Ông Quách Đức Pháp: Trong bối cảnh hội nhập, buộc phải loại trừ việc phân biệt đối xử. (Ảnh: Nguyễn Sa) |
(VietNamNet)
- “Mọi sự bảo hộ đều dẫn đến thiệt hại cho người tiêu dùng (NTD). Dù ngành ô-tô đã được bảo hộ, ưu đãi về thuế trong suốt thời gian dài (1999-2003) nhưng NTD Việt Nam vẫn phải mua xe ô-tô với giá cao. Đã đến lúc không nên bảo hộ nữa!” - TS Quách Đức Pháp, vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế (Bộ Tài chính) nói.Phát biểu tại Hội thảo về chính sách phát triển và chính sách thuế đối với ngành công nghiệp ô-tô Việt Nam, diễn ra chiều 3/9 tại TP.HCM, TS Quách Đức Pháp cho rằng Nhà nước áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu cao đối với ô-tô nguyên chiếc và thuế suất thấp đối với bộ linh kiện là nhằm mục đích bảo hộ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp (DN) trong nước phát triển. Theo tính toán, ô-tô sản xuất trong nước hiện vẫn được bảo hộ về thuế khoảng 100-230% so với xe nhập khẩu; riêng với loại ô-tô trên 24 chỗ ngồi và xe tải có mức bảo hộ là 100%. Thuế tiêu thụ đặc biệt 26% với ô-tô như hiện nay cũng là mức thấp nhất so với các nước lân cận (khoảng 30-40%).
Tuy vậy, việc bảo hộ này chưa mang lại hiệu quả cho ngành ô-tô. Đến nay, ngành công nghiệp sản xuất phụ tùng xe ô-tô hầu như vẫn chưa có, và tỷ lệ nội địa hóa đạt không tới 10%, dù các DN ô-tô đã cam kết sẽ đạt tỷ lệ nội địa hóa từ 30-40% sau mười năm đầu tư vào Việt Nam.
Do vậy, Nhà nước gia hạn thời gian áp dụng biện pháp ưu đãi, bảo hộ thêm ba năm nữa (đến hết 2006) theo lộ trình giảm dần: 2004: 70%, 2005: 50%, 2006:30% và năm 2007 sẽ bãi bỏ hoàn toàn. Bên cạnh đó, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô-tô cũng sẽ dần tăng lên.
“Điều này sẽ làm cho sự cạnh tranh với ô-tô nhập khẩu trên thị trường trong nước trở nên khốc liệt, nhất là đối với ô-tô nhập từ các nước ASEAN. Chắc chắn ngành công nghiệp ô-tô Việt Nam phải đối mặt với không ít thách thức, song trong bối cảnh hội nhập thì buộc phải loại trừ việc phân biệt đối xử.” - ông Pháp nói.
- N.S