221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
506902
Bãi bỏ bảng giá tính thuế tối thiểu
1
Article
null
Bãi bỏ bảng giá tính thuế tối thiểu
,

(VietNamNet) - Bộ Tài chính hôm qua (1/9) vừa chính thức bãi bỏ hoàn toàn bảng giá tính thuế tối thiểu đối với hàng nhập khẩu, nhưng những nguy cơ gian lận giá và tiêu cực phát sinh lại là một thách thức mới.

Bộ Tài chính bãi bỏ bảng giá tính thuế tối thiểu với hàng nhập khẩu. Ảnh minh hoạ

Tại cuộc họp báo của Tổng cục Thuế ngày hôm qua, ông Quách Đức Pháp - Vụ trưởng Vụ chính sách thuế - Bộ Tài chính cho biết: ''Kể từ tháng 9/2004, Bộ Tài chính bãi bỏ hoàn toàn bảng giá tối thiểu đối với các mặt hàng trong danh mục quản lý giá tính thuế nhập khẩu; bãi bỏ các nội dung quy định về giá tính thuế tối thiểu, đồng thời bãi bỏ các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan quy định về giá tính thuế tối thiểu''.

Thủ tục: đơn giản hơn

Cụ thể: Giá tính thuế hàng hóa xuất khẩu sẽ là giá bán cho khách hàng tại cửa khẩu xuất (Giá FOB) không bao gồm phí bảo hiểm và chi phí vận tải. Hàng hóa nhập khẩu theo hợp đồng mua bán thì giá tính thuế là giá thực tế phải thanh toán mà người mua đã thanh toán hay sẽ phải thanh toán cho người bán về hàng hóa nhập khẩu. Tổng cục hải quan sẽ xác định hướng dẫn cụ thể về giá tính thuế này.

Đối với hàng xuất nhập không theo hợp đồng mua bán hoặc hợp đồng không phù hợp với Luật Thương mại thì giá tính thuế do cục hải quan địa phương quy định. Tổng cục hải quan sẽ hướng dẫn cụ thể theo nguyên tắc phù hợp với giá giao dịch trên thị trường nhằm chống gian lận thương mại qua giá.

Ngoài ra, đối với hàng nhập thuộc đối tượng miễn thuế, tạm miễn thuế (hàng tạm nhập tái xuất vẫn còn trong thời hạn chưa phải nộp thuế) đã đưa vào sử dụng tại Việt Nam nhưng sau đó được cơ quan Nhà nước cho phép chuyển nhượng hoặc thay đổi mục đích được miễn thuế, tạm miễn thuế (trước đây phải nộp thuế) thì giá tính thuế nhập khẩu được xác định trên cơ sở giá trị còn lại của hàng hóa tính theo thời gian sử dụng và lưu lại tại Việt Nam (từ thời điểm nhập khẩu đến thời điểm tính thuế) và được xác định cụ thể theo các tỷ lệ % so với giá hàng mới tại thời điểm tính thuế. ''Việc quy định này thay vì xác định giá trên cơ sở giá trị sử dụng còn lại và theo kết qủa giám định chất lượng của hàng hóa như quy định hiện hành để khắc phục hạn chế thực tế trong thời gian qua do kết quả giám định chất lượng hàng hóa kém chính xác, dễ bị DN lợi dụng làm thất thu ngân sách, đồng thời phân định chính xác hơn giữa hàng hóa mới và hàng đã qua sử dụng nhập khẩu'', ông Pháp giải thích.

Bộ Tài chính cũng hướng dẫn lại toàn bộ nội dung về đối tượng, định mức và thủ tục hồ sơ xét miễn thuế hàng quà biếu, tặng. Định mức miễn thuế cơ bản phân theo 2 mức: Quà biếu, tặng cho tổ chức thì giá trị hàng miễn thuế không vượt quá 30 triệu (trước đây là 3.000 USD); Quà biếu tặng cho cá nhân thì giá hàng miễn thuế không được qúa 1 triệu (trước đây là 100 USD). Trường hợp đặc biệt do hải quan xem xét.

Truy thu thuế: công bằng hơn

Về truy thu thuế, Bộ Tài chính phân định rõ thời điểm tính truy thu thuế đối với từng trường hợp cụ thể để đảm bảo bình đẳng về chính sách thuế giữa các DN tại thời điểm xuất, nhập khẩu và thời điểm chuyển nhượng mục đích. Cụ thể: căn cứ để tính truy thu thuế xuất khẩu, nhập khẩu là giá tính thuế, thuế suất và tỷ giá được áp dụng theo quy định tại thời điểm cơ quan chức năng có thẩm quyền cho phép thay đổi mục đích đã được miễn, tạm miễn, giảm hoàn thuế trước đây nay phải nộp thuế; và tại thời điểm đăng ký tờ khai hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trước đây với trường hợp đối tượng nộp thuế nhầm lẫn trong kê khai hàng hóa và có sự gian lận, trốn thuế, không tính theo thời điểm truy thu như quy định hiện hành.

Tăng thời hạn phải nộp thuế truy thu trong vòng 10 ngày, kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền ký quyết định truy thu thuế (trước là 2 ngày).

Đối với các trường hợp chưa làm được CO (xuất xứ hàng hóa) theo đúng quy định khi làm thủ tục hải quan, cơ quan hải quan vẫn tính thuế theo mức thuế suất ưu đãi hay ưu đãi đặc biệt theo cam kết và kê khai của chủ hàng. Trong vòng 60 ngày, kể từ ngày đăng ký tờ khai hàng hóa nhập khẩu, đối tượng nộp thuế phải xuất trình CO cho hải quan. Hải quan sẽ tính lại thuế và xử phạt theo quy định nếu không xuất trình được CO. Đây là điểm sửa đổi tiếp thu ý kiến của các DN trong đợt đối thoại với DN vừa qua.

Nếu hàng hóa xuất nhập khẩu còn trong sự giám sát cửa hải quan nhưng bị cơ quan có thẩm quyền tạm giữ để điều tra, chờ xử lý thì thời gian bị giữ điều tra đó không phải tính vào thời hạn nộp thuế mà tính từ ngày được giải tỏa hàng và nhận lại hàng.

Riêng các xe ôtô 24 chỗ ngồi và xe tương đương dưới 24 chỗ không áp dụng hình thức tạm nhập tái xuất các nhà thầu nước ngoài có nhu cầu tạm nhập vào Việt Nam để sử dụng có thể được hoàn thuế nhập khẩu đã nộp sau khi hoàn thành công trình và tái xuất ra nước ngoài.

Đối với trường hợp có nhầm lẫn trong kê khai tính thuế cả do đối tượng nộp thuế lẫn hải quan thì được xét hoàn thuế thay vì chỉ có khi người nộp thuế nhầm lẫn như quy định hiện hành. 

Gian lận: dễ dàng hơn

Ông Quách Đức Pháp cho biết: ''Thực tế với 6 lần mở rộng đối tượng áp dụng của Bộ Tài chính thì có thể nói rằng hàng hóa vào Việt Nam từ 55 nước trên thế giới hầu hết đã là đối  tượng áp dụng và theo hiện hành thì không phải chịu giá tính thuế tối thiểu''. Việc làm này nhằm đơn giản hóa thủ tục hải quan, phù hợp hơn với thực tế và tránh thất thoát ngân sách, đồng thời phù hợp hơn với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên sẽ tăng thêm gánh nặng và trách nhiệm cho hải quan và không loại trừ trường hợp tiêu cực có thể dễ dàng phát sinh hơn từ phía cán bộ hải quan. Thực tế, ai cũng nhận thấy hải quan sẽ phải giành lấy trách nhiệm lớn nhất trong việc thực thi quy định này. Và với việc bãi bỏ bảng giá tối thiểu, khả năng hải quan và DN thông đồng chia chác tiền thuế, hải quan nhận hối lộ cũng hoàn toàn có thể xảy ra ở nguy cơ cao hơn hiện tại bởi mức giá áp thuế sẽ không còn chuẩn mực mà sẽ do hải quan định giá dựa trên mức giá báo cáo của DN.

Bên cạnh đó, trường hợp DN thông đồng với nhà nhập khẩu giảm giá hàng hóa nhằm tránh thuế trục lợi là hoàn toàn có thể xảy ra (giá trong hợp đồng thấp hơn giá trị thực của hàng hóa, sau đó DN thanh toán ngầm với nhà nhập khẩu). Giải quyết vấn đề này, bà Nguyễn Thị Cúc - Phó Tổng cục Thuế cho rằng chỉ đạo của ngành Tài chính là sẽ ''phấn đấu cho hải quan... tinh thông hơn để phát hiện các trường hợp gian lận giá. Còn tuy nhiên nếu các anh có thông đồng với nhau thì tiền trả thêm sẽ không được tính vào chi phí hợp lý của DN và do đó cũng không tính vào thuế Thu nhập DN''. Như vậy dễ dàng nhận thấy với quy định mới này, khả năng gian lận giá của DN là rất cao và các biện pháp của Tổng cục Thuế có vẻ như chưa thấm tháp là bao...  

  • Hồng Phúc
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,