(VietNamNet) - Trong 5 năm tới, TTCK của Việt Nam cần có thêm hơn 200 DN, nhưng hiện chính sách ưu đãi thuế chưa đủ hấp dẫn DN tham gia niêm yết.
Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) vừa đề xuất với Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính về chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) có điều kiện cho các DN niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Nên có thêm ưu đãi thuế cho DN mới tham gia
Theo VAFI, trong 5 năm tới, để đáp ứng nhu cầu vốn dài hạn cho nền kinh tế, thị trường chứng khoán Việt Nam cần có thêm hơn 200 DN niêm yết. Nhưng, hiện chỉ có 1 chính sách chung cho tất cả các DN cả mới và cũ, là ''tổ chức niêm yết chứng khoán được giảm 50% số thuế TNDN phải nộp trong 2 năm kể từ khi niêm yết lần đầu tại Trung tâm giao dịch chứng khoán''.
Các DN cho rằng, chính sách ưu đãi thuế TNDN có điều kiện không nên áp dụng như nhau cho tất cả các công ty tham gia niêm yết. Chỉ cần mức độ ưu đãi hấp dẫn cho 200 DN tham gia niêm yết tích cực nhất, nên có sự phân biệt mức độ ưu đãi khác nhau và để được hưởng mức ưu đãi hấp dẫn thì phải có điều kiện.
Cụ thể, Chính phủ nên cho phép trong năm đầu tiên, DN nào có văn bản gửi Bộ Tài chính và UBCKNN đăng ký niêm yết, hoàn thành việc niêm yết trong thời hạn 18 tháng thì sẽ đựơc giảm 50% của thuế TNDN trong 5 năm liên tiếp. Các DN thông báo đăng ký niêm yết vào năm thứ 2 và hoàn thành việc niêm yết trong thời hạn 18 tháng sẽ được giảm 50% trong thời hạn 4 năm liên tiếp. Còn những DN đăng ký tham gia niêm yết vào năm thứ 3 và hoàn thành việc niêm yết trong thời hạn 18 tháng thì được giảm 50% trong 3 năm. Các đối tượng tham gia niêm yết khác đăng ký sau thời hạn 3 năm đầu thì chỉ được giảm 50% thuế TNDN trong thời hạn 2 năm liên tiếp.
Việc hưởng các ưu đãi này là hưởng thêm và trên nguyên tắc DN niêm yết vẫn được hưởng những ưu đãi theo qui định của chế độ hiện hành. Những DN đã đi tiên phong trong việc niêm yết, hoàn thành việc niêm yết trước khi chính sách thuế mới ban hành thì đương nhiên được hưởng ưu đãi giảm 50% thuế TNDN trong thời hạn 5 năm liên tiếp. Phần được miễn giảm thuế TNDN không được chia cổ tức bằng tiền mặt cho các cổ đông, mà chỉ dùng để phát triển sản xuất.
Chính sách hiện hành chưa thúc đẩy thị trường chứng khoán
Theo nhiều DN, chính sách ưu đãi hiện hành chưa là đòn bẩy để phát triển thị trường chứng khoán. Quyết định số 39/2000/QĐ-TTg ngày 27/3/2000 của Thủ tướng Chính phủ qui định tạm thời ưu đãi thuế đối với lĩnh vực chứng khoán. Theo đó, tổ chức niêm yết chứng khoán được giảm 50% số thuế TNDN phải nộp trong 2 năm kể từ khi niêm yết lần đầu tại Trung tâm giao dịch chứng khoán. Tuy nhiên trong bối cảnh thị trường chứng khoán còn sơ khai và như đã phân tích ở trên thì mức độ ưu đãi này chưa đủ hấp dẫn đông đảo các DN tham gia niêm yết.
Nếu áp dụng những ưu đãi mới theo kiến nghị trên của VAFI, các DN cho rằng sẽ không ảnh hưởng nhiều đến nguồn thu ngân sách Nhà nước, bởi sau cổ phần hoá, hầu như các DN đều phát triển, doanh thu tăng do đó tiền đóng thuế VAT, thuế TNDN cũng tăng đáng kể. Ngoài ra chính sách ưu đãi mới còn thu hút các nhà đầu tư bỏ vốn mua cổ phần.
Qui mô TTCK phải tăng... hơn 100 lần mới bằng các nước khu vực
Hiện nay trên sàn giao dịch chứng khoán chỉ có 25 công ty niêm yết cổ phiếu. Con số này ít hơn rất nhiều so với các nước khác và làm giới hạn các cơ hội cho các nhà đầu tư. Quy mô TTCK tập trung của Việt Nam còn quá nhỏ bé so với yêu cầu đặt ra và so với các nước trong khu vực, mới chỉ chiếm tỷ trọng 0,4% trong GDP - Con số này cực kỳ nhỏ, thấp hơn mức bình thường từ 30% đến 100% ở hầu hết các thị trường chứng khoán. Tổng giá trị thị trường của tất cả các công ty niêm yết tại Việt Nam là $132 triệu, nhỏ hơn 434 lần so với Indonesia.
Dựa trên bình quân giá trị giao dịch hàng ngày của các công ty niêm yết, thị trường chứng khoán Việt Nam có tính thanh khoản cực kỳ kém. Bình quân giá trị giao dịch hàng ngày cho một công ty niêm yết vào khoảng $30.000. Theo Chiến lược phát triển TTCKVN đến năm 2010 thì cần mở rộng quy mô của TTCK tập trung, phấn đấu đưa tổng giá trị thị trường đến năm 2005 đạt mức 2-3% GDP và đến năm 2010 đạt mức 10-15% GDP. Trong khi đó, năm 2004, tổng giá trị TTCK mới chiếm 0,4% GDP, so với yêu cầu đặt ra của năm 2005, qui mô thị trường cần phải tăng gấp 5 lần nữa và để đạt được mức tối thiểu như các nước trong khu vực (chiếm từ 30-100%/GDP) thì qui mô thị trường phải tăng gấp hơn 100 lần so với hiện nay.
Theo các chuyên gia, hiện nguồn hàng hoá tiềm năng cho TTCK Việt Nam là không thiếu. Tuy nhiên, nhiều DN lại không muốn ra niêm yết, trong khi việc niêm yết cũng rất có lợi cho các công ty cổ phần.
-
Hồng Phúc