(VietNamNet) - Thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam dự đoán sẽ vượt mục tiêu mà Chính phủ đưa ra cho kế hoạch 5 năm 2001-2005.
Vốn thu hút mới về đích trước, vốn thực hiện theo sau
|
Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham gia hội nghị xúc tiến đầu tư với chính quyền TP.HCM được tổ chức hồi giữa năm 2004. Ảnh: M.Q |
Với những đóng góp tích cực của đầu tư nước ngoài (FDI), Chính phủ Việt Nam xem đây là một bộ phận quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế.
Vì vậy, Chính phủ đã đặt mục tiêu trong giai đoạn 2001-2005, Việt Nam phải thu hút 12 tỷ USD vốn FDI đầu tư mới. Điều này có nghĩa, mỗi năm Việt Nam phải thu hút hơn 2 tỷ USD dự án đầu tư nước ngoài mới. Bên cạnh mục tiêu này, Chính phủ cũng đưa ra kế hoạch 11 tỷ USD được đưa vào thực hiện đối với những dự án đã đăng ký.Vào cuối những năm 1990 và đầu 2000, thời kỳ ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính khu vực, mục tiêu 12 tỷ USD vốn đầu tư mới không đơn giản, nếu không muốn nói là vô cùng khó khăn đối với môi trường đầu tư Việt Nam, vốn được xem là "chưa sẵn sàng" kêu gọi đầu tư. "Tuy nhiên với những kết quả đạt được đến hôm nay, chúng tôi có thể nói rằng, tốc độ đạt được nhanh hơn mong đợi," ông Phan Hữu Thắng, Cục trưởng Cục Xúc tiến Đầu tư thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, phát biểu với VietNamNet hôm 9/9.
Sau gần 17 năm thực hiện Luật Đầu tư Nước ngoài tại Việt Nam, tính đến hết 31/7/2004, cả nước đã cấp giấy phép đầu tư cho trên 5.870 dự án FDI, trong đó có gần 4.800 dự án còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư cấp mới gần 44 tỷ USD, vốn pháp định gần 20 tỷ USD. Trong đó, 45,5% vốn đầu tư cấp mới theo hình thức 100% vốn nước ngoài, 42,5% theo hình thức liên doanh, số còn lại là đầu tư theo hình thức BCC (Hợp đồng hợp tác kinh doanh) và BOT (Xây dựng - hoạt động - chuyển giao). (Nguồn: Cục Xúc tiến Đầu tư) |
Theo Cục Xúc tiến Đầu tư, trong 7 tháng đầu năm, Việt Nam đã thu hút thêm gần 400 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký trên 1 tỷ USD. Nếu tính cả số dự án tăng vốn, thì tổng vốn đầu tư nước ngoài trong 7 tháng đầu năm đạt trên 2,21 tỷ USD. Hiện nay một số dự án mới và tăng vốn đang trong giai đoạn xem xét. Theo dự báo của Cục Xúc tiến Đầu tư, khi những dự án này được phê duyệt thì tổng vốn cấp mới (bao gồm dự án đầu tư mới và tăng vốn) trong năm 2004 có thể đạt trên 4 tỷ USD. Và khi ấy, tổng vốn cấp mới trong 4 năm 2001-2004 đạt khoảng 12,3 tỷ USD, tức thu hút FDI của Việt Nam về đích trước một năm so với mục tiêu đề ra của Chính phủ.
Trong khi vốn mới dự đoán sẽ đạt được trong năm nay, thì vốn thực hiện, tức nguồn vốn được đưa vào dự án triển khai tuy có chậm hơn, nhưng vẫn ở mức đáng khích lệ. Cũng theo Cục Xúc tiến đầu tư, ước tính cả năm 2004, vốn thực hiện sẽ đạt 2,75-2,85 tỷ USD; và cộng dồn 4 năm 2001-2004, vốn thực hiện đạt 91% so với mục tiêu 5 năm, tức 10,2 tỷ USD.
Sự hài lòng chính là động lực
Tốc độ thu hút FDI của Việt Nam được xem là tăng nhưng không cao, nhất là khi so sánh với các nước trong khu vực. Tuy nhiên, 12 tỷ USD không còn là mục tiêu nặng nề đối với Việt Nam khi đường về đích không còn bao xa. Điều đáng nói là để có thể "rút ngắn" quãng đường này, chính sách và môi trường đầu tư của Việt Nam đã phải được cải thiện và đổi mới rất đáng kể.
Luật Đầu tư Nước ngoài sửa đổi đã mở rộng thêm nhiều lĩnh vực ngành nghề cho DN nước ngoài đầu tư trực tiếp tại Việt Nam. Các chính sách thuế được thay đổi theo hướng giảm gánh nặng cho nhà đầu tư... "Sự ổn định về chính trị cũng là yếu tố giúp Việt Nam thu hút nhiều FDI, mặc dù sự cạnh tranh giữa các quốc gia trong khu vực khá gay gắt", ông Thắng nhận định. Ông Thắng còn cho rằng, những cam kết cải cách và thực hiện hợp tác quốc tế của Chính phủ Việt Nam cũng tạo nên sự tin tưởng đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại TP.HCM, trong một cuộc họp về xúc tiến đầu tư được tổ chức tại đây, đã thừa nhận những cải thiện trong môi trường đầu tư ở Việt Nam, cũng như tin tưởng vào các chính sách kinh tế của Chính phủ. Nhiều DN Nhật Bản đang làm ăn tại Việt Nam tỏ ý muốn mở rộng đầu tư, và họ đặt niềm tin vào sáng kiến chung Việt-Nhật cũng như Hiệp định Bảo hộ đầu tư mà Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản đã ký kết.
Năm nhà đầu tư nước ngoài hàng đầu Việt Nam lần lượt là Singapore, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc và Hong Kong. Những nhà đầu tư này chiếm 63,3% số dự án và 63% vốn đăng ký; các nước châu Âu chiếm gần 16% số dự án và gần 24% vốn đăng ký; trong khi đó Hoa Kỳ chiếm 4% số dự án và 2,7% vốn đăng ký. (Nguồn: Cục Xúc tiến Đầu tư) |
Phòng Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Hàn Quốc (Kotra) hồi cuối tháng qua đã công bố kết quả một cuộc khảo sát về môi trường đầu tư ở Việt Nam. Mặc dù còn nhiều quan ngại về việc tiếp cận thông tin, các văn bản pháp luật..., nhưng có gần 93% trong số hơn 200 DN Hàn Quốc đã trả lời rằng, họ thỏa mãn về môi trường đầu tư, đặc biệt là nguồn lao động. Trung bình mỗi DN Hàn Quốc đầu tư khoảng 3 triệu USD một dự án và đều có lãi sau một thời gian ngắn hoạt động tại Việt Nam.
Xúc tiến đầu tư: hoạt động không thể thiếu
Môi trường, chính sách đầu tư, cam kết hội nhập... là những nguyên dẫn đến kết quả về đích trước thời hạn của mục tiêu thu hút FDI của Việt Nam. Nhưng còn một nguyên nhân khác, không thể thiếu, là hoạt động xúc tiến đầu tư, một hoạt động được giới chức Việt Nam đánh giá cao và chú ý nhiều hơn.
Nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như chính quyền các địa phương thực hiện. Ông Lương Văn Lý, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, luôn luôn tận dụng các cuộc gặp gỡ với các nhà đầu nước ngoài để biến chúng thành những cơ hội giới thiệu môi trường đầu tư của thành phố. Chính quyền thành phố này luôn đưa vào kế hoạch hành động của mình những chuyến đi xúc tiến đầu tư ở nước ngoài, nhằm giới thiệu cơ hội làm ăn ở Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng.
Theo Cục Xúc tiến Đầu tư, trong tháng tới, Việt Nam sẽ tổ chức một hội nghị lớn về đầu tư tại Nhật Bản như một đợt quảng bá tiếp theo về môi trường đầu tư Việt Nam đối với các DN Nhật Bản. Hoạt động xúc tiến bên ngoài này sẽ được chương trình hợp tác Nhật Bản-ASEAN hỗ trợ. Một hoạt động tương tự cũng sẽ được thực hiện ở Mỹ theo chương trình Mỹ-ASEAN, để đưa Mỹ vào vị trí những quốc gia đầu tư hàng đầu ở Việt Nam, như các nhà đầu tư và giới chức Mỹ đã từng tuyên bố khi đến Việt Nam.
Trong một lần tham dự hội nghị đầu tư của Việt Nam với các DN Singapore, ông Bộ trưởng Bộ Phát triển Kinh tế của quốc đảo này ghi nhận về cơ hội đầu tư dành cho các DN nước ngoài cũng như Singapore tại Việt Nam. Hội nghị được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hồi tháng qua, không chỉ xúc tiến đầu tư trong giới DN ở Singapore - nơi tập trung nhiều công ty, tập đoàn đa quốc gia hàng đầu thế giới, mà thông qua quốc gia này, Việt Nam muốn mời gọi đầu tư từ các quốc gia khác. Với ý tưởng này, Việt Nam dự định sẽ tiến tới thỏa thuận và ký hiệp định về đầu tư với Singapore như đã từng thực hiện với Nhật Bản, cũng được xem là nơi xuất phát nhiều dòng đầu tư tiềm năng của Việt Nam. Hiệp định hứa hẹn dòng đầu tư lớn từ Singapore và nước thứ 3.
-
Minh Quang