(VietNamNet) - Ông Lê Quốc Ân, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã coi vụ bắt giam ông Lê Văn Thắng, Phó Vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu (Bộ Thương mại), ngày hôm qua (15/9) là sự kiện gây hoang mang cho DN dệt may.
Ông Lê Quốc Ân, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam. |
Trao đổi với VietNamNet, ông Ân nói: ''Chúng tôi đều hết sức bất ngờ khi nghe thông tin này, nhưng hy vọng các anh em còn lại trong tổ điều hành quota sẽ tiếp tục công việc để sớm giao hạn ngạch 2005 cho DN''.
Xuất khẩu dệt may có bị ảnh hưởng?
Trước lo lắng của nhiều người về vấn đề suy giảm đầu tư vào dệt may, ông Ân tỏ ra khá lạc quan: ''Tôi cho rằng chính vì có vụ bắt giữ này mà các nhà đầu tư thấy Chính phủ Việt Nam đang mạnh tay trong xử lý những trường hợp tham nhũng, hối lộ và sẽ tin tưởng hơn vào môi trường đầu tư của Việt Nam''.
Lý giải về việc này, ông Lê Văn Đạo, Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may cho biết: ''Đương nhiên, sự kiện này sẽ gây xáo trộn đôi chút trong việc phân bổ quota dệt may, nhưng tôi nghĩ các DN có thể yên tâm vì việc phân bổ quota đã được điện tử hóa, các dữ liệu đều đã được nhập vào máy tính và tính theo thành tích của DN. Vấn đề thì có nhưng chắc sẽ không lớn...''.
(VietNamNet) - Một nguồn tin riêng của VietNamNet cho hay, chỉ riêng vụ này, đường dây "chạy" quota XNK của Lê Văn Thắng đã nhận 1 triệu USD.
Trả lời về việc từ trước đến nay, các DN dệt may đều rất bức xúc trong vấn đề phân bổ hạn ngạch mà Hiệp hội không có ý kiến gì, ông Đạo cho biết: ''Phân bổ quota dệt may từ trước đến nay luôn có chuyện người thừa người thiếu, nhưng trực tiếp khiếu kiện lên Hiệp hội thì chúng tôi chưa nhận được đơn thư nào. Thường nếu có tính toán sai thì người ta làm việc trực tiếp với Bộ Thương mại (mà phụ trách ở đây là ông Thắng)''.
Đường dây của Vụ phó Vụ XNK đã kiếm 1 triệu USD?
Nhận xét về chỉ tiêu xuất khẩu dệt may 4,2 tỷ USD của năm nay, ông Lê Quốc Ân cho rằng: ''4 tỷ USD thì có thể làm được, nhưng 4,2 tỷ USD là điều chưa thể chắc chắn vì nhiều cat. nóng đi Mỹ và EU đều đã hết''. Phía Hiệp hội Dệt may cho biết, trong ngày hôm nay dự kiến sẽ gửi một bản kiến nghị lên Bộ Thương mại đề nghị với những cat. xuất sang EU còn trên 70% thì cấp và có kiểm soát, cat. nào hạn ngạch dưới 70% thì cho phép cấp tự động để giải quyết ngay những khó khăn của DN''.
Hy vọng phân bổ quota dệt may sẽ công bằng hơn!
Trong rất nhiều cuộc gặp gỡ DN của ngành dệt may từ trước đến nay, gian lận về hạn ngạch dệt may luôn là vấn đề nóng bỏng, thậm chí có DN đã từng gọi đó là một ''trận đồ bát quái''. Sự kiện ông Lê Văn Thắng - Phó Vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu, phụ trách phân bổ quota dệt may của Bộ Thương mại vừa bị bắt giam vì tình nghi trong một đường dây nhận hối lộ, bắt chẹt các DN khi phân bổ quota đã một lần nữa làm nóng lên vấn đề này.
DN dệt may lo lắng nhưng hy vọng. Ảnh: Nguyên Vũ |
Ngay trong cuộc họp của Hiệp hội Dệt may ngày 14/5 vừa qua, ông Đào Duy Phong, Giám đốc Công ty May Sông Đà lên tiếng: ''Hạn ngạch được phân giao chưa thực sự dựa trên máy móc, số lượng công nhân và năng lực của DN. Có nhiều DN máy móc ít, công nhân chỉ có vài trăm người, nhưng lại nhận được lượng quota quá lớn''. Việc gian lận quota còn dẫn tới tình trạng mua bán quota đang ngầm diễn ra, thậm chí là cò mồi quota. Theo một DN xuất hàng dệt may khác, phí mua bán quota trên thị trường hiện nay là khoảng 9 cents với cat.347/348 và 7 cents với cat.38/39.
Ông Yi, Dong HWAN, Tổng Giám đốc Công ty Vina Korea bức xúc lên tiếng: ''Việc phân bổ hạn ngạch dệt may làm DN chúng tôi không thể dự đoán được là mình sẽ nhận được bao nhiêu. Khi chúng tôi xuất hàng đi Canada và EU, Bộ Thương mại đã yêu cầu cần xuất hàng trước rồi mới phân bổ hạn ngạch, nhưng nếu khi chúng tôi xuất rồi mà vẫn không nhận được hạn ngạch thì sẽ nảy sinh khó khăn. Đây là lần đầu tiên trong 30 năm hoạt động kinh doanh tôi gặp phải trường hợp này ở Việt Nam''.
Bà Ngô Việt Vân, Giám đốc Công ty May 40, cho biết: ''Phân bổ hạn ngạch dệt may được tiến hành theo thành tích của DN. Tuy nhiên, có những cat. năm 2003 chỉ thực hiện được 60% như cat.434/435 nhưng khi chúng tôi tìm được bạn hàng mới, đơn đặt hàng mới và làm đơn xin hạn ngạch thì liên Bộ đều trả lời là không được. Đối với thị trường EU, hàng chúng tôi xuất theo mùa, chủ yếu là 6 tháng cuối năm, nhưng thực tế là từ vài tháng đầu năm đã hết sạch hạn ngạch''.
Bình luận về vụ việc ông Thắng bị bắt giam, hầu hết các DN đều tỏ ra dè dặt: ''Vấn đề này chúng tôi chưa biết rõ và cũng khá nhạy cảm''. Giám đốc một DN dệt may tại Hà Nội tiết lộ: "Với các DN trong Nam thì tôi không rõ, nhưng với các anh em ngoài Bắc, khi đưa phong bì anh Thắng đều từ chối và nói 'Chúng mày vất vả thế, tao lấy tiền của chúng mày làm gì'. Chính các DN làm hư quan chức và tôi nghĩ đó là các DN phía Nam".
Ông Phạm Xuân Hồng, Tổng Giám đốc May Saigon 3 cũng dè dặt :"Tôi có biết về thông tin này nhưng chưa biết thực hư thế nào. Liệu ông Thắng có tiêu cực hay không, điều này còn chờ kết quả của cơ quan điều tra. Tuy nhiên, nếu có một đường dây hay một cá nhân tiêu cực nào trong việc phân bổ quota dệt may bị phát hiện và triệt phá thì đó là dấu hiệu tốt cho ngành dệt may. Lâu nay DN kêu ca nhiều về chuyện phân bổ quota. Nếu không còn một ai đó lợi dụng chuyện này để tiêu cực, tôi cho rằng việc phân bổ quota sau này sẽ công bằng cho DN.