(VietNamNet) - Từ 2004 trở đi, trong danh sách các sự kiện và lịch lễ tân quốc nội, hằng năm sẽ có thêm Ngày Doanh nhân. Có lẽ do đây là lần đầu tiên, nên ngày 13/10 năm nay đến có vẻ lặng lẽ hơn những ‘Ngày’ khác. Tuy nhiên, cái lặng lẽ bên ngoài ấy lại đã gói trong lòng nhiều người một hạnh phúc lớn lao. Chính hạnh phúc này mới là ‘sự kiện’. Nói cách khác, ‘sự kiện’ không chỉ là bản thân cái ‘Ngày’ ấy...
Là giới nhận được ‘Ngày’ của mình muộn nhất, hẵng không ít doanh nhân đã thầm nghĩ đến câu “thà muộn còn hơn không”. Vâng, người Âu Mỹ cũng có cùng cách đánh giá cao y như ta vậy, họ nói “better late than never”. Và ý nghĩa ở đây sâu hơn bình thường. Tại sao sâu? Là vì đã có một sự trăn trở không dứt của giới làm ra của cải, của những người đứng mũi chịu sào cao nhất nước, của toàn xã hội. Là vì không phải sau gần ba mươi năm, mà là cả trăm năm trước, doanh nhân không có tên hoặc chỉ được xếp cuối bảng ‘là giới được xã hội công nhận hay được nhắc tới’. Là vì đã không dễ dàng chút nào để chúng ta có thể nhận ra một điều tưởng như rất cơ bản là ‘Dân có giàu thì Nước mới mạnh’... Còn nhiều cái ‘là vì’ nữa... mà tôi chắc rằng, khi nói ra nhiều doanh nhân có thể nghẹn giọng đến khóc được!
Nói để mừng chứ không còn để oán trách... Doanh nhân đã từng được cho là giới ‘không đàng hoàng’, là thương lái; từng bị gọi bằng các từ không phải dành cho người bình thường, là ‘bọn’ hay ‘kẻ’; từng bị ví hay mô tả bởi các hình ảnh hay sinh hoạt xấu xa... Tôi còn nhớ, trong một cuộc hội thảo hồi tháng 5/2001 do Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn tổ chức tại TP.HCM có đề tài ‘Doanh Nhân Việt Nam Trong Công Cuộc Đổi Mới’, một doanh nhân đã nói trong nỗi xót xa rằng “nếu con tôi đọc báo hay vào lớp học mà vẫn còn nghe khái niệm giới chủ là giới bóc lột thì không biết chúng sẽ nghĩ ra sao về mình và thế nào về bố nó?!…”.
Chừng nào cách nghĩ, cách nhìn, còn chậm thay đổi thì công sẽ hóa ra tội, thay vì vinh quang là mặc cảm... Những con người năng động, tháo vát, còn bị cư xử bất công, bị khiếm dụng. Nếu có người cha hay bà mẹ ‘kinh doanh’ nào đã từng nghe con mình về nhà hồn nhiên líu lo ‘bọn’ này ‘phường’ nọ, để chỉ ‘lái buôn’ hay ‘tư thương’... thì mới thấu hết được nỗi đau giấu kín bị đặt ngoài lề là gì... Nay bỗng nhiên (xin được gọi là ‘bỗng nhiên’ chứ thật ra là một quá trình) được tôn vinh như những ‘chiến sĩ thời bình’ của nước nhà, có ‘Ngày’ riêng để tự hào và được trân trọng, thì cảm nhận hạnh phúc chắc sẽ lớn lắm.
Cũng có thể có nhiều người không để ý nhiều tới ‘sự kiện’ này, hoặc là do không có một dịp hiểu sâu, để thấm thía... hoặc do bị công việc hay các sự kiện lớn khác che lấp... Thú thật, tôi cũng đã từng là người như vậy. Cho đến một hôm gần đây... Trong một dịp trao đổi công việc với anh Đỗ Hữu Trọng, Tổng Giám đốc Công ty Savimex, chúng tôi đã cùng chia sẻ ưu tư về một tương lai có thể lại bị hụt hẫng của giới thương gia, công kỹ nghệ gia trong nước, nói chung là của doanh nhân Việt Nam. Theo đó, nếu không được chú trọng hỗ trợ, tập trung xây dựng, và nỗ lực vươn lên mạnh mẽ, thì rất có thể doanh nhân Việt Nam sẽ tiếp tục bị ‘lép’ ngay trên sân nhà. Anh Trọng đã từng ví von điều này trong một hội nghị gần đây (có liên quan đến Ngày Doanh nhân) rằng “... không khéo ta lại phải làm cái việc đẩy xe thay vì ngồi lái…”.
Một chút ‘tự ái’ cũng nên... Doanh nhân Việt Nam như đang được trao lại ngọn cờ. Hy vọng Ngày Doanh nhân như là dịp mà Nhà nước ra lời hiệu triệu cho quyết tâm vì dân giàu nước mạnh. Là một nguồn lực quý của quốc gia, doanh nhân đang bước vào giai đoạn hội nhập với tinh thần lạc quan và tự tin vậy.
-
Huy Nam (Chuyên viên Kinh tế, TP.HCM)