(VietNamNet) - Đó là khẳng định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (SBV) Lê Đức Thúy khi trả lời phỏng vấn của các nhà báo xung quanh việc sắp phát hành đồng tiền polymer mệnh giá 100.000 đồng vào sáng nay (17/8).
- Thưa Thống đốc, từ đầu năm tới nay giá cả biến động mạnh và hiện vẫn đang tăng, liệu việc phát hành đồng tiền mới có gây sức ép tâm lý khiến giá cả và lạm phát tiếp tục tăng?
- Tác động tâm lý là điều rất khó tránh khỏi nhưng đã là tâm lý thì không thể kéo dài, mà chỉ nhất thời. Việc phát hành đồng tiền không có nghĩa SBV đưa thêm nhiều tiền vào lưu thông mà chúng tôi chỉ phát hành những đồng tiền có cùng mệnh giá và giảm bớt những đồng tiền giấy cũ cùng mệnh giá do dễ bị làm giả. Do đó không thể dẫn đến tăng giá hàng hóa. Nhưng tôi cho rằng có những kẻ xấu lợi dụng điều này làm cho mọi người hiểu nhầm chủ trương của Chính phủ. Bà con nên hiểu đồng tiền mới hoàn toàn không liên quan gì đến giá cả tăng.
- Tức là việc đưa tiền mới vào lưu hành không phải do tiền mặt đang thiếu?
- Phát hành tiền mới không phải do thiếu tiền. Tình trạng lạm phát của Việt Nam là có nhưng chưa đến mức nghiêm trọng. Không phải chúng ta phát hành quá nhiều tiền vào lưu thông mà dẫn đến lạm phát. Việc phát hành tiền này là để thế chỗ dần cho đồng 100.000 đồng bằng cotton. Lâu nay Nhà máy In tiền Quốc gia đã không in loại tiền này để tập trung thiết bị công suất và nhân lực in đồng tiền polymer.
- Nhưng lần phát hành tiền mới năm trước cũng đã gây những biến động trên thị trường tiền tệ và có người cho rằng đó là một nguyên nhân dẫn tới lạm phát?
- Việc phát hành tiền polymer năm ngoái không phải là yếu tố gây lạm phát vì không có cơ sở kinh tế nào chứng minh điều đó. Yếu tố thực gây tác động tăng giá là không có nhưng có tác động tâm lý do những kẻ xấu gây ra. Đó chính là những kẻ đầu tư vàng tìm cách vét đôla nhập vàng để chứng minh Nhà nước đưa đồng tiền mệnh giá lớn ra làm đồng tiền Việt Nam mất giá để đẩy quota nhập vàng. Ngân hàng Nhà nước cho rằng việc phát hành tiền mới là một nghiệp vụ bình thường của ngân hàng trung ương khi những đồng tiền mệnh giá cũ đã bị làm giả nhiều. Ngân hàng Nhà nước không tăng số tiền giấy phát hành vào lưu thông cho nên không thể có tác động đến giá cả; nếu có chỉ là do kẻ xấu lợi dụng.
- Vậy, giá trị đồng tiền mới có được SBV bảo đảm?
- Về nguyên tắc, ngân hàng phát hành tiền phải bảo đảm giữ cho giá cả đồng tiền ấy ổn định. Do đó việc phát hành tiền không thể tùy tiện mà phải căn cứ vào nhu cầu lưu thông, đưa vào lưu thông đủ số tiền mà nền kinh tế còn thiếu.
- Làm sao để biết lượng tiền mà nền kinh tế còn thiếu?
- Để biết nhu cầu ấy phải dựa vào những tín hiệu thị trường về giá cả, lãi suất, việc khan hiếm hay không khan các phương tiện thanh toán. Việc đưa một đồng tiền vào lưu thông bao giờ cũng có thanh khoản đối ứng, nghĩa là không được đưa khống vào lưu thông, tức lượng tiền mới là để thay thế cho một lượng giá trị đã có thật của người dân và của DN. Họ đã có tài khoản ở ngân hàng chứ không phải đưa khống cho ai một lượng tiền. Nếu khó khăn họ cũng phải vay và đảm bảo bằng những tài sản có giá trị và có khả năng chuyển đổi được. Ngân hàng có uy tín không bao giờ phát hành tiền tùy tiện.
- Tại sao SBV lại công bố việc phát hành bổ sung tiền 100.000 đồng mới vào thời điểm này?
- Ngân hàng Nhà nước cho công bố chủ trương phát hành thêm tiền 100.000 đồng mới trước ngày phát hành gần nửa tháng để người dân biết và chuẩn bị trước tinh thần, tránh để kẻ xấu lợi dụng làm thất thiệt thông tin chính thức của Nhà nước. Từ nay đến 1/9 đồng tiền mới này vẫn chưa được lưu hành hợp pháp trong lưu thông. Đồng tiền này từ 1/9 sẽ được sử dụng song song với đồng tiền giấy cotton 100.000 đồng hiện đang lưu hành. Không một cá nhân và tổ chức nào được quyền từ chối không thanh toán những đồng tiền hợp pháp đó.
- Thống đốc nói việc đưa ra tiền polymer mới để chống tiền giả. Vậy cụ thể tình trạng tiền giả hiện nay như thế nào?
- Nạn tiền giả là một vấn nạn phổ biến trên thế giới. Ở Việt Nam thời gian vừa qua nạn tiền giả ngày càng tăng, hầu hết các mệnh giá đều bị làm giả. Kỹ thuật làm giả tiền ngày càng tinh vi, thậm chí có những yếu tố mà máy phát hiện tiền giả đơn giản vẫn dùng khó phát hiện được mà phải kết hợp sử dụng tay của các cán bộ có kinh nghiệm lâu năm trong ngân hàng. Bị làm giả nhiều nhất chính là tờ 100.000 đồng. Từ khi phát hành đồng polymer vào lưu thông đến nay, tình hình tiền giả vẫn nghiêm trọng vì chưa thể ngay lập tức thay thế toàn bộ số tiền dễ bị làm giả bằng đồng tiền mới khó làm giả. Để làm được điều này đòi hỏi phải có thời gian và có đủ số lượng tiền bung ra đủ để thu hồi hết số tiền cũ dễ bị làm giả đang lưu thông.
- Liệu trong tương lai đồng tiền polymer có bị làm giả?
- Cho đến bây giờ ngân hàng và cơ quan công an vẫn chưa phát hiện đồng tiền polymer giả nào. Nhưng không thể nói sẽ không có đồng polymer giả vì ngay cả đồng euro khi chưa ra đời mà đã bị làm giả. Nhưng tiền polymer sẽ bị làm giả ít hơn tiền cotton.
- Trong tương lai SBV sẽ thu hồi toàn bộ số tiền cotton hiện đang lưu hành không?
- Ngân hàng Nhà nước không muốn gây sự đột biến và tạo ra sự tốn kém không cần thiết khi mà trong lưu thông đã có một lượng tiền giấy cotton đã được phát hành trước đây. Ngân hàng Nhà nước chỉ ngừng in tiền mới bằng giấy cotton để in dần những đồng tiền polymer và trong một thời gian nữa đồng polymer sẽ được thay thế cho đồng tiền cũng mệnh giá bằng giấy cotton. Nếu Ngân hàng Nhà nước có ý định thu hồi toàn bộ số tiền cotton thì sẽ công bố trước cho người sử dụng để quyền lợi hợp pháp của họ không bị xâm phạm.
- Ông có thể công bố số lượng tiền polymer hiện đã được đưa ra lưu hành từ ngày 17/12/2003 là bao nhiêu không?
- Sau gần 8 tháng, Ngân hàng Nhà nước đã đưa một lượng tiền polymer vào lưu thông xấp xỉ gần 40% lượng tiền cotton.
- Xin cảm ơn Thống đốc!
-
H.Phúc - ghi