(VietNamNet) - Đến năm 2007, số DNNN sẽ chỉ còn khoảng một nửa so với hiện nay. DN nào không cổ phần hóa được, dứt khoát sẽ bị giải thể.
Tăng tốc cổ phần hóa
Tại cuộc hội thảo ''Tái cơ cấu tài chính DN và cổ phần hóa tại Việt Nam'' do Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Ngoại thương (VCB) và Tập đoàn City Group (Mỹ) phối hợp tổ chức ngày 20/8 tại Hà Nội, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia về Đổi mới và Phát triển DN Phạm Viết Muôn đã khẳng định với các nhà báo như vậy.
Ông Muôn nói: ''Đến hết 2005, cơ bản sẽ hoàn thành việc cổ phần hóa (CPH) 1.700 DN nhà nước (DNNN) hiện có. Dự kiến đến năm 2007 sẽ chỉ còn khoảng từ 900-1.000 DNNN. Số DN còn lại sẽ tiến hành CPH hết và nếu DN nào không CPH được thì dứt khoát bị giải thể''.
Theo ông Muôn, 7 tháng đầu năm 2004, cả nước đã tiến hành CPH được 265 DN và sắp xếp được hơn 700 DNNN. Tuy nhìn về số lượng thì có vẻ như tiến trình CPH bị chậm lại, nhưng về khối lượng công việc thì đã được đẩy mạnh hơn rất nhiều ở khắp các Bộ (Giao thông vận tải, Bộ Công nghiệp, Bộ Xây dựng...) và các địa phương như Hà Nội, Khánh Hòa, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP.HCM... "Tuy nhiên, tôi rất hy vọng và có cơ sở thực tế là năm nay số lượng các DN sắp xếp và CPH sẽ không thấp hơn năm ngoái", ông Muôn nói.
Để tiếp tục đẩy nhanh tiến trình CPH, ông Muôn cho biết, tới đây, Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành một Quyết định mới thay thế cho Quyết định 58/TTg-CP về tiêu chí phân loại DNNN và Tổng Công ty nhà nước. Thay đổi căn bản nhất của Quyết định mới này là diện các DN mà nhà nước nắm giữ 100% vốn sẽ thu hẹp lại rất nhiều, chỉ tập trung vào 6 lĩnh vực ''độc quyền nhà nước'' và một số ngành then chốt như dầu khí, điện, xi măng..., những DN có tính chất công ích nhằm đảm bảo quốc phòng, an ninh. Việc chúng ta đang thí điểm CPH mạnh mẽ ở Tổng Công ty VINACONEX (Bộ Xây dựng), Tổng Công ty điện tử tin học (Bộ Công nghiệp), Tổng Công ty Thương mại xây dựng (Bộ Giao thông), Ngân hàng VCB và Ngân hàng Nhà ĐBSCL... là những dẫn chứng cụ thể về tiến trình CPH.
|
Sẽ đấu thầu công khai để định giá DN
Bên cạnh đó, Nghị định 64 về CPH cũng sẽ được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế, trong đó căn bản nhất là những quy định về định giá DN, vấn đề mà VCB đang ''vướng''.
Theo ông Muôn, lâu nay việc xác định giá trị DN là theo hội đồng định giá, nhưng tới đây theo Nghị định 64 (sửa đổi) thì sẽ thông qua các định chế tài chính trung gian (như công ty kiểm toán, công ty tư vấn về tài chính...). Còn cơ quan quyết định giá trị DN chỉ dựa trên cơ sở những kết quả của công ty tài chính trung gian này. Việc thực hiện định giá sẽ được tiến hành thông qua đấu thầu công khai... Hiện Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công nghiệp mỗi một đợt đấu thầu có thể xác định được giá trị khoảng 30-40 DN. Tất cả các Tổng Công ty mà CPH thì dứt khoát nhà nước sẽ nắm giữ trên 50% cổ phần (chi phối), nhưng cụ thể là bao nhiêu sẽ tùy thuộc từng đề án.
Với ngành hàng không, ông Muôn cho biết, trước mắt sẽ chỉ CPH khâu dịch vụ, còn đội tàu bay thì chưa bởi vốn rất lớn, chỉ riêng 1 chiếc máy bay boeing 767 đã 110 triệu USD. Về cảng biển, chủ trương những cảng biển mới sẽ xây dựng theo hình thức công ty cổ phần, trong đó vốn nhà nước chỉ chừng mực (Khánh Hòa đã đề nghị xây dựng cảng Vân Phong theo hình thức này).
-
Hồng Phúc