221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
493698
Có thể dùng thuế để kiềm chế lạm phát
1
Article
null
Có thể dùng thuế để kiềm chế lạm phát
,

(VietNamNet) - Trong số các giải pháp về tài chính thì việc sử dụng linh hoạt công cụ thuế quan đã được minh chứng là có hiệu quả nhất trong việc kiềm chế lạm phát và bình ổn giá cả.

Giá cả khó quay trở lại mức 2003

Những cú sốc về cung - cầu không phải là nguồn gốc của lạm phát cao nhưng là nguồn gốc làm tăng mức giá trong ngắn hạn.

Tại một cuộc hội thảo bàn về các giải pháp để bình ổn giá cả, kiềm chế lạm phát do Học viện Tài chính phối hợp với Bộ Tài chính tổ chức hôm qua (28/7), bà Lê Thị Kim Ngân - Vụ phó Vụ Chính sách thị trường trong nước - Bộ Thương mại đã nhận định rằng: ''6 tháng đầu năm, với tình hình nhiều biến động, giá cả nhiều mặt hàng trên thế giới cũng gia tăng chứ không riêng gì tại Việt Nam. Giá cả nhiều mặt hàng đã chuyển sang một nấc mới và sẽ khó quay trở lại mức của năm 2003. Những cú sốc về cung - cầu không phải là nguồn gốc của lạm phát cao nhưng là nguồn gốc làm tăng mức giá trong ngắn hạn''.

Đồng tình với ý kiến này, TS. Nguyễn Kim Thanh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước cho rằng, lạm phát được coi như một căn bệnh nguy hiểm buộc Chính phủ các nước phải chấm dứt bằng mọi cách.

Đối với Việt Nam - một nước đang phát triển với thị trường tiền tệ và thị trường vốn còn hạn chế, nền kinh tế bị đôla hoá - việc kiểm soát lạm phát của Ngân hàng Nhà nước cần thực hiện thông qua việc kiểm soát cung tiền hoặc kiểm soát trực tiếp sự gia tăng tín dụng sẽ hiệu quả hơn là kiểm soát lãi suất như những nước phát triển.

Theo IMF, trong các nguyên nhân dẫn đến lạm phát do yếu tố tiền tệ chủ yếu xuất phát từ chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ. Sự thâm hụt ngân sách kéo dài được bù đắp bằng việc in tiền, sự chi tiêu quá mức và thất thoát lớn trong xây dựng cơ bản sẽ là nguyên nhân gây ra lạm phát. Bên cạnh đó, có thể do chính sách tiền tệ quá nới lỏng dẫn tới tăng cung tiền, tăng đầu tư tín dụng quá mức.

Chính phủ mọi nước đều coi lạm phát như một căn bệnh nguy hiểm. Do vậy lạm phát đã có xu hướng giảm từ cuối những năm của thập kỷ 80 trở lại đây, nhất là đối với những nền kinh tế mới nổi. Tỷ lệ lạm phát tính theo mức thay đổi bình quân của chỉ số giá tiêu dùng ở các nước châu Á năm 1980 là 10,2%, năm 1985 là 8,3% thì tới năm 2000 chỉ còn 6,8%.

Theo ông Nguyễn Đăng Nam - Viện phó Viện Khoa học Tài chính, kết quả tính toán của một số chuyên gia sau khi loại bỏ mặt hàng lương thực thực phẩm ra khỏi rổ hàng hoá thì chỉ số lạm phát thực của Việt Nam là 3,75 trong 6 tháng đầu năm và 4,01% trong 7 tháng.

Như vậy, mặc dù theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng 7 tháng đầu năm đã tăng tới 7,7% so với tháng 12/2003, vượt qua mức chỉ tiêu Quốc hội cho phép (5%) và cũng là mức tăng giá cao nhất trong 8 năm gần đây, nhưng theo ông Nam: ''Đây có thể coi là mức lạm phát chấp nhận được vì theo các chuyên gia kinh tế, mức lạm phát được coi là hợp lý nếu có tốc độ tăng bằng 2/3 tốc độ tăng GDP''.


''Mức lạm phát tuy rõ ràng vẫn trong vòng kiểm soát được nhưng áp lực của lạm phát đã rõ...''.

TS. Nguyễn Đại Lai - Vụ Chiến lược ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước).

Có thể dùng thuế để kiềm chế lạm phát

PGS.TS Bạch Thị Minh Huyền - Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thuế của Bộ Tài chính cho rằng, trong số các giải pháp về tài chính thì việc sử dụng linh hoạt công cụ thuế quan đã được minh chứng là có hiệu quả nhất trong việc kiềm chế lạm phát và bình ổn giá cả. ''Độ trễ'' của chính sách này được chứng minh là rất ngắn. Giải pháp này thường phát huy tác dụng ngay sau khi chính sách được ban hành.

Bà Huyền cho rằng, với bản chất là một sắc thuế gián thu, gánh nặng thuế chủ yếu do người tiêu dùng chịu, việc điều chỉnh thuế suất thuế nhập khẩu sẽ tác động tức thời đến giá bán của các mặt hàng này trên thị trường. Khi giá của một số hàng hoá tăng, giải pháp của Chính phủ nhiều nước sử dụng đầu tiên là giảm thuế suất  thuế nhập khẩu một cách phù hợp. Ngược lại, đối với hàng hoá Nhà nước cần quản lý giá điều tiết về quan hệ cung cầu như xăng dầu, khi giá giảm thì việc tăng thuế nhập khẩu cũng được xem là giải pháp hữu ích. Việc này góp phần thực hiện được nhiều mục tiêu khác bên cạnh việc bình ổn giá như tạo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, thực hiện chính sách phân phối và điều tiết tiêu dùng một cách phù hợp.

  • Hồng Phúc   

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,