Cổ phần hoá VCB: phát hành trái phiếu hay cổ phiếu?
09:19' 08/11/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - ''Nếu Thủ tướng cho phép phát hành cổ phiếu để tăng vốn thì sẽ làm được ngay, không khó khăn gì! Nhưng Bộ Tài chính, Ban đổi mới DN không tán thành, cho rằng không tích cực, không khả thi, mâu thuẫn với pháp luật hiện hành...''.

Thống đốc Lê Đức Thuý trao đổi với báo chí.
Ảnh: Nguyên Vũ.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Đức Thuý đã nói như vậy với báo giới, bên lề kỳ họp Quốc hội, về lý do chậm trễ việc cổ phần hoá Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCB).

Ông Thúy: Đề án xong cả rồi nhưng bộ, ngành có ý kiến khác nhau. Có bộ bảo phải làm tích cực, làm ngay cổ phần hoá! Có ngành đồng ý với đề án nhưng phải xem lại có phù hợp với luật pháp hay không? Vì nếu phát hành trái phiếu (vay nợ), thì không được tính vào vốn điều lệ! Nếu phát hành cổ phiếu thì chỉ tổ chức cổ phần mới được phát hành. Ngân hàng Ngoại thương chưa phải là tổ chức tín dụng cổ phần sao lại phát hành cổ phiếu?

Bộ Tài chính hay Ban đổi mới DN không tán thành đề án ấy vì cho rằng không tích cực, không khả thi, mâu thuẫn với pháp luật hiện hành... Bộ khác thì ủng hộ! Cuối cùng phải có trọng tài là Thủ tướng.

''Trung Quốc cổ phần hoá 2 ngân hàng dự kiến mất 2 năm. Cho đến nay họ mới làm được mỗi việc là giải quyết thêm vốn cho mỗi ngân hàng hơn 22 tỷ USD để xử lý nợ tồn đọng và giao một công ty quản lý. Hiện nay hai ngân hàng này đã chuyển thành dạng công ty 100% vốn nhà nước. Bước thứ hai là cổ phần hóa công ty 100% vốn nhà nước này''

Thủ tướng chấp nhận phương án phát hành cổ phiếu để tăng vốn chứ, thưa ông?

Ông Thúy: Thủ tướng chỉ đạo trực tiếp nên làm phương án kiểu ấy, chứ không nói chấp nhận. Ý của Thủ tướng trước mắt nên phát hành cổ phiếu để tăng vốn.

Vậy có giải pháp gì để tháo gỡ vướng mắc này?

Ông Thúy: Chúng ta phải làm thí điểm. Chuyển từ cơ chế này sang cơ chế khác mà lại phụ thuộc hoàn toàn vào những quy định hiện hành thì làm không nổi. Cho nên chúng tôi đề nghị Thủ tướng giải quyết vần đề này bằng việc cho làm thí điểm.

Giả dụ ngay từ đầu làm cổ phần hoá thì việc ấy cũng mất nhiều thời gian, tích cực lắm cũng phải hết năm 2005. Cho nên chúng tôi đề nghị lộ trình cổ phần hoá có kế hoạch tăng vốn bằng phát hành cổ phiếu.

Sự chậm trễ không phải từ phía ngân hàng mà từ phía các các cơ quan khác. Liệu bao giờ Ngân hàng Ngoại thương có thể tăng vốn điều lệ?

Ông Thúy: Tôi không nói sự chậm trễ không do Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, VCB đã chậm khoảng 3 tháng khi trình đề án. Thời gian lại tiếp tục chậm hơn khi chuyển đề án từ ngân hàng sang các bộ, ngành lại để xem xét. Tuy nhiên, nếu Thủ tướng chấp thuận đề án thì việc triển khai sẽ làm được ngay, không khó khăn gì.

Gọi là phát hành cổ phiếu tăng vốn cũng được, không phải trái phiếu chuyển đổi hay cổ phiếu ưu đãi gì cả! Đấy là gọi tên một thứ giấy tờ có giá mà người sở hữu có quyền hưởng lợi tức cố định, được quyền sau này mua cổ phiếu phổ thông khi ngân hàng thực sự phát hành cổ phần. Còn hiện tại anh không có quyền biểu quyết mà chỉ được hưởng lợi tức cố định.

Sau đó cổ phần hoá sẽ như thế nào?

Ông Thúy: Việc định giá Ngân hàng Ngoại thương là một vấn đề lớn! Định giá theo kiểu cơ chế hành chính là không ổn. Các bộ, ngành ngồi vào thành một hội đồng thì không biết giá bao nhiêu! Chúng tôi muốn thuê một tổ chức chuyên nghiệp định giá quốc tế. Theo tôi tính toán phải mất 6 tháng cho riêng việc định giá. Thứ hai, chi phí cho họ không thể nằm ở mức 500 triệu đồng, là mức chi phí định giá để cổ phần hoá một DN như quy định hiện hành. Định giá xong lúc đó mới tính toán các yếu tố kỹ thuật như phát hành bao nhiêu cổ phiếu, mệnh giá bao nhiêu, bán đấu giá thế nào, và cho ai...

  • Văn Tiến ghi
Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Quota bít tất Trung Quốc, cơ hội của VN? (07/11/2004)
Giá dầu chỉ còn 48,57 USD/thùng (05/11/2004)
Đoàn DN môi trường Mỹ giao thương tại TP.HCM (05/11/2004)
Giá dầu cao, Vietsovpetro vượt gần 40% kế hoạch doanh thu (05/11/2004)
Các tập đoàn dầu khí vẫn đau đầu giữa dầu và tiền (05/11/2004)
Na Uy muốn hợp tác về kinh tế biển (04/11/2004)
VASEP: DOC phải phân loại tôm khi tính tỷ lệ phá giá! (03/11/2004)
Trạm biến áp Nhà Bè - Tao Đàn bắt đầu đóng điện (03/11/2004)
Oxfam: Vào WTO, Việt Nam đang bị các nước giàu "ép" (03/11/2004)
Bán hàng trực tiếp giá rẻ (02/11/2004)
Từ 7h tối 1/11: Xăng tăng thêm 500 đồng/lít (01/11/2004)
Thu nhập từ lúa mạch gấp đôi trồng lúa (01/11/2004)
Tour VN cao giá vì Hàng không chưa "kết" Du lịch? (01/11/2004)
HSBC với những "toan tính" từ cuộc đua thuyền (31/10/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang