221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
495992
Gia nhập WTO: Cam go đàm phán song phương
1
Article
null
Gia nhập WTO: Cam go đàm phán song phương
,

(VietNamNet) - Sau cuộc họp tại Geneva, hy vọng mong manh được mở ra cho các nước chưa gia nhập WTO, khi kết thúc của vòng Doha được 147 nước quyết định dời đến sau thời điểm 1/1/2005. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất trong quá trình đàm phán gia nhập WTO của Việt Nam lại chính là đàm phán song phương, với những yêu cầu ngày càng cao và cụ thể hơn.  

WTO chiếm tới 90% thương mại dịch vụ toàn cầu.

Trao đổi với báo chí sáng 5/8 về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Thương mại Lương Văn Tự, Trưởng đoàn đàm phán về việc Việt Nam gia nhập WTO của Việt Nam cho rằng, nếu vòng Doha tiến triển nhanh, việc đàm phán gia nhập WTO của Việt Nam sẽ khó khăn hơn, điều kiện sẽ lớn hơn. Thời điểm gia nhập WTO đầu năm 2005 được ông Tự coi là không thực tế, vì '' từ nay đến lúc đó chỉ còn vài tháng và có rất nhiều việc phải làm''. Việt Nam muốn gia nhập WTO sớm, nhưng phụ thuộc vào 2 yếu tố là khả năng tiếp nhận của nền kinh tế, sự sẵn sàng của DN và thiện chí của các nước đàm phán song phương với Việt Nam. Tiến trình đàm phán song phương được coi là khó khăn, phức tạp nhất trong đàm phán gia nhập WTO. 

Việt Nam sẽ còn phải tiếp tục giảm thuế

Về thỏa thuận cắt giảm trợ cấp nông nghiệp của các nước phát triển, ông Tự lạc quan đánh giá rằng: ''Việc các nước phát triển mở cửa thị trường nông sản, về lâu dài là có lợi cho Việt Nam. Mặc dù Việt Nam chưa là thành viên của WTO, nhưng đây mới chỉ là những thỏa thuận khung, để đi đến bước thực thi còn phải trải qua một lộ trình cụ thể. Từ khi đàm phán đến cam kết còn là cả một quãng đường''. 

Qua 4 bản chào gia nhập WTO, mức thuế Việt Nam đưa ra đã giảm từ 28% xuống còn 18%, thời gian cắt giảm 3-5 năm. Đây là mức thuế gần với thuế hiện hành (18,7%). Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Lương Văn Tự, ''dù muốn hay không, mức thuế này sẽ còn tiếp tục phải giảm xuống đến khi Việt Nam gia nhập WTO, chỉ có điều giảm đến đâu là điều chưa thể nói trước. DN cũng phải chuẩn bị tâm lý, vì đến hết ngày 31/12/2005, chế độ 2 giá sẽ được bãi bỏ, chỉ còn chế độ 1 giá, mức độ cạnh tranh cũng sẽ lớn hơn''.  

Thường thì các nước khi gia nhập WTO phải chấp nhận mức thuế 15-16%. Tuy nhiên, con số này không cố định, có nước được cam kết cao hơn, và có nước phải chấp nhận thấp hơn như Trung Quốc là 12-13%. Nhưng xu hướng là càng gia nhập WTO về sau càng phải chấp nhận những cam kết lớn hơn, mức thuế thấp hơn và điều kiện cũng khắt khe hơn. 

Các dòng thuế Việt Nam cam kết cũng rất lớn. Khi ký Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ, số dòng thuế là trên 300, nhưng các dòng thuế được đưa vào bản chào tại phiên 8 lên tới 1 vạn dòng thuế (99,7% số dòng thuế). Đàm phán về thuế rất khó khăn, vì ''trong tiến trình đàm phán song phương, có những nước chỉ yêu cầu đàm phán với những mặt hàng họ quan tâm, thấp nhất là 10-20 dòng thuế, nhưng có những nước yêu cầu đàm phán tới 5.000-6.000 dòng thuế''. Mức thuế các nước yêu cầu cũng rất phức tạp. Ví dụ về thuế đỉnh, EU yêu cầu không vượt quá 40%, trong khi Hoa Kỳ yêu cầu không vượt quá 13%. 

Đàm phán song phương: Phải coi chừng các nước nhỏ

Hiện nay, Việt Nam đã tiến hành hơn 100 phiên đàm phán song phương, nước nhiều nhất là 7 phiên và thấp nhất là 1-2 phiên. Nước duy nhất Việt Nam đã kết thúc đàm phán song phương là Cuba. Ông Tự cho biết: ''Đoàn đàm phán đang cố gắng kết thúc đàm phán song phương với một số nước khác từ nay đến tháng 10. Cho tới khi gia nhập WTO, ước chừng Việt Nam phải đàm phán khoảng gần 100 phiên song phương nữa''.  

Theo ông Tự, ''Kinh nghiệm từ các nước đi trước cho thấy, trong quá trình đàm phán, không chỉ quan tâm tới các nước lớn, mà ngay cả các nước nhỏ cũng phải coi trọng. Bài học này có thể thấy ở Trung Quốc, khi họ chuẩn bị kết thúc việc đàm phán gia nhập WTO thì Mehico vào cuộc, kéo dài quá trình gia nhập thêm 1 năm. Cũng tương tự với Campuchia khi bị Panama kéo tiến trình gia nhập WTO của nước này thêm 6 tháng. Thêm một đối tác tham gia đàm phán là thêm một gánh nặng''. 

Trong tiến trình đàm phán, Việt Nam cũng phải lường trước những tình huống trên. Hiện nay, 8 nước Mỹ La tinh tuy hầu như không buôn bán với Việt Nam, nhưng đàm phán song phương lại đề nghị bỏ hạn ngạch thuế quan, nông nghiệp...

Ngoài ra, một trở ngại khác trong tiến trình đàm phán song phương của Việt Nam lại chính là các hiệp định khu vực. Việt Nam đã tham gia vào AFTA; sáng kiến đầu tư với Nhật, Hàn Quốc; các hiệp định song phương ASEAN - Trung Quốc, ASEAN - Ấn Độ, Nhật, Hàn Quốc... Ông Tự nói: ''Họ sẽ dùng những kết quả này để ''đòi'' những điều kiện khác từ Việt Nam''. 

Khó khăn là vậy, nhưng gia nhập WTO lại đem tới những lợi ích không nhỏ đối với Việt Nam. Theo ông Tự: ''Tận dụng cơ hội, giảm thiểu khó khăn khi gia nhập WTO, trên hết phụ thuộc vào DN, hệ thống phân phối của họ và sự liên kết trong các hiệp hội ngành hàng''. 

  • Phương Thanh
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,