát cao.
Phó Thủ tướng Vũ Khoan đã chỉ ra 3 điểm yếu của Chính phủ, xuất phát từ những nguyên nhân chủ quan và khách quan dẫn đến biến động thị trường. Ông nói rằng, nền kinh tế Việt Nam đang trên đường hội nhập với thế giới, và tiến trình hội nhập này đã và đang đưa Việt Nam phụ thuộc vào nền kinh tế thế giới quá nhiều, mà biểu hiện đáng chú ý là việc nhập nguyên liệu. Cả 2 ngành dược phẩm và sắt thép VN đều nhập khẩu đến 80% nguyên liệu từ nước ngoài, còn xăng dầu phụ thuộc gần như 100% vào nguồn nhập khẩu, dù Việt Nam xuất khẩu dầu thô hàng tỷ USD mỗi năm. Chính vì vậy, khi thế giới biến động thì thị trường trong nước lập tức bị ảnh hưởng theo.
Dẫn ra những ví dụ trên, Phó Thủ tướng Vũ Khoan muốn nói đến khả năng dự báo, dự phòng của Chính phủ, mà ông tự đánh giá là quá kém. Tuy biết rằng, tác động của thị trường thế giới đến thị trường trong nước là nguyên nhân khách quan mà không phải nước nào cũng dự đoán được, nhưng ông vẫn khẳng định, nếu dự đoán tốt thì những biến động của thị trường và giá cả sẽ nhẹ hơn. Cùng với đó, sự yếu kém đáng nói đến chính là việc quản lý của các Bộ cũng như chỉ đạo của Chính phủ trước những tình huống được xem là chưa từng có tiền lệ này. Việt Nam bắt đầu để giá thế giới "điều tiết" giá nội địa từ đầu năm nay, nhưng lại không có giải pháp tình huống khi những biến động vượt khỏi tầm kiểm soát. "Chúng tôi chưa quen điều hành nền kinh tế trong cơ chế thị trường hội nhập kinh tế quốc tế, mà nền kinh tế trong nước lại phụ thuộc nước ngoài rất nhiều. Vả lại, chưa có tiền lệ đối với tình huống này. Đó cũng chính là cái giá mà chúng tôi phải trả", Phó Thủ tướng nhìn nhận. Yếu kém thứ ba của Chính phủ là việc điều hành phát triển hệ thống phân phối quốc gia và sự yếu kém thể hiện ở hệ thống phân phối thép.
Các hiệp hội, tổng công ty cũng yếu kém
Phó Thủ tướng Vũ Khoan cũng chỉ ra trách nhiệm và vai trò của các công ty và hiệp hội đối với những biến động của nền kinh tế trong những tháng đầu năm. Các tổng công ty chưa thể hiện trách nhiệm và vai trò chủ đạo của DNNN trong nền kinh tế thị trường. Biến động trong ngành thép đã cho thấy yếu kém này của tổng công ty nhà nước trong việc phát triển hệ thống phân phối, khi mà giá liên tục tăng một cách có chủ ý của những DN trong ngành. Chính phủ đã từng có những văn bản chỉ thị phát triển hệ thống này, nhưng các DNNN, tổng công ty và cả các tỉnh thành chậm triển khai. Chính yếu kém này góp phần làm cho thị trường giá cả biến động.
Biến động của giá thép được cho rằng, phần lớn là do các DN thành viên trong hiệp hội "liên kết" với nhau để làm giá và thao túng thị trường. Ông phê phán trách nhiệm của Hiệp hội Thép trong đó có các DNNN đã quá vì lợi nhuận của mình mà làm ảnh hưởng đến toàn thị trường. "Hiệp hội được thành lập không phải để tạo thành cartel ("nhóm") độc quyền, bao cấp và tác động xấu đến thị trường", ông phát biểu. Ông khuyến cáo các Hiệp hội Thép cũng như những hiệp hội khác cần phải nghĩ đến lợi ích của toàn xã hội, chứ không đơn thuần vì lời ích của ngành mình.
Nói đến các giải pháp ổn định thị trường trong nước những tháng cuối năm, Phó Thủ tướng nói rằng, Chính phủ đang thực hiện các biện pháp tài chính và thị trường, với hy vọng không để biến động xảy ra như những tháng đầu năm. Nhưng, bản thân ông cũng không chắc, liệu biến động có thể kiểm soát được hay không, khi tình hình thế giới chưa có biểu hiện gì chắc chắn là sẽ ổn định, nhất là giá xăng dầu, ngành tác động rất lớn đến nền kinh tế các nước. Theo Phó Thủ tướng Vũ Khoan, thương mại có vai trò quan trọng, thể hiện toàn cảnh của nền kinh tế quốc gia hơn là việc lưu thông và phân phối hàng hóa đơn thuần. Vì vậy, điều chỉnh và quản lý hoạt động thương mại cũng chính là quản lý nền kinh tế - nhiệm vụ này, theo ông Khoan là cực kỳ khó khăn. Trước mắt, Chính phủ sẽ chấn chỉnh hệ thống quản lý phân phối ở các ngành chủ chốt như sắp thép, xăng dầu, dược phẩm, lương thực... không để DN lợi dụng đầu cơ; tiếp tục điều tiết chính sách tỷ giá, lãi suất, sao cho giữ ổn định thị trường nhưng vẫn bảo đảm tăng trưởng mục tiêu kinh tế quốc gia...
-
Minh Quang