221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
532127
"Sẽ không còn hàng rào giữa Nhà nước và DN"
1
Article
null
'Sẽ không còn hàng rào giữa Nhà nước và DN'
,

(VietNamNet) - ''Thái độ nhất quán của Chính phủ là tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN phát triển, sẽ không còn hàng rào nào giữa Nhà nước và DN'' - Thủ tướng Phan Văn Khải đã khẳng định như vậy với cộng đồng DN Việt Nam trong cuộc gặp gỡ ngày 13/10. 

Soạn: AM 169644 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Doanh nhân kêu khó và khổ nhất về thủ tục thuế và đất đai.

Hơn 100 kiến nghị của các DN thuộc mọi thành phần kinh tế và khắp mọi miền đất nước đã được tập hợp gửi lên Thủ tướng tại ''Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp DN năm 2004'' hôm nay (13/10). Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Thương mại sáng nay đã báo cáo trước Thủ tướng những việc đã và sẽ làm để tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng DN. 

Thuế và đất đai vẫn là ... đoạn trường

112 kiến nghị của DN và Hiệp hội DN Việt Nam nêu ra đủ mọi thứ khó và khổ, nhưng chung quy lại vẫn là chuyện thuế và chuyện đất đai. Thậm chí, có DN còn làm hẳn một văn bản với tiêu đề ''Đơn kêu cứu''. 

Riêng chuyện thuế, mặc dù đã có nhiều thay đổi, cải tiến nhưng chuyện đóng thuế của DN vẫn gặp phải những chuyện éo le: một số TP.HCM đã đóng thuế tại kho bạc, 1 tuần sau đi nhận hàng họ bị thông báo cưỡng chế vì...chưa chịu đóng thuế, chỉ vì Hải quan chưa nhận được thông báo từ Kho bạc (nếu chuyển khoản thì có khi đến 10 ngày sau vẫn bị cưỡng chế). 

Tiếp đó, họ phải làm thủ tục chạy đi các "cửa" để xin xác nhận đã đóng thuế. Xong phải làm thủ tục văn bản xin giải toả cưỡng chế. Xong chỗ kho bạc, DN lại phải tiếp tục chạy đến cửa khẩu để lấy biên lai đóng thuế (10 ngày sau). Nếu rơi vào ngày cuối tháng, DN sẽ không được khấu trừ thuế với cơ quan thuế do chưa có biên lai và phải chờ tận... 1 tháng sau. Những DN này cũng cho biết: ''Viên chức giao biên lai của cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất là điển hình của thói hách dịch, cửa quyền và luôn la mắng DN, ai cũng biết thế mà không hiểu sao vẫn tồn tại''.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Thương mại - Xây dựng - Xuất nhập khẩu Long Biên (TP.HCM) than thở: ''Vẫn biết Chính phủ, các Bộ, ngành đang cố gắng cải thiện thủ tục hành chính nhưng vấn đề là đối với chúng tôi không phải cấp trên bảo thế nào là cấp dưới họ làm như thế. Tại các cơ quan  thuế, hải quan, công an, tình hình đâu đã cải thiện được mấy''. 

Còn đối với đất đai, để có một miếng đất kinh doanh, DN cũng phải trải qua lắm gian nan. Ông Nguyễn Trường Sơn, Tổng giám đốc Công ty Dịch vụ đầu tư và Du lịch Nghi Tàm cho biết: ''Để làm được thủ tục xin thuê đất phải qua 40 con dấu xét duyệt của các tổ chức khác nhau, trong đó, riêng thành phố Hà Nội có 3 lần ra văn bản và 3 lần đóng dấu, cộng thêm 18 con dấu khi giải phóng mặt bằng nghĩa là phải có 58 con dấu mới có đất để sản xuất kinh doanh''. Ngoài ra, như chính Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường thừa nhận trong Hội nghị, các địa phương còn ''hành xử'' rất khác nhau trong thủ tục đất đai. DN rất khó khăn trong việc tiếp cận các thông tin về địa điểm và quy hoạch dẫn đến một cơ chế xin cho thông tin, làm nảy sinh những hiện tượng tiêu cực khác.

Hy vọng mới sau ngày 13/10?

Chủ tịch phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc trao tặng Thủ tướng Phan Văn Khải cúp doanh nhân Việt Nam. Ảnh: TTXVN

''Có một ngày của mình, của giới mình, chúng tôi rất mừng và vinh dự nhưng đây mới chỉ là những lời hứa hẹn của các cơ quan cấp trên, còn hàng ngày chúng tôi sẽ phải tiếp xúc với các cơ quan cấp dưới'' - đây là nỗi niềm chung của hầu hết DN khi đến với Hội nghị gặp gỡ Thủ tướng hôm nay. Ngoài những rủi ro luôn tiềm ẩn trong hoạt động kinh doanh, DN còn rất sợ loại rủi ro do cơ quan nhà nước gây ra. Đó là những môi trường pháp lý mà lâu nay cộng đồng DN vẫn gọi là ''năm không'' gồm: không minh bạch, không nhất quán, không đồng bộ, không ổn định, không khả thi, không tiên liệu được. 

Ông Đoàn Văn Đức, Giám đốc Công ty TNHH XDGT Đức Hạnh kiến nghị lên Thủ tướng: ''Cần thanh lọc những cán bộ tham mưu đã cố ý báo cáo không trung thực và không đầy đủ, gây ảnh hưởng đến uy tín và điều hành của Chính phủ. Đối với những quan chức mà các DN đề cập đến, đề nghị Chính phủ xem xét làm rõ và báo cáo cho cộng đồng DN được biết kết quả xử lý''. 

Quyết tâm của các cấp lãnh đạo là điều đã thấy rõ, tuy nhiên, những chuyển biến trong môi trường kinh doanh không thể là chuyện ngày một ngày hai. Ngay trong Hội nghị sáng nay, Thủ tướng Phan Văn Khải đã chỉ đạo: ''Tôi thấy trên báo chí vừa qua có nêu hiện tượng một miếng đất giao cho tới 3 chủ ở Thủ Đức. Những trường hợp thế này, Bộ Tài nguyên và Môi trường phải xuống tận nơi để giải quyết ngay lập tức. Cái gì đã rõ, đã làm sai thì các đồng chí phải sửa ngay''. Cộng đồng DN đang đặt hy vọng sau Hội nghị này những bức xúc của họ sẽ được các cơ quan nhà nước giải quyết ngay đúng như chỉ đạo của Thủ tướng. 

Chiều nay (13/10), Chương trình ''Hội nghị Thủ tướng gặp DN 2004'' sẽ được tiếp tục với báo cáo chuyên đề của các Bộ và ý kiến trao đổi của các Hiệp hội, DN. 

  • Phương Thanh
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,