221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
498224
Đại biểu QH VN gửi thư ngỏ phản đối vụ kiện tôm
1
Article
null
Đại biểu QH VN gửi thư ngỏ phản đối vụ kiện tôm
,
(VietNamNet) - Gần 30 đại biểu QH, chủ yếu đại diện cho các tỉnh có nhiều ngư dân nuôi tôm và các DN chế biến thủy sản, chiều 11/8 đã ký vào bức thư ngỏ gửi các nghị sĩ Mỹ để gây tác động có lợi cho giai đoạn tiếp theo của vụ kiện.
Xuất khẩu tôm của các DN đang gặp nhiều khó khăn do mức thuế cao.

Trong khuôn khổ cuộc tọa đàm thông tin về vụ kiện bán phá giá tôm, do ActionAid Vietnam và Tạp chí Nghiên cứu lập pháp tổ chức, các đại biểu QH đã được nghe thông tin mới nhất về vụ kiện, nghe tiếng nói từ chính ngư dân nuôi tôm và bàn về những hoạt động nghị viện nhằm bảo vệ quyền lợi của người sản xuất, xuất khẩu tôm Việt Nam.

Con tôm Việt Nam chịu hai lần bất công

Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), TS. Nguyễn Hữu Dũng, đã thông báo để các đại biểu biết, chỉ trong vòng 2 năm, các DN và ngư dân Việt Nam đã phải gánh chịu 2 vụ kiện phá giá từ Mỹ. Năm ngoái, con cá tra, basa Việt Nam đã bị áp với mức thuế khá cao, từ 36,84 đến 63,88%. Năm nay, đối với con tôm, điều quan trọng không phải là mức thuế, mà các mức thuế áp với DN Việt Nam cao hơn nhiều so với 4 nước bị kiện còn lại. Thứ trưởng Bộ Thủy sản Nguyễn Thị Hồng Minh cho rằng, con tôm Việt Nam đang phải chịu hai lần bất công: bị kiện bán phá giá và mức thuế cao.

Ông Dũng cho biết, năm 2003, chúng ta đạt khoảng 500 triệu USD từ xuất khẩu tôm sang Mỹ, và thị trường này chiếm tới gần 1/2 lượng tôm xuất khẩu của Việt Nam. Việc chịu mức thuế trung bình trên 16% sẽ làm chúng ta khó giữ được con số này. Nếu sau khi có quyết định sơ bộ (ngày 6/7), giá tôm xuất khẩu và nguyên liệu đều tăng, thì ngay sau khi mức thuế của 6 nước được công bố (ngày 29/6) tất cả các giao dịch về tôm gần như ngưng trệ. Các DN Việt Nam đã không ký thêm được hợp đồng xuất khẩu nào do chênh lệch mức thuế tới 10% so với Thái Lan.

Ông Dũng nhấn mạnh, đây là sự vô lý, sự chênh lệch bất công giữa các đối tượng bị kiện. "DOC căn cứ vào đâu để đưa ra mức thuế quá chênh lệch như vậy? Đây hoàn toàn là một sự giả tạo. Mỹ đã đối xử không công bằng giữa các nước và với các nhà xuất khẩu. Cái cách DOC lấy giá bình quân của một công ty Bangladesh để làm giá so sánh với tôm Việt Nam là tùy tiện. Mức 6,29 USD/tấn tôm nguyên liệu chỉ đúng với tôm cỡ lớn, khoảng 20 con/kg, nếu áp với tất cả các loại tôm của Việt Nam là không đúng", ông Dũng nói. Việc này đã tạo ra sự cạnh tranh vô lý trên thị trường. Và điều vô lý nữa là DOC vẫn cho rằng, Việt Nam có nền kinh tế phi thị trường.

Tương lai của gần 4 triệu ngư dân nuôi tôm, công nhân chế biến tôm Việt Nam đang bị đe dọa.Với mức thuế trên, chúng ta ít có cơ hội xuất khẩu vào Mỹ. DN Việt Nam đang cố gắng chuyển lượng tôm còn thừa xuất sang thị trường khác, song, theo ông Dũng, việc đó không dễ dàng chút nào.

Lên án vụ kiện

Hầu hết các đại biểu có mặt tại buổi tọa đàm đều bày tỏ sự bất bình đối với vụ kiện. Đại biểu Nguyễn Thị Vân Lan của Đà Nẵng cho rằng, đây là vụ kiện vô lý. Và hậu quả của nó là, giá tôm tại Đà Nẵng đã giảm tới 20-30%. Tỉnh hiện chỉ còn 240ha nuôi tôm. Công việc sản xuất, chế biến cũng bị thiệt hại. Nếu năm 2003, xuất khẩu tôm của tỉnh thu được 7 triệu USD, thì trong 6 tháng đầu năm nay, con số này là chưa đầy 1 triệu USD. Đời sống công nhân, ngư dân gặp nhiều khó khăn. Một số DN chế biến thủy sản tạm thời đóng cửa.

Là đại biểu của An Giang, Thứ trưởng Bộ Thủy sản Nguyễn Thị Hồng Minh nói, QH cần bày tỏ thái độ mạnh mẽ hơn nữa nhằm bảo vệ ngư dân nuôi tôm và các DN. Ủy ban Đối ngoại của QH nên có chính sách cụ thể để tham gia cùng các tổ chức, các sân chơi quốc tế; từ đó, có tiếng nói mạnh mẽ bảo vệ người dân không chỉ vụ kiện tôm này, mà còn ở các vụ tranh chấp thương mại trong tương lai. Gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cũng là một cách để chúng ta tránh được những vụ kiện bán phá giá. Ông Ramesh Khadka, đại diện Tổ chức ActionAid, đồng tình với ý kiến trên và nhấn mạnh, điều quan trọng là các đại biểu QH có tiếng nói mạnh mẽ hơn, vì vụ kiện không chỉ mang tính chất đơn thuần về kinh tế, mà còn là câu chuyện chính trị, ngoại giao giữa Chính phủ hai nước. Theo ông Khadka, có thể Việt Nam nên tạo điều kiện để các nghị sĩ Mỹ trực tiếp sang tìm hiểu thực tế nghề nuôi, chế biến tôm tại Việt Nam, để thực tế chứng minh rằng, ngư dân và các DN không hề bán phá giá.

Cùng ký vào bức thư ngỏ gửi các nghị sĩ Mỹ, các đại biểu QH Việt Nam kêu gọi sự cảm thông, chia sẻ với những khó khăn của ngành tôm Việt Nam từ các nghị sĩ Mỹ. Phản đối mạnh mẽ trước phán quyết bất công của DOC, bức thư của các đại biểu nêu rõ, đơn kiện và biên độ thuế bán phá giá mà phía Mỹ vừa tuyên bố với tôm Việt Nam (12,11-93,13%) hoàn toàn bất công và không khách quan, không phản ánh thực trạng quá trình nuôi, chế biến và kinh doanh tôm ở Việt Nam. Ngư dân nơi đây không hề bán phá giá tôm vào thị trường Mỹ và không gây thiệt hại về vật chất tới ngành công nghiệp tôm nước Mỹ. Ngành tôm Việt Nam không có sự bao cấp của chính phủ, người dân và nhà xuất khẩu hoạt động hoàn toàn theo cơ chế kinh tế thị trường.

Bức thư có đoạn viết: "Chúng tôi hiểu rằng, ngành công nghiệp tôm của Mỹ đang gặp rất nhiều khó khăn nhưng Liên minh tôm Miền Nam - SSA không nên đổ lỗi những khó khăn này do tôm nhập khẩu gây ra. Chúng tôi tin rằng thuế chống phá giá sẽ không cải thiện điều kiện kinh tế của ngành công nghiệp tôm Miền Nam nước Mỹ mà, ngược lại, nó sẽ gây ra tác động tiêu cực tới người tiêu dùng Mỹ, làm cho rất nhiều người Mỹ mất việc làm - những công việc có được do nhập khẩu tôm".

Các đại biểu kêu gọi các nghị sĩ Mỹ hãy có những hành động tác động ngay lập tức tới DOC và Ủy ban Thương mại Quốc tế (USITC) thực hiện các hoạt động điều tra tiếp theo một cách khách quan, không thiên vị và không áp đặt, góp phần tránh làm tổn hại tới nguyên tắc không phân biệt đối xử đã được ghi nhận trang trọng trong Hiệp định Song phương Việt - Mỹ và không đi ngược lại xu thế tích cực trong buôn bán thương mại song phương giữa hai nước.

Sẽ có thêm nhiều chữ ký của các đại biểu QH vào lá thư này, tại phiên họp chuyên trách của các đại biểu ngày mai.

  • Hà Yên

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,