(VietNamNet) - Lạm phát chung của Việt Nam nếu tính từ 8/2003-8/2004 đã tăng khá cao, khoảng 10%, chủ yếu do những cú sốc về cung. Mức lạm phát trong cả năm 2004 do đó sẽ lên tới trên 10%.
Đó là kết luận của nhóm chuyên gia Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) sau khi vừa kết thúc chuyến làm việc tại Việt Nam. Nhóm chuyên gia này đã sang thăm và làm việc tại Hà Nội và TP.HCM từ ngày 25/8 đến 9/9 để đánh giá những diễn biến và thảo luận về các chính sách kinh tế của IMF với Chính phủ Việt Nam.
Phái đoàn đã làm việc với các quan chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính, Bộ Thương mại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ ngành khác, đại diện của các DN nhà nước và tư nhân, các tổ chức tài chính cũng như cộng đồng các nhà tài trợ.
Theo đánh giá của IMF, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng trong năm 2004. Mặc dù tăng trưởng có hơi chậm lại trong quý I, do ảnh hưởng của dịch cúm gia cầm và nạn hạn hán đến sản lượng nông nghiệp nhưng tăng trưởng GDP thực dự tính vẫn khoảng từ 7-7,5%. Lạm phát chung tăng khá cao, khoảng 10% chủ yếu do những cú sốc về nguồn cung. Tuy nhiên, IMF kỳ vọng nhiều rằng lạm phát sẽ giảm nhẹ vào cuối năm 2004.
IMF đánh giá cao chủ trương đẩy mạnh cải cách cơ cấu nền kinh tế của Việt Nam. Trong đó, quan trọng nhất là việc giảm số lượng những khu vực chiến lược, cổ phần hóa một số DN nhà nước (DNNN) lớn gồm cả một trong bốn ngân hàng thương mại quốc doanh (NHTMQD) lớn và hội nhập hơn nữa vào nền kinh tế quốc tế.Tuy nhiên, IMF đánh giá tiến độ cải cách các NHTMQD còn rất chậm chạp.
IMF tư vấn cần xây dựngchiến lược toàn diện để giải quyết những yếu kém tại các NHTMQD và các DNNN, cải thiện môi trường đầu tư tư nhân, đảm bảo sự gia nhập WTO vào năm 2005 và nâng cao quản trị và tính minh bạch của quá trình hoạch định chính sách.-
Hồng Phúc