(VietNamNet) - Làm sao để có nhiều doanh nhân lớn, có nhiều DN dân doanh lớn là chủ đề Bàn tròn trực tuyến của VietNamNet với nhà sử học Dương Trung Quốc, nhà văn Lê Lựu và nhà DN Trường An đã diễn chiều nay,12/10.
Ngày 13/10/1945, sau khi tuyên bố độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra lời kêu gọi: "Trong lúc các giới khác ra sức hoạt động giành nền độc lập của nước nhà, thì giới công thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế tài chính vững vàng và thịnh vượng. Chính phủ nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp giới công thương trong công cuộc kiến thiết này".
Nhà sử học Dương Trung Quốc. |
Gần 60 năm sau, năm 2004, lần đầu tiên, năm đầu tiên, doanh nhân Việt Nam đã được tôn vinh như các ngành nghề khác đã được tôn vinh trong xã hội (ngày Nhà giáo, Ngày Thầy thuốc, Ngày Nhà báo,...) bằng một sự công nhận chính thức của nhà nước với "Ngày Doanh nhân Việt nam 13/10".
Nhà văn Lê Lựu. |
Vâng, với sự kiện trọng đại này, giới doanh nhân Việt Nam phần nào trút bỏ được cái "gánh nặng" về thứ hạng công dân mà những thăng trầm của lịch sử đã từng đặt xuống vai họ.
Giám đốc công ty VietBooks, anh Trường An. |
Song, tôn vinh doanh nhân không chỉ đơn giản có thế. Doanh nhân Việt Nam đang cần, rất cần một môi trường kinh doanh thật sự trong lành. Ở đó, họ được thỏa sức vẫy vùng, thỏa sức sáng tạo để thực hiện những ý tưởng kinh doanh của mình. Họ không nên và không cần phải vướng bận những chuyện lẽ ra không phải vướng bận, như chuyện gây khó khăn của Hải quan, của thuế, của cơ quan làm thủ tục cấp phép kinh doanh, và ngay cả cơ quan ban hành chính sách... mà không thể kể xiết có bao nhiêu cuộc đối thoại, vẫn chẳng giải quyết được bao nhiêu.
Hãy tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nhân nhiều hơn nữa. Đó chính là cách tôn vinh họ cao nhất.
Cũng cần biết rằng năm 2003, Việt Nam mới chỉ có 120.000 doanh nghiệp (DN), tức bình quân 800 người mới có 1 DN. Tỷ lệ này ở Singapore là 4 người/DN, Úc là 21 người/DN, Trung Quốc là 200 người/DN.
Sau đây là nội dung cuộc bàn tròn:
TBT Nguyễn Anh Tuấn: - Kính thưa quý vị đại biểu, sau nhiều nỗ lực và tâm huyết của nhiều người khác nhau, nay Việt Nam chính thức có một ngày để tôn vinh doanh nhân, tôn vinh tinh thần Doanh nghiệp. Đó là ngày 13/10, ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho giới công thương Việt Nam. Sự kiện này cho thấy xã hội không chỉ kêu gọi mà đã chính thức tôn trọng doanh nhân Việt Nam.
Chúng ta đã có những ngày Thầy thuốc Việt Nam, ngày Nhà giáo Việt Nam, Ngày phụ nữ Việt Nam, ngày nhà báo Việt Nam... và nay là Ngày Doanh nhân Việt Nam. Doanh nhân trong xã hội đã thật sự được tôn trọng như những chiến sỹ, những vị tướng trên mặt trận kinh tế nhằm đưa dân tộc thoát khỏi cảnh nghèo nàn, làm giàu chân chính cho đất nước, cho dân tộc. Hôm nay chúng tôi hân hạnh được trò chuyện, thảo luận cùng với nhà sử học Dương Trung Quốc, nhà văn Lê Lựu và nhà doanh nghiệp Trường An.
Trước hết có một câu hỏi chúng tôi xin dành cho nhà văn Lê Lựu, nhà văn của "Thời xa vắng", không biết sau này anh Lê Lựu có thêm biệt danh gì nữa không, nhưng hiện nay mọi người vẫn nhớ đến anh qua tác phẩm "Thời xa vắng" và anh đang là Giám đốc Trung tâm Văn hoá Doanh nhân Việt Nam. Đây là câu hỏi dành cho anh: Các nhà văn, nhà thơ, nhà giáo, nhà khoa học nghiên cứu... đóng góp cho xã hội những giá trị tinh thần trong khi các doanh nhân cũng đóng góp cho xã hội những giá trị vật chất. Tuy nhiên các nhà văn, nhà thơ, nhà giáo, nhà khoa học nghiên cứu... luôn được xã hội kính trọng, thậm chí còn được tạc tượng trong khi các doanh nhân đến giờ này, mặc dù đã khá hơn trước, nhưng vẫn bị mang tiếng, vẫn không được thừa nhận là thành phần tinh hoa, đáng kính trọng trong xã hội. Với tư cách là một nhà văn hoá, một nhà văn, theo anh, cách nhìn nhận đánh giá như vậy có công bằng hay không?
Nhà văn Lê Lựu: - Cái quan niệm của xã hội cho rằng, các nhà doanh nghiệp là bọn con buôn, bọn lừa lọc, bọn trốn lậu thuế... ấy là quan niệm của dăm bảy chục năm về trước. Bây giờ chúng ta đã có 13 vạn DN chứa đựng trong đó khoảng 30 triệu người, 4 đến 6 chục vạn người là trí thức doanh nhân. Những người này thực sự là những dũng sĩ, những "ông tướng" đúng như anh Tuấn vừa nói, họ làm giàu cho xã hội. Nếu trong chiến tranh giải phóng dân tộc những người lính là những dũng sĩ thì hôm nay trên mặt trận làm giàu, các doanh nhân đích thực là những dũng sĩ, những ông tướng. Cho nên khi hình thái xã hội thay đổi thì tất cả các quan niệm cũng phải thay đổi theo. Trước đây người ta có quan niệm như vậy vì các doanh nhân VN lẻ tẻ quá, yếu ớt quá, thưa thớt quá, non kém quá và thậm chí nó có những sai sót thật. Nhưng cũng chính các cụ nhà ta ngày xưa đã khẳng định rằng "phi thương bất phú". Nếu không có những nhà buôn thì không thể có sự giàu sang được. Chẳng qua là các nhà buôn thời xưa yếu kém qua nên xã hội người ta đánh giá như thế. Bây giờ chúng ta đánh giá lại doanh nhân chính là trả lại giá trị đích thực, vị trí đích thực của doanh nhân trong xã hội và trong công cuộc chấn hưng đất nước. Trung tâm Văn hoá Doanh nhân Việt Nam của chúng tôi ra đời và hoạt đông trong 2 năm qua chính là khẳng định vai trò, vị trí của doanh nhân. Các doanh nhân và các văn nghệ sĩ có những điều tương ứng, có thể bù đắp cho nhau được. Các doanh nhân chắc chắn là có nhiều tiền hơn văn nghệ sĩ, họ làm việc chính xác và căng thẳng hơn văn nghệ sĩ nhưng họ lại thiếu khả năng vui chơi thoải mái như anh em nghệ sĩ. Chúng tôi giải quyết "hai cái thiếu" này để cả hai phía cũng cảm thấy thoải mái. Ở đời này, người ta ai cũng cần cái thiếu chứ không ai cần cái thừa. Con trai thiếu con gái nên rất cần có con gái và như thế mới là hợp lý, nếu con trai mà lại cần con trai hay các cô gái cần các cô gái thì là...bệnh hoạn rồi đấy. Hai nhà doanh nhân chơi với nhau có khi lại không bằng lòng nhau nhưng nếu doanh nhân chơi với nghệ sĩ, chơi với nhà khoa học thì đó là sự kết hợp hài hoà, bổ sung, bù đắp cho nhau. Các doanh nhân cần và buộc phải được tôn trọng mà muốn được tôn trọng thì không ai khác ngoài các nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, hoạ sĩ, nhà khoa học...Chính họ sẽ tôn vinh các doanh nhân, trả lại giá trị đích thực cho các doanh nhân.
TBT Nguyễn Anh Tuấn: - Rất cám ơn những nhận xét của anh Lê Lựu nhưng có một thực tế là hiện nay trong văn hoá nghệ thuật của chúng ta có ít tác phẩm nghệ thuật ca ngợi doanh nhân, hầu như hình ảnh doanh nhân trong mắt mọi người đều có vẻ khả nghi, xấu xa thì phải. Anh có thể đánh giá hiện tượng này như thế nào? và liệu có biện pháp nào khắc phục không?
Nhà văn Lê Lựu:
- Giới nào cũng vậy, các nghệ sĩ phải sống cuộc sống đích thực bằng sự đồng cảm, cảm thông thực sự, bằng sự đau xót thực sự mới cho ra được tác phẩm hay. Sự xuất hiện của các doanh nhân rất mới mẻ nên còn rất ngỡ ngàng đối với người nghệ sĩ. Ngày xưa, các chiến sĩ hy sinh mình để cứu Tổ quốc đã khiến nhà văn xúc động và chúng tôi đã viết nên nhiều tác phẩm hay về chiến tranh giải phóng dân tộc, bây giờ tầng lớp doanh nhân có hành động cứu xã hội thoát khỏi đói nghèo, cứu con người thoát khỏi nỗi lo cơm áo thì cũng khiến nhà văn xúc động và dứt khoát sẽ có tác phẩm hay. Trong giới doanh nhân có sự táo bạo, dám chấp nhận "chông chênh" (rủi ro), hy sinh bản thân thì chắc chắn gây được sự xúc động. Tuy nhiên cái gì cũng cần có thời gian, muốn yêu nhau cũng cần có thời gian. Tôi lấy ví dụ: Nếu mới gặp nhau đã nói anh yêu em lắm nhưng nửa ngày sau đã quên ngay, mặt mũi ráo hoảnh, vừa gặp cô khác đã xúc động liền! Nhưng khi mình sắp chết lại thấy cô ấy xả thân cứu mình thì chắc chắn anh chàng kia không thể không xúc động được. Nhà văn nhà thơ cũng phải có kỷ niệm đối với nhà doanh nghiệp giống như trai gái yêu nhau, sẵn sàng chết vì nhau thì chắc chắn có tác phẩm hay.TBT Nguyễn Anh Tuấn: - Bây giờ có một câu hỏi dành cho anh Dương Trung Quốc của một bạn ở Hải Phòng: Ông có đồng ý với tôi rằng chúng ta phải trả cho doanh nhân Việt Nam vị trí của họ trong nền kinh tế nước nhà trước khi tôn vinh họ? Hiện nay, vị trí của họ đã thực sự được trả lại hay chưa và làm thế nào để tôn vinh thực chất chứ không chỉ bằng hình thức lễ hội vì theo tôi biết, chính ông đã từng nói là rất sợ chuyện kỷ niệm chỉ mang tính lễ hội...
Nhà sử học Dương Trung Quốc: - Muốn trả lời câu hỏi này phải xem vị trí của doanh nhân trong lịch sử. Chúng ta hay nói nhiều đến truyền thống nên phải xem xét có truyền thống của doanh nhân VN hay không? Việc Thủ tướng Chính phủ ra quyết định công nhận ngày 13/10 là ngày doanh nhân Việt Nam là một tất yếu, thể hiện rõ doanh nhân đã trở thành một lực lượng xã hội ngày càng đóng vai trò quan trọng trong xã hội. Ngày công nhận này diễn ra sau Hội nghị TW IX xác định lực lượng doanh nhân rất quan trọng bên cạnh công nhân, nông dân, trí thức.
Anh Lê Lựu vừa nhắc đến câu ''phi thương bất phú'' nhưng thực sự Việt Nam không có truyền thống buôn bán. Cứ thử nhìn trong văn học, một kho tàng văn chương rất phong phú chỉ có vài câu chuyện như ''Đồng tiền vạn lịch'' là nói về người buôn bán. Mặt khác, cứ nói đến buôn bán là nói đến sự lừa lọc, sự lươn lẹo như anh bán tơ trong Truyện Kiều chẳng hạn. Chính người Pháp cũng nhận xét, trong mỗi người Việt nam có một ông quan và một nhà thơ chứ ít ai nói đến một nhà buôn, một nhà thám hiểm. Điều này do chính đặc điểm xã hội định đoạt như vậy. Chúng ta có thể nói đến một Trần Khánh Dư buôn than, anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ đi buôn trầu...nhưng buôn bán cũng chỉ quanh quẩn ở các chợ làng, các nghề thủ công cũng chỉ là giữ tổ nghiệp. Chúng ta hay nói đến Hội An, Phố Hiến như biểu tượng của sự phát triển ngoại thương cũng chỉ là một chợ phiên gặp lúc Nhật và nhà Thanh cấm vận. Hay khảo cổ học có nhắc đến các sản phẩm đã từng ra nước ngoài như gốm Chu Đậu nhưng chủ thuyền và chủ hàng cũng là người nước ngoài. Trong xã hội truyền thống Việt Nam, vị trí của thương nhân còn rất thấp. Chúng ta không có Lã Bất Vi như trong lịch sử Trung Quốc. Làm quan ngày xưa là không để làm giàu và người làm giàu không thể làm quan.
Thực ra tầng lớp doanh nhân bắt đầu từ thời Tây sang, khi đưa vào phương thức sản xuất mới và một tầng lớp xã hội mới ra đời, đầu tiên là những người làm trung gian buôn bán cho Pháp. Nhưng tầng lớp làm giàu dựa vào Tây như vậy thì dân lại khinh là ''trọc phú'', Việt gian. Tuy nhiên, đến đầu thế kỷ 20, khi người dân Việt Nam bứt ra khỏi Trung Hoa, nhìn ra thế giới và nhận ra nước mình còn nghèo là còn hèn, còn phải làm nô lệ, nên mới có quan điểm ''có đồng đẳng mới bình đẳng''. Cụ Phan Chu Trinh, người khởi xướng phong trào Duy tân là người đã đưa ra tư tưởng ''chi bằng học'', không chỉ là học chữ, học nghĩa lý mà là học buôn bán mà các cụ gọi chung là ''thực nghiệp''. Một tầng lớp đầu tiên bước vào thương trường với tinh thần dân tộc cũng ra đời. Chúng ta nhớ đến Minh Tân Công nghệ xã, Công ty nước mắm Yên Thành. Họ kinh doanh để lấy tiền trợ cấp cho các chiến sỹ Đông Du. Đến khi Bác Hồ rời nước ra đi cũng có sự hỗ trợ của công ty nước mắm Yên Thành. Nhưng trong xã hội, tầng lớp này cũng dần bị bóp nghẹt.
Ngoài ra, đầu thế kỷ XX, cũng xuất hiện tầng lớp khác, họ không tham gia vào chính trị mà tham gia vào thương trường với tinh thần tự ái dân tộc, như Bạch Thái Bưởi là trường hợp điển hình. Ông xuất thân từ người đấu thầu tà vẹt gỗ và sau đó trở thành người lấy lại vị trí của hàng hải khu vực. Gian thuyền Bạch Thái Công ty trở thành một biểu tượng của tinh thần tự chủ về kinh tế. Tôi nhớ bức ảnh trên báo Nam Phong, trong văn phòng của ông ở Hải Phòng có treo đầy những biển hiệu các con tàu của người Hoa, người Pháp mà ông đã đánh bại trên thương trường. Những tên thuyền đó được ông đặt những cái tên thể hiện tinh thần dân tộc như Bạch Đằng, Đinh Tiên Hoàng... Năm 1919 ông đã đóng được con tàu 600 tấn đi từ cảng Hải Phòng vào cảng Sài Gòn và khi đó người dân Sài Gòn ra đón tiếp ông như đón một người anh hùng. Nhưng những con người này cũng chỉ thoáng qua trong lịch sử, sau đó cũng bị phá sản.
Điểm đặc biệt của tầng lớp này là họ có tinh thần yêu nước, khi có điều kiện là họ thể hiện mình ngay. Như cụ Nguyễn Sơn Hà ở Hải Phòng có con trai tham gia và hy sinh trong khởi nghĩa ở Hải Phòng và chính bản thân ông sau đó cũng tham gia vào cách mạng. Một thời kỳ, chúng ta đã có những chính sách làm thui chột tầng lớp doanh thương vốn đã nhỏ bé, manh mún này. Người ta gọi đó là thời kỳ ấu trĩ, thời kỳ tìm tòi.
Nhưng có một giai đoạn loé sáng là giai đoạn cách mạng mới thành công. Cho đến bây giờ nghĩ lại chúng tôi rất lấy làm lạ là cụ Hồ lần đầu tiên sau 30 năm bôn ba hải ngoại trở về nước lại chọn nhà giàu nhất ở Hà Nội để ở chứ không phải là xóm thợ, những khu ngoại thành để tìm che chở ở tầng lớp cách mạng nhất. Đương nhiên nhà giàu này cũng là một cơ sở cách mạng nhưng Cụ hiểu rằng hễ là người Việt Nam là có lòng yêu nước, người nghèo khổ yêu nước đã đành nhưng người giàu có cũng yêu nước. Tư tưởng ấy thể hiện ở Cụ Hồ ngay từ trước đó 20 năm, vào năm 1924, khi Cụ sang Liên Xô. Cụ dám viết một luận văn mà sau này chúng ta khai thác được trong kho lưu trữ của Quốc tế Cộng sản, nói thẳng rằng ở Việt Nam giai cấp không phân hoá như các nước khác nên đấu tranh giai cấp cũng khác các nước khác. Chúng ta chỉ có một truyền thống duy nhất là truyền thống yêu nước, truyền thống dân tộc. Tôi đọc lại và thấy nhiều điều rất đúng như: ''Nếu nông dân chẳng có gì thì địa chủ cũng không có vốn liếng gì lớn, nếu nông dân chỉ sống bằng cái tối thiểu cần thiết thì địa chủ cũng chẳng có gì xa hoa. Thợ thì chẳng có công đoàn, chủ thì chẳng có tờ- rớt... Xung đột của họ được giảm thiểu về quyền lợi, điều đó không thể chối cãi được''.
Đến khi cách mạng thành công, trở thành chủ tịch nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa đặt rất cao vai trò của người lao động, của tầng lớp trí thức, nhưng cụ cũng nhìn thấy ngay vai trò của các nhà công thương. Ngay ngày 8/9, giai tầng được cụ tiếp chính là công thương Việt nam và ngay sau đó, Bác vận động tuần lễ vàng, viết bức thư cho giới công thương mà bây giờ chúng ta vẫn nhắc lại như một nguyên lý: ''Chính phủ nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp đỡ các nhà công thương trong công cuộc kiến thiết này''.
Tôi muốn trở lại, ngày nay chúng ta xác nhận ngày này như một tất yếu. Chính thực tiễn cuộc sống giúp chúng ta nhận diện vai trò quan trọng của doanh nhân Việt Nam sau một thời kỳ dài do chiến tranh, do sự ấu trĩ về giai cấp, nhận thức giáo điều về chủ nghĩa xã hội . Nhưng cũng phải giật mình khi thấy rằng Cụ Hồ đã nhận thức được vấn đề này từ lâu. Tầng lớp doanh nhân Việt Nam thực sự chưa bao giờ có được điều kiện thuận lợi như thế này nhưng cũng có cái yếu là chưa có bề dày về truyền thống kinh doanh.
TBT Nguyễn Anh Tuấn: - Qua những dữ liệu anh DươngTrung Quốc vừa dẫn ra có thể thấy rõ rằng tất cả những gì di sản của Bác Hồ để lại cho chúng ta vẫn còn soi rọi đến ngày hôm nay. Nếu chúng ta nghiên cứu nghiêm túc, thực sự suy ngẫm, tìm tòi từ kho báu đó thì có thể sáng thêm rất nhiều điều cho chúng ta ngày hôm nay. Có 1 câu hỏi của bạn đọc dành cho anh Lê Lựu: ''Được biết anh đã rất thành công với nhiều tác phẩm văn học lớn nhưng anh mới chỉ viết nhiều về nông dân vùng quê của anh, trong giai đoạn này anh có ấp ủ viết về doanh nhân ngày hôm nay như một hình tượng nhân vật văn học điển hình không?
Nhà văn Lê Lựu: - Bao giờ nhà văn cũng viết những điều da diết nhất nhất của lòng mình thì mới cứa vào lòng người đọc được. Tôi đã viết về quê hươngcủa tôi, nơi tôi thấm hết những khốn khổ khốn nạn và vất vả của nó. Nếu viết về doanh nhân, với tôi vẫn còn là điều mới mẻ. Đó là một giai tầng mới. Thế nhưng 2 năm nay tôi đã tự bỏ công việc viết lách của mình đi vì mình cảm thấy chưa thực sự tâm huyết thì chưa thể viết hay được. Tôi quay sang làm văn hoá doanh nhân. Có những chuyện vui buồn và tôi nghĩ sau này mình sẽ viết được. Có những chuyện vặt vãnh như khi chúng tôi xin trụ sở, đồng chí Chủ tịch của UBND TP Hà Nội phải mất 5-6 lần làm công văn thì các cấp dưới mới chấp hành! Khi đã được chấp nhận, thủ tục xong hết rồi chuẩn bị di chuyển trụ sở thì lại hoãn với lý do: Cán bộ địa chính đã xem nhầm bản đồ! Đấy là một chuyện có thể thành văn chương được. Có những chuyện nói ra như đùa nên từ đó tôi mới thông cảm với những hy sinh và vất vả, mất mát của giới doanh nhân.
Trong tâm tôi thờ chữ Phúc và chữ Nhẫn. Nhiều khi đứng bên cạnh doanh nhân tôi mới thấy họ nhẫn nhục lắm, nhiều khi phải đi xin xỏ như một thằng ăn mày. Khốn khổ khốn nạn nhất là doanh nhân, đi lạy lục xin xỏ vất vả mọi thứ, mới biết doanh nhân thành đạt vất vả tới mức nào.
Sau này tôi chỉ viết lại thật thì cũng không cần hư cấu thêm nữa. Nếu sau này viết về doanh nhân tôi chắc rằng bạn đọc sẽ đọc được chứ bây giờ tôi thấy tôi chưa thuộc họ lắm. Sau này tôi tin chắc sẽ có người đọc những câu chuyện về doanh nhân của tôi.
TBT Nguyễn Anh Tuấn: Cám ơn anh Lê Lựu, khách mời của chúng tôi hôm nay có một nhà doanh nghiệp trẻ. Chúng tôi cũng không quan niệm mời một nhà doanh nghiệp thật là lớn, một đại gia nào đó, mà chúng tôi nghĩ đã là doanh nhân thì đều có những nỗi khổ, nỗi vất vả và thậm chí phải thờ chữ "Nhẫn" như anh Lê Lựu nói, chúng tôi mời anh Trường An một nhà doanh nghiệp trẻ đã có nhiều đột phá sáng tạo và bước đầu đã có những thành công nhất định. Chúng tôi xin hỏi anh Trường An hiện đang có mặt tại VietNamNet thành phố Hồ Chí Minh một câu như sau: Anh có cảm xúc gì về ngày doanh nhân Việt Nam 13.10 này? là một doanh nhân?
Nhà doanh nghiệp Trường An. |
Nhà doanh nghiệp Trường An: Ngày 13,10 là ngày doanh nhân đầu tiên của Việt Nam và chúng tôi có cảm tưởng được giải phóng một cái tinh thần từ trước đến giờ, chúng tôi làm, chúng tôi suy nghĩ ,chúng tôi trăn trở từ tất cả các công việc, từ khâu ý tưởng của chúng tôi cho đến công việc làm của chúng tôi.thì việc quan trọng nhất là cái tinh thần được nhà nước, xã hội công nhận. đây là ngày doanh nhân, một đối tượng doanh nhân VN tôi nghĩ đây là điều kiện để cho DN tự tin hơn, có hành động tốt hơn, suy nghĩ tốt hơn, chào mừng ngày doanh nhân Việt Nam Đây là bước khẳng định của tất cả doanh nhân VN sẽ tạo được sự liện kết với nhau và sức mạnh, hình ảnh của doanh nhân mới trong xây dựng đất nước. Đó là ý nghĩa tôi nghĩ là đối với ngày doanh nhân Việt Nam. Một vấn đề nữa là nhà văn Lê Lựu và nhà sử học Dương Trung Quốc đã đặt vấn đề là: Nhà văn Lê Lựu có thể viết được trong giới anh em chúng tôi có rất nhiều câu chuyện hấp dẫn mà không cần hư cấu mà những cuốn sách bán rất chạy tạo ra sự hấp dẫn về thông tin. Nhà sử học Dương Trung Quốc nói chúng tôi cần làm lịch sử về các doanh nhân Việt Nam hoặc cần 1 viện bảo tàng giới thiệu về thương hiệu Việt Nam từ khi thành lập đến giờ... Đó là những ý nghĩa mà giới doanh nhân chúng tôi rất mong các nhà sử học, nhà văn có tác phẩm hoặc những ý tưởng để tạo ra một hình ảnh doanh nhân mới, một hình ảnh mà tôi nghĩ là trong thời gian qua rất là âm thầm để tạo được chỗ đứng, âm thầm để phát triển kinh tế đất nước, bây giờ mới được nhà nước công nhận. Đó là một số ý kiến cuả tôi.
TBT Nguyễn Anh Tuấn: - Nhân đây tôi cũng muốn chia xẻ với anh những nỗi trăn trở của một doanh nghiệp, chúng tôi thấy rằng nếu đứng ở ngoài cuộc thì người ta chỉ thấy doanh nhân là những ông có tiền rủng rỉnh và người ta nghi ngờ ngay. Thậm chí ở thời buổi này vẫn có người phán rằng: Thằng này lấy ở đâu ra mà lắm tiền thế? họ cứ nghĩ kiếm tiền là một điều gì đó tội lỗi, là lừa đảo của thiên hạ. Chúng tôi thấy rằng cũng có một vài doanh nghiệp mang tính chụp giựt, làm ăn phi pháp nhưng có rất nhiều doanh nghiệp không phải như vậy. Thậm chí tôi không hiểu điều gì đã thúc đẩy các doanh nhân phải lao tâm khổ tứ để làm giàu. Tôi thấy có nhiều doanh nhân cũng đã đủ tiền lắm rồi, cơ ngơi lớn lắm rồi, có thể đời con họ cũng không phải lo nữa thế nhưng tại sao họ cứ phải trăn trở làm nữa? Thế có phải là tham quá không, anh Trường An? Làm như thế có quá nhiều không? Tôi thấy cán bộ nhiều người bảo nhau chỉ làm đủ sống thôi, nhưng đối với doanh nhân thì cơ ngơi đồ sộ, của cải đến đời con đời cháu cũng chưa hết thế thì cần gì phải làm nữa? Tôi muốn hỏi niềm đam mê theo đuổi công việc của các anh là cái gì? Trong khi đó các anh có thể bỏ công việc để đi chơi mà vẫn sống thoải mái?
Nhà doanh nghiệp Trường An: - Vấn đề anh Tuấn đặt ra cũng là một khía cạnh rất đáng quan tâm của người doanh nhân. Tôi nghĩ là tất cả doanh nhân đều có ''máu kinh doanh'', có sự say sưa, đam mê giống như những văn nghệ sỹ vậy. Tôi nghĩ là những doanh nhân chân chính luôn có những ý tưởng mới. Người ta say sưa thể hiện ý tưởng đó và người ta muốn xã hội công nhận họ cũng có ý tưởng và khả năng biến ý tưởng đó thành hiện thực. Đấy là niềm say mê chứ không đơn giản chỉ vì tiền. Mặt khác, tôi nghĩ rằng thành công của một doanh nhân có một quá trình rất dài nhưng khi người ta nhìn thấy những thứ như xe cộ, nhà cửa nhiều...thì người ta chỉ thấy được vẻ hào nhoáng của sự giàu có của doanh nhân chứ người ta không để ý tới những ý tưởng, những trăn trở của doanh nhân. Mỗi doanh nhân đều có những ý tưởng riêng, niềm đam mê riêng, quan trọng là phải có văn hóa kinh doanh. Tôi nghĩ đây là điều mà tất cả chúng ta cũng phải trăn trở.
Nhà sử học Dương Trung Quốc: - Tôi thấy chúng ta hơi lẫn lộn giữa giàu có và doanh nhân. Giàu có là mục đích của toàn xã hội. Làm quan hay làm khoa học cũng để làm giàu cả thôi. Anh Lựu có lẽ nói cho vui thôi chứ rất nhiều văn nghệ sĩ giàu có. Nếu làm văn nghệ mà giàu có bằng tài năng, là thành quả của xã hội và đó là chuyện bình thường. Người làm doanh nhân cũng làm giàu, bản thân mục đích giống nhau nhưng phương thức khác nhau. Đó là cái nghiệp khác nhau mà họ dấn thân mà thôi.
Nhân chuyện chúng ta hay nói với nhau về tiêu cực của doanh nhân đúng là có sự phản ánh hơi thiện lệch là do quan niệm xã hội thôi. Tôi hỏi bà Trịnh Văn Bô tại sao cụ Hồ lại về nhà giàu, nhà buôn? Bà nói: Ô kìa, nhà buôn cũng là doanh nhân, vẻ vang lắm chứ, nhà buôn chúng tôi chẳng kém gì nhà văn nhà báo các anh cả. Các anh có ''bọn nhà sử'', nhà văn thì chúng tôi cũng có bọn nhà buôn, những người làm rạng danh cho nghề.
Cho nên tôi nghĩ nên có cái nhìn bình đẳng đi. Đôi khi tôi thấy tâm lý người VN có sự đố kị nặng lắm, thấy người ta giàu thì đố kị, khi chưa thấy nguồn gốc làm giàu thì cái làm giàu bất chính là dễ hư cấu nhất. Tôi cho đó là tật của chung chúng ta cả thôi trong cách nhìn nhận về đời sống.
Nhà văn Lê Lựu: Tôi đồng ý với anh Dương Trung Quốc. Người Việt Nam chúng ta có tật thế này: Khi nghèo sẵn sàng ôm lấy nhau, khóc lóc, thương yêu nhau, sẵn sàng chia sẻ cho nhau nhưng khi giàu là không bằng lòng với nhau, đây là tâm lý phổ biến. Với tư cách là một nhà văn tôi cho rằng, đúng, đã là khát vọng thì không bao giờ cùng, có điều khát vọng làm giàu cho bản thân mình, cho đất nước giàu, cho mọi người cùng giàu thì khát vọng này thì bao nhiêu cũng không đủ. Nhưng nếu có tham vọng chỉ muốn mình giàu thôi, còn cho người khác lụi bại đi, kẻ khác sẽ bị lụi bại dưới chân mình thì khát vọng này buộc phải lên án. Như anh Tuấn nói có người đã giàu rồi lại muốn giàu hơn như những nhà văn, có nhà sử học có khát vọng bao giờ cũng muốn đến tận cùng điều anh mong ước. Tuy nhiên vấn đề là khát vọng đó đúng hay sai, ta phải lấy cái gì làm chuẩn mực, tức là vì người khác vì xã hội là chuẩn mực. Nếu anh khát vọng cho xã hội, cho mọi người thì dù anh chết đi anh cũng sẽ được mọi người tôn vinh. Nếu anh chỉ khát vọng cho anh thì dù anh có tỷ tỷ đô la mà kẻ khác đói khát dưới chân anh thì khi anh chết đi anh sẽ nằm dưới chân của muôn triệu người đói khổ ấy.
TBT Nguyễn Anh Tuấn: - Tôi cũng xin chia sẻ với các anh một ý kiến nhỏ: Đúng là thời đại ngày nay không nhất thiết cứ phải là doanh nhân mới với giàu có. Doanh nhân cũng có những lúc phá sản, phải cầm cố tài sản chứ không phải lúc nào cũng giàu có.Nhận thức trong xã hội hay bị những hình tượng, định kiến làm vấn đề bị loá đi. Tôi cũng thấy như anh Lê Lựu đã nói, nói có những ca sỹ, nhà văn hoặc như chính anh Lê Lựu, tôi đảm bảo là rất giầu. Nếu đi diễn một đêm cat sê lên tới 40 triệu đồng thì một ông doanh nhân chắc là phải làm mửa mật! Nhất là những doanh nghiệp mới thành lập, những doanh nhân mới lập nghiệp thì cũng phải lặn lội, bươn chải để kiếm từng đồng một chứ không đơn giản. Nhưng đúng là doanh nhân dễ có điều kiện khá giả hơn và được làm chủ mình hơn. Như Bill Gates với tài sản lớn nhất thế giới hiện nay vẫn giữ quyết tâm nuôi ý chí phát triển và giữ vững Microsoft là tập đoàn hàng đầu trên thế giới về công nghệ thông tin. Như vậy, B.Gates không chỉ làm giàu cho ông ấy mà còn là lý tưởng, hoài bão riêng của ông ấy nữa. Có một bạn đọc nữ hỏi anh Dương Trung Quốc: ''Xin ông khái quát một số nét về đạo đức truyền nghề trong kinh doanh mà các nhà buôn xưa kia truyền nghề cho con cái họ. Ông có liên hệ gì với cách thức đào tạo trong trường kinh tế hiện nay. Xin ông cho vài lời tư vấn cho những người đang học và đang giảng dạy trong các khoa ''Quản trị KD'' của các trường kinh tế hiện nay?''.
Nhà sử học Dương Trung Quốc: - Nghề kinh doanh là một nghề và nó phải phù hợp với thương trường mà nó đang hoạt động. Giờ đây chúng ta đang hoạt động và việc học nghề kinh doanh là rất quan trọng. Tính cẩn trọng và tính thống nhất rất cao trong quy luật thị trường, tính cá biệt ở đây là không đáng kể. Luật chơi trên thương trường càng ngày càng bình đẳng. Nói về chuyện học hành, tôi cho rằng các bạn cần nhanh chóng hội nhập và tiếp cận với trình độ cao nhất, với đối thủ cao nhất của mình. Vấn đề chúng ta biết tìm đường mà đi trong khi môi trường kinh doanh ngày càng bình đẳng, nhất là khi chúng ta gia nhập WTO. Khi chơi sân chơi chung chúng ta phải biết cách tìm đường đi, các nước nhỏ đánh nước lớn, nước yếu đánh nước mạnh. Các nước làm kinh doanh cũng khác nhau, có cả những bí truyền riêng. Tuy nhiên điều quan trọng là làm giàu phải có đạo, phải xây dựng đạo làm giàu. Tôi rất chú ý tới cụ Lương Văn Can - ngọn cờ phong trào Duy Tân đầu thế kỷ 20, nhà giáo nổi tiếng. ông là người sớm đề cập tới vấn đề liên quan đến buôn bán. Ông đã nghĩ nước nghèo thì hèn, muôn đời làm nô lệ. Muốn giàu cần học buôn học bán. Có những ông quan hồi đó bỏ công đường đi buôn bán. Ông có viết những cuốn sách mà đọc lại rất thấm thía. Ông đã dạy người ta làm giàu như sau: Làm giàu quan trọng nhất là phải biết ứng xử đầu tiên với của cải của mình ra sao. Của cải là sự sống còn của con người nên khi dùng của cải phải biết chi tiêu, phải có đạo, phải xem nguồn gốc nó có trong sáng không. Tuy nhiên khi chi tiêu cũng phải có đạo, tính toán cân nhắc việc trước sau cho hợp lý. Kinh doanh cần phải hiểu, phải nghĩ. Bí quyết thành công với nhà kinh doanh phải trung thực nghĩa là nguồn lợi thu về phải theo lẽ tự nhiên. Đừng vì lợi mà làm điều xằng bậy. Xét kỹ ra người ta giàu nghèo là ở tâm đức, lòng ngay thẳng, đây cũng là phép thuật kinh doanh vậy.
Cụ viết rất nhiều những lời răn khi con người bước vào thương trường sôi động nhưng đầy cạm bẫy. Tôi nghĩ những người trẻ khi bước vào thương trường nên nghĩ được làm giàu phải có đạo. Và đạo lớn hơn chính là nguyên lý dân giàu thì nước mới mạnh.
TBT Nguyễn Anh Tuấn: - Có một câu hỏi dành cho anh Trường An, với tư cách là một doanh nhân anh thấy môi trường kinh doanh của anh có thuận lợi không, anh đã thấy nó dễ dàng cho các hoạt động của công ty anh chưa?
Nhà Doanh nghiệp Trường An: - Tôi cho rằng môi trường kinh doanh Việt Nam hiện nay khá tốt, tạo thuận lợi cho doanh nhân có nhiều ý tưởng. Tuy nhiên có điều quan hệ doanh nhân với doanh nhân vẫn chưa thực sự chuyên nghiệp, cộng đồng doanh nhân mới hình thành, việc xử lý mối quan hệ với nhau cần có thời gian để doanh nhân hội nhập, hoạt động chuyên nghiệp hơn. Điều thứ hai là môi trường kinh doanh hiện nay của Việt Nam tạo ra hướng mở rất tốt, doanh nhân nào có tư duy tốt, điều kiện tốt thì sẽ xây dựng được điều kiện kinh doanh tốt. Tuy nhiên áp lực hội nhập, sự chênh lệch về trình độ giữa doanh nhân Việt Nam và quốc tế rất cao. Chúng ta mới loanh quanh trong sân nhà, còn thương hiệu quốc tế như các bạn đã biết: Nhật Bản có Sony, Honda... chúng ta chưa có!. Tôi cho rằng môi trường tạo ra các doanh nhân, môi trường càng tốt bao nhiêu sẽ có các doanh nhân lớn. Đảng và Nhà nước cần có những chính sách, điều kiện tốt hơn cho doanh nhân, nơi đó sẽ có những doanh nhân mang tầm cỡ quốc tế, tầm cỡ khu vực. Chúng ta cần có môi trường thuận lợi ngay từ bây giờ.
TBT Nguyễn Anh Tuấn: Tôi muốn hỏi anh chi tiết hơn nữa, anh đã nêu ra cần phải có những điều kiện thuận lợi, môi trường tốt hơn cho doanh nhân...theo anh vấn đề bức xúc nhất đối với doanh nhân là gì? Anh cảm thấy điều gì không thuận lợi nhất, khó khăn nhất cho công việc của anh?
Nhà doanh nghiệp Trường An: Như tôi đã nói, vấn đề đầu tiên là tư tưởng của các nhà quản lý hoặc các cơ quan hành chính. Từ trước tới giờ họ xem các doanh nhân như là kẻ gây áp lực khi giải quyết các vấn đề như hải quan, thuế...Vấn đề của tôi là tinh thần. Hôm nay chúng ta đã có Ngày Doanh nhân Việt Nam, nghĩa là chúng tôi đã được giải phóng về mặt tinh thần. Đảng và Nhà nước đều hiểu doanh nhân Việt Nam là những người làm cho kinh tế phát triển, là những chiến sĩ thời bình. Chúng tôi đề nghị nên có những chính sách hỗ trợ doanh nhân. Những cái tốt đã có rất nhiều người nói nhưng những tai nạn trong cuộc đời kinh doanh, trong trình đi tìm kiếm những ước mơ của doanh nhân họ gặp rất nhiều tai nạn, những lúc như thế doanh nhân rất cần Nhà nước hỗ trợ, nâng đỡ.
TBT Nguyễn Anh Tuấn: - Tôi có một câu hỏi vui xuất phát từ thực tế là có rất nhiều người mà dư luận khen cũng có mà dè bửu cũng có là chuyện giám đốc làm thơ. Như anh Lê Lựu đã nói, các doanh nhân phải lo các con số, họ sống khô khan hơn các văn nghệ sĩ, các giới khác nhưng tôi thấy xuất hiện ngày càng nhiều những giám đốc có những tập thơ. Những tập thơ này khi ra đời thì xã hội có 2 luồng ý kiến khác nhau. Có người khen, thậm chí có những nhà thơ lớn viết lời đề tặng, viết bài khen ngợi những tập thơ đó, những người khác lại bài bác cho rằng đấy chẳng qua là do có tiền bạc nên in thơ để tự lăng xê mình lên. Trước hiện tượng này, các anh có ý kiến gì? Đặc biệt là anh Trường An, anh có làm thơ không đấy?
Nhà doanh nghiệp Trường An: - Tôi không làm thơ nhưng ý kiến của tôi cũng giản dị thôi: Trong cuộc sông có rất nhiều áp lực, áp lực từ công việc, áp lực từ gia đình v.v... Điều quan trọng nhất là doanh nhân phải tìm được sự cân bằng trong cuộc sống. Tôi nghĩ cũng nên chia xẻ với những người nào có thể làm được những bài thơ để giải toả căng thẳng và tìm thấy sự cân bằng. Không biết anh Lê Lựu và anh Dương Trung Quốc có ý kiến gì không?
Nhà văn Lê Lựu: - Làm thơ là đòi hỏi bức thiết của con người. Có người chả hiểu được chữ nào nhưng khi yêu cũng làm thơ! Thơ bật ra từ trái tim họ chứ không phải bật ra từ kỹ thuật. Các nhà doanh nghiệp cũng giống con người, khi yêu khi cảm xúc cũng làm thơ. Tuy nhiên các nhà doanh nghiệp cũng làm thơ để xả hơi, để bớt căng thẳng hoặc có khi muốn chứng minh mình đã giỏi kinh doanh, có tiền rồi, giàu rồi thì cũng muốn chơi sang! Thơ văn vô hình nhưng cũng tạo nên cái sang của con người. Nhà doanh nghiệp làm thơ cũng là đòi hỏi của chính mình và thoả mãn khát vọng cá nhân.
Tuy nhiên cũng có người khen thật lòng nếu thơ hay thật. Tôi biết có nhiều nhà doanh nghiệp chẳng làm thơ bao giờ nhưng lại có một bài thơ rất hay, cũng có những người khen động viên thôi nhưng động viên hơi quá nên anh ta cứ tuởng đã thành một nhà thơ đích thực!
TBT Nguyễn Anh Tuấn: - Tôi cũng đồng ý rằng nhà doanh nghiệp cũng là con người, họ cũng có những giây phút lãng mạn. Không biết anh Dương Trung Quốc nghĩ sao?
Nhà sử học Dương Trung Quốc: - Đó là nhu cầu của con người. Tuy nhiên chắc các bạn muốn nói với việc ứng xử với những tập thơ mà các nhà doanh nghiệp tự in ra. Về cái riêng tư mà trở thành cái chung. Nếu là sự phô trương thì cũng không tránh khỏi khó chịu. Tuy nhiên xã hội nên bớt quan tâm đến chuyện đó đi, để cho con người được tự do. Tuy nhiên nếu những tập thơ đó làm phong phú cuộc sống thì là chuyện bình thường. Nhà xuất bản cũng có khâu kiểm duyệt rồi. Nói cho cùng, khen chê nhiều khi cũng do tính đố kỵ của người Việt Nam mình thôi.
TBT Nguyễn Anh Tuấn: - Cũng là doanh nghiệp doanh nhân nhưng có ý kiến của bạn đọc là doanh nghiệp tư nhân có vẻ bị chèn ép hơn và bị gọi là tư thương còn doanh nhân nhà nước được gọi là quan chức. Tôi thấy về vấn đề này xã hội chúng ta cũng chưa có sự rành mạch rõ ràng, không biết ý kiến các anh thế nào nhưng tôi cho rằng chúng ta cần có sự sòng phẳng thống nhất chỉ có một loại doanh nhân làm cho doanh nghiệp nhà nước hay doanh nghiệp tư nhân hay bóng bảy hơn là doanh nghiệp dân doanh đều vinh quang và đều gắn trách nhiệm nặng nề. Chứ tôi cảm giác mọi người nhìn vào nhìn doanh nghiệp nhà nước như cái gì đó xấu xa, hay nhìn thấy doanh nhân doanh nghiệp nhà nước là xấu Tôi không biết các anh nghĩ thế nào về chuyện này, những người làm doanh nghiệp nhà nước và tư nhân, trách nhiệm và đánh giá của xã hội, tâm lý, cái nhìn như thế nào?
Nhà văn Lê Lựu: - Tôi thấy tất cả những cái đó đều do quan niệm, quan niệm thế nào thì suy diễn ra như thế ấy. Thời chúng ta sống trong bao cấp, nhà nước lo cho chúng ta tất cả, anh nào làm tư nhân, anh ấy là phản động, là tự tách ra khỏi cuộc sống cộng đồng. Bây giờ là xoá bao cấp, là thời của những người có tài năng thực sự. Nhưng việc làm bao giờ cũng đi trước tư duy từ 5 đến 10 năm. Việc làm diễn ra rồi nhưng có khi dăm mười năm sau mới thay đổi được tư duy cũ. Những quan niệm như tư nhân là lừa lọc, kém cỏi, lậu thuế...cũng phải từ từ mới có thể thay đổi được. Tôi lại nhắc lại là phải thờ chữ nhẫn, có khi dăm ba năm sau mới thay đổi được quan niệm này. Trên thực tế những doanh nghiệp tư nhân đã có được sự năng động, sự sáng tạo nhưng để làm thay đổi toàn bộ quan niệm của xã hội thì phải bình tĩnh, các nhà doanh nghiệp tư nhân cứ làm giàu cho xã hội đi, làm ra của cải đi và rồi quan niệm sẽ thay đổi.
Nhà sử học Dương Trung Quốc: - Theo tôi thì doanh nhân là con người, nhà nước hay doanh nghiệp là cơ chế. Cơ chế nào thì có quan niệm như thế. Rõ ràng ngày nay vai trò con người ngày càng quan trọng. Là chủ một doanh nghiệp nhà nước hay tư nhân rồi cũng sẽ đi đến chỗ bằng nhau thôi, chỉ có chính sách nhà nước có thể nói chưa theo kịp với đời sống. Chúng tôi đã thấy xu hướng hình thành một sân chơi bình đẳng và ở đó không có sự phân biệt nhà nước hay tư nhân. Người trong cỗ máy vận hành làm giàu cho nhà nước đòi hỏi phải có tư chất năng lực cụ thể. Năng lực ấy cũng như người ta lái một chiếc ôtô hay một chiếc tàu thuỷ, khác nhau về phương tiện nhưng đều có một mục đích chung và doanh nghiệp nhà nước hay tư nhân cũng như vậy. Rõ ràng nhà nước đang ngày càng quan tâm đến việc phải củng cố DN nhà nước. Đương nhiên thành phần kinh tế nhà nước cực kỳ quan trọng nó như xương sống nhưng ngày càng quan tâm đến khu vực tư nhân và cả doanh nghiệp vừa và nhỏ làm sao cho thương trường của chúng ta trở nên phong phú, huy động mọi tiềm lực của đất nước. Tuy nhiên đất nước ấy cũng cần phải có sự điều chỉnh chứ không sẽ dẫn đến sự cạnh tranh hỗn loạn. Chúng tôi vẫn nghĩ vai trò định hướng của nhà nước vô cùng quan trọng, và trong định hướng ấy chúng ta quên mất một vấn đề cực kỳ quan trọng là lợi ích: Tất cả vấn đề của đời sống hiện nay đều liên quan đến vấn đề lợi ích. Có thời kỳ ta nói đến hai lợi ích, ba lợi ích nhưng suy cho cùng nó là thực tế. Sáng nay tôi có dự buổi hội thảo của VCCI (Phòng Thương mại và Công nghiệpViệt Nam). Rất nhiều vị quan chức, Bí thư tỉnh uỷ và Thứ trưởng...đã phát biểu rất hay. Về nhận thức có thể nói chúng ta đi rất nhanh nhưng nhận thức đó đi kèm với con người và toàn bộ hành vi của con người hành động vì lợi ích thì chưa theo kịp. Một anh làm công tác thuế quan hay làm thường trực ngoài cửa cơ quan thôi cũng nằm trong bộ máy vận hành chung và mỗi người đều có lợi ích riêng của mình. Nếu chính sách xã hội ta làm đúng sẽ làm cho cả bộ máy ấy vận hành tốt, lành mạnh, mọi người đều thấy lợi ích của mình trong bộ máy ấy.
Trong cả sự phát triển có chính lợi ích của mình còn nếu không người ta sẽ tạo ra các hàng rào đòi tiền mãi lộ vì lợi ích cho chính họ và họ cho đấy là công bằng. Tôi cho rằng đây là một vấn đề xã hội cực kỳ phức tạp và kinh tế chỉ phát triển trong tổng hoà tất cả quan hệ của xã hội. Tuy nhiên nói là như vậy nhưng phải có chính thực tiễn sắp xếp lại. Tôi cho rằng bước đi mà chúng ta đang chứng kiến chính là quá trình ấy. Chúng ta đang vận hành bộ máy, bộ máy kinh tế mà chúng ta chưa có bề dày. Xuất phát điểm của chúng ta thấp mà đã phải nhanh chóng hội nhập và đây chính là thách đố lớn mà chúng ta cần giải quyết. Nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam, chúng ta tôn vinh, phải nói là đúng nhưng chúng ta cũng phải nói đến những hạn chế của doanh nhân Việt Nam. Có những hạn chế là vấn đề hiện tại và cũng có những hạn chế ăn sâu vào tập quán và tính truyền thống. Tôi nhắc lại một điều mà phân tích của cụ Lương Văn Can cách đây gần một thế kỷ về những hạn chế của doanh nhân Việt Nam, cụ khái quát thành 10 điều để chúng ta cùng suy nghĩ. Cụ cho rằng có 10 nguyên nhân khiến các doanh nghiệp Việt Nam không phát triển được: 1 là không có thương hiệu; 2 là không có thương phẩm; 3 là không có tín thực; 4 là không kiên tâm; 5 là thiếu nhân lực; 6 là không có trọng nghề; 7 là không có thương học; 8 là kém đường giao thiệp; 9 là không biết tiết kiệm; 10 là khinh hàng nội hoá. Gần một thế kỷ trôi qua, giới doanh nhân của chúng ta đã trưởng thành rất nhiều nhưng nếu soi vào tấm gương này thì chúng ta vẫn thấy phảng phất những căn bệnh này. Thế nên mới có chuyện chàng doanh nhân mới giàu có đã tìm xe xịn nhất mà đi, làm nhà to không cần thiết trong khi những người rất giàu, những đại gia lớn có tên tuổi trên thế giới đều rất cần kiệm. Đó chính là nhược điểm của chúng ta. Hay những yếu tố khác như thiếu nghị lực, thiếu đoàn kết với nhau, thiếu chữ tín thì phải nói rải rác rất nhiều trong tầng lớp doanh nhân. Khi tôn vinh doanh nhân chúng ta phải nói bên cạnh doanh nhân, nhà buôn vẫn còn nhiều con buôn lắm. Chúng ta nghiêm khắc nhìn lại như vậy mới có thể khá lên được.
TBT Nguyễn Anh Tuấn : - Trở lại với vấn đề môi trường kinh doanh của chúng ta.Tôi nghĩ tôn vinh doanh nhân, doanh nghiệp có nghĩa là làm thế nào để chúng ta có được nhiều doanh nghiệp lớn, tập đoàn lớn không chỉ của Nhà nước mà có thể của các doanh nghiệp dân doanh hùng cứ ở nước ngoài, có thể sánh vai với các tập đoàn lơn như Sony; LG ... Muốn thế có lẽ là phải có môi trường thực sự tốt cho doanh nhân phát huy cao nhất khả năng của mình. Tuy nhiên, thực tế những năm qua, tôi thấy đa phần các doanh nhân làm lớn là chết, trong giới các doanh nghiệp họ bảo nhau đừng có làm to quá, to quá là chết như không! Điều này có phản ánh một hệ quả nào đó hay một thực tế nào đó không? Tôi muốn hỏi cả ba vị khách mời và đầu tiên xin mời nhà doanh nghiệp Trường An..
Nhà doanh nghiệp Trường An: Tôi nghĩ đó là tâm lý của tất cả các doanh nhân khi xã hội chưa tạo điều kiện. Nhưng càng ngày, sự mở cửa và sự hội nhập của đất nước tâm lý ấy đã giảm bớt. Doanh nhân cũng là một nghề, là những người sống và trăn trở với nghề chứ không chỉ chăm chăm kiếm tiền. Doanh nhân thất bại hay thành công cũng là chuyện bình thường.
Chính phủ hay các cơ quan quản lý Nhà nước phải có tư duy khác đi chứ không thể coi doanh nhân lúc nào cũng là lừa đảo, tạo tâm lý bất ổn cho doanh nhân. Tôi nghĩ vấn đề quan trọng nhất là tư duy của các cơ quan hành chính phải suy nghĩ khác.
TBT Nguyễn Anh Tuấn: - Tôi thấy vẫn có một điểm nào đó chưa được giải quyết vì những sự thay đổi chỉ về tư tưởng liệu đã đủ để tạo ra những tập đoàn lớn của kinh tế dân doanh, xin hỏi ông Dương Trung Quốc và Lê Lựu?
Nhà sử học Dương Trung Quốc: - Tôi không phải là nhà kinh tế nhưng hệ thống pháp luật đang hướng tới sự cởi mở, hội nhập với thế giới. Hội nhập buộc chúng ta phải có những tiêu chí chung phù hợp với thế giới.
Tôi thấy, ở Việt Nam hiện nay, chúng ta mới chỉ quan tâm đến môi trường đầu tư cho người nước ngoài mà ít bàn về môi trường đầu tư cho người Việt Nam mặc dù môi trường cho cho người nước ngoài cũng rất quan trọng. Theo tôi, có 2 nghề gặp nhiều rủi ro nhất là làm chính trị và đi buôn. Trong rủi ro của kinh doanh có nhiều yếu tố mà chúng ta không thể định đoạt ngay lập tức mà có khi phải mất vài chục năm để nhìn nhận.
Cho nên, một trong những việc phải phấn đấu là không những không hình sự hoá các vụ án kinh tế mà phải bỏ án tử hình với các vụ án kinh tế để chúng ta có khoảng lùi thời gian để nhìn nhận chính xác về các hiện tượng kinh tế. Nhà nước phải có chính sách cụ thể để nâng đỡ vì trong kinh tế không thể không nói đến phiêu lưu. Khuynh gia bại sản là việc bình thường của doanh nhân nên mặc dù phải nâng cao hiệu quả pháp luật nhưng cũng phải hỗ trợ để giảm thiểu rủi ro cho họ.
Nhà văn Lê Lựu: - Tôi thấy là các doanh nhân VN sống trong may rủi rất lớn. Có 3 lý do: Thứ nhất, chúng ta chưa có thói quen của người kinh doanh, cái đó học được. Nhưng cái lớn nhất là môi trường, các chính sách luật lệ không ổn định làm các DN luôn luôn phải chạy theo. Nay bảo là "xanh" thì phải chạy theo "xanh", mai bảo là "đỏ" thì phải chạy theo "đỏ", không kịp hay chạy trước đều bị rủi ro. Cho nên, các nhà DN vừa làm vừa run. Ngoài ra, trình độ của DN hiện nay còn thấp. Có những người có trí tuệ nhưng không có văn hoá, không có đạo làm giàu nên trí tuệ lại trở thành sự ngông cuồng, ích kỷ, có khi là sự độc ác, cạnh tranh không lành mạnh.
TBT Nguyễn Anh Tuấn: - Chúng ta nói hình tượng doanh nhân VN từ trước tới nay đa phần là xấu. Nhưng mệnh đề này hoàn toàn có thể đảo ngược, vậy các anh có thể cho biết có tác phẩm nào viết về doanh nhân và hình tượng doanh nhân được hiện lên một cách đáng kính trọng hay không?
Nhà văn Lê Lựu: - Có những tác phẩm ca ngợi doanh nhân mà là những doanh nhân có tài thực sự. Tuy nhiên mấy hôm sau lại bảo ông doanh nhân ấy vừa đi tù ra! Thế có nghĩa là do quy định tiêu chí của mình không ổn định. Hôm nay ca ngợi nay mai bảo ông đi tù. Nếu để chúng ta khẳng định những tài năng của doanh nhân thì cũng phải xác định rõ những chuẩn mực chính xác và có tính lâu dài, ổn định. Nếu không làm được như vậy thì những tác phẩm của chúng ta in chưa xong đã bị thu hồi vì những nhân vật chính của chúng ta vừa ca ngợi đã phạm luật.
Tôi thấy rằng cần có những tác phẩm ổn định và ca ngợi đích thực những doanh nhân nhưng muốn có những tác phẩm như vậy thì tất cả đều phải ổn định và các doanh nhân phải được khảng định trước đó thì nhà văn mới không bị người ta bảo: ''Thằng này chẳng hiểu gì cả, viết bố láo bố lếu, thằng tù nhân thì lại ca ngợi''. Nhưng lỗi đó có phải do chúng tôi đâu?
TBT Nguyễn Anh Tuấn: - Những giá trị tinh thần và vật chất có được đặt ngang nhau không? Những giá trị tinh thần hay những tác phẩm nghệ thuật, những điều uyên bác cần được đưa vào giảng dạy, vậy những giá trị vật chất có nên được xem là những điều uyên bác và cần đưa vào giảng dạy như những giá trị tinh thần hay không?
Nhà sử học Dương Trung Quốc: - Câu hỏi nặng tính triết học quá. Người ta có câu: "Có thực mới vực được đạo", chúng ta không còn viển vông nữa mà nhìn vào những mục tiêu hết sức cụ thể. Một xã hội dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh là một mục tiêu hết sức cụ thể để ta phấn đấu. Như vậy, tôi nghĩ rằng giá trị tinh thần hay vật chất đều có giá trị như nhau trong đời sống. và phải đạt được cả hai cái đó. Thực ra hai yếu tố này không hề tách rời nhau. Có lần, một bạn trẻ hỏi tôi: Kiếm được tiền là tài năng, biết tiêu tiền là văn hoá?. Đặt ra những câu hỏi như vậy để chúng ta hiểu thêm là trong cuộc sống đừng tách bạch hai giá trị tinh thần và vật chất ra mà phải là cuộc sống biện chứng. Tôi trở lại với vấn đề mà anh Lê Lựu nói vừa nãy về tác phẩm văn học viết ra gặp rủi ro, nhưng theo tôi rủi ro cũng ít thôi, đang viết thế này lại thành thế khác nhưng theo tôi quan trọng là chính người cầm bút phải nhìn được cái chân thực của cuộc sống. Có thể người ta vào tù mà anh vẫn dám nói đó là anh hùng thế mới tài, nếu vào tù mà không phải là anh hùng nữa thì chỉ là theo tiêu chí đời thường. Khi viết chúng ta phải có một cái nhìn, chúng ta đòi hỏi doanh nhân thế nào thì cũng phải tự đòi hỏi ta như thế. Tôi còn nhớ vở kịch gây ấn tượng rất sâu sắc một thời là vở "Quẫn". Vở kịch nói về tầng lớp tư sản Hà Nội, hạ thấp họ theo quan niệm đấu tranh giai cấp lúc đó, viết về chính người thân của mình nhưng mấy chục năm sau nhìn lại thì lại thấy rất hài ước. Tôi cho rằng đừng để lịch sử lặp lại vấn đề đó, bi kịch mà trở thành hài kịch. Ta phải tỉnh táo mà vươn tới không lại phải đi con đường vòng, phải trả giá mà giá thời gian thì cực kỳ tốn kém, cơ hội là cực kỳ khó tìm lại trong đời sống kinh tế. Chính vì thế giờ đây nhà nước đã nhìn nhận đúng đắn. Tôi cho rằng nhà nào cũng phải tự theo kịp nhận thức của nhà chính trị, không nên chạy theo khi khen khi chê, như vậy chúng ta không thể đóng hết vai trò của mình trong lịch sử.
Nhà văn Lê Lựu: Tôi nghĩ rằng giá trị về vật chất do các nhà DN làm ra so với giá trị tinh thần của các tác phẩm văn học chưa chắc cái nào đã hơn cái nào. Tôi lấy ví dụ như pin của Vonte sẽ được người ta nhớ nhiều hơn đến tác phẩm viết về cái pin đó; hoặc là cái máy hơi nước chẳng hạn, hay là cái computer sẽ được người ta nhớ đến hơn là tác phẩm văn học viết về nó. Cho nên, giá trị tinh thần với giá trị vật chất có khi chưa chắc anh nào đã hơn anh nào, vấn đề là anh nào đưa vào đời sống, đem lại giá trị vĩnh cửu cho cuộc sống thì anh đó tồn tại vĩnh cửu theo giá trị đó, chứ không nhất thiết là tác phẩm văn học hay người lao động làm ra giá trị vật chất đó.
TBT Nguyễn Anh Tuấn: - Thời gian không nhiều, câu hỏi còn nhiều nhưng qua buổi hôm nay có thể thấy chúng ta rất trân trọng những gì Đảng và Chính phủ đã tạo điều kiện cho doanh nhân, trân trọng doanh nhân. Chúng tôi tin rằng trong tương lai chúng ta sẽ được tiếp tục tôn vinh những doanh nhân thành đạt. Những ''vị tướng'' của chúng ta sẽ đủ sức đương đầu với những tập đoàn kinh tế lớn của nước ngoài và những chiến thuyền của chúng ta sẽ ra thế giới chiến đấu ở những chiến trường khác. Một thương hiệu của chúng ta ngày nào đó có thể được biết đến lừng lẫy ở một nước khác. Chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng khi nhận thức xã hội thay đổi tiến bộ. Hôm nay có lẽ mới là ngày khởi đầu, một dấu son đánh giá sự nỗ lựccủa chúng ta trong việc tạo một môi trường kinh doanh thật tốt, nuôi được những doanh nghiệp lớn của chúng ta trong tương lai.
-
VietNamNet.