Năm 2005 tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ hiện nay
17:34' 11/11/2004 (GMT+7)

Về chính sách tiền tệ, Nhà nước sẽ vẫn thực hiện bình thường các chính sách đã đề ra từ đầu năm, có bổ sung một số giải pháp nhưng thực sự không làm thay đổi mạnh các chủ trương tiền tệ... Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Đức Thuý đã cho biết như vậy khi trao đổi với báo giới.
 

- Nền kinh tế nước ta thời điểm này đang đặt ra một câu hỏi lớn: Lạm phát có trong tầm kiểm soát hay không? Theo ông vấn đề này như thế nào?

Thống đốc  Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Đức Thuý

- Trong kỳ họp thứ 5 của Quốc hội giữa năm nay, tôi đã phát biểu một số ý kiến lấy từ kết luận của Hội đồng chính sách tiền tệ của Chính phủ: Trong bối cảnh 5 tháng đầu năm giá cả đã tăng ở mức 6,3%, đây là vấn đề quan trọng phải xem xét nguyên nhân từ đâu để sớm có ngay biện pháp khắc phục vì mức tăng này vượt nhiều so với mục tiêu kiểm soát của Nhà nước, ảnh hưởng tới nhiều mặt sản xuất cũng như sinh hoạt trong cuộc sống.

 

Nhưng khi đánh giá vấn đề lạm phát, giá cả phải tôn trọng những nguyên tắc thị trường và các quy luật hội nhập kinh tế quốc tế ở Việt Nam. Nếu nhìn nhận như vậy, vấn đề đang diễn biến theo chiều hướng tích cực. Trên thực tế quý III, quý IV năm nay đã kiểm soát được lạm phát mức 5%. Cho nên, theo tôi tốc độ tăng sang năm sẽ ở mức vừa phải, không vượt quá tầm kiểm soát hoặc mức tăng trưởng, có thể dưới 1-2%. Có 2 lý do, thứ nhất, mặt bằng giá năm nay đã cao rồi, khả năng tiếp tục tăng cao nữa khó xảy ra. Ngay cả những biến động về giá dầu mỏ, dù khó dự báo nhưng theo tôi sẽ không có những biến động có thể tạo thành cú sốc ảnh hưởng đến kinh tế. Hay những tác động rải rác của dịch cúm gia cầm vẫn còn, nhưng sẽ khó bùng phát trên diện rộng nên không ảnh hưởng nhiều tới mức tăng giá lương thực, thực phẩm.


- Dư luận hiện đang quan tâm tới các chính sách tiền tệ tới đây, rằng chính sách này sẽ tác động quan trọng tới mức tăng trưởng và lạm phát của nền kinh tế?

- Trước hết, tôi cho rằng chúng ta không được áp đặt mong muốn chủ quan khi áp dụng chính sách tiền tệ và giá cả. Tôi cho rằng việc gia tăng cao của giá cả ngoài dự kiến, không bắt nguồn chủ yếu từ chính sách tiền tệ. Cũng có ý kiến không đồng ý với nhận định này. Nhưng trước đây, chúng ta lập ra mục tiêu giá cả năm 2004 không vượt quá 5% là đã tính đến yếu tố tiền tệ, tính đến những yếu tố đã có thể dự kiến được như tăng lương, phụ cấp lương hưu. Việc “ngoài dự kiến” là do chưa thể lường hết những tác động khác.

- Nói như vậy, không lẽ yếu tố tiền tệ là “ngoài cuộc”?

- Không hoàn toàn như vậy, tôi giải thích rõ hơn phần này: chúng tôi không hoàn toàn cho là giá cả tăng cao không có gì là do ảnh hưởng của chính sách tiền tệ. Khi thiết kế chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát trong năm 2004 này, chúng tôi đã tính đến những yếu tố, trong đó có tiền tệ để đưa ra mức tăng giá dự kiến là 5%, cao hơn mức thực tế năm 2003 (3%), cho nên đã tính đến độ “trễ” và những yếu tố tác động của chính sách tiền tệ đến việc tăng giá. Tuy vậy, để khẳng định việc giá cả tăng đột biến ngoài dự kiến bắt nguồn từ chính sách tiền tệ là không đúng và rõ ràng không thể dùng chính sách tiền tệ để khắc phục việc tăng giá đột biến này được. Ví dụ đơn giản, chính sách tiền tệ Việt Nam không thể làm cho giá dầu thế giới giảm đi, hay dịch cúm gia cầm bị dập tắt. Nhận định đúng như thế thì mới có đối sách đúng.

- Theo báo cáo của các cơ quan chức năng, tình trạng nạn tiền giả vẫn rất phức tạp, hay có ý kiến, việc in các loại tiền có mệnh giá lớn có thể là một nguyên nhân?

- Nạn tiền giả gây hệ quả tiêu cực về lòng tin vào đồng tiền, vào an ninh lưu hành tiền tệ, chứ nói nó trực tiếp gây tác động đến lạm phát là không đúng, vì nếu so sánh lượng tiền giả với tổng phương tiện thanh toán trong nền kinh tế (khoảng 500.000 tỷ đồng) thì nó chỉ chiếm một tỷ lệ hết sức nhỏ bé. Mặc dù chúng ta không hài lòng gì với tình trạng này, nhưng vẫn phải thấy là nó hết sức nhỏ bé, không ảnh hưởng đáng kể. Dư luận có ý kiến nhắc đi nhắc lại về vấn đề in tiền này. Một lần nữa tôi xin khẳng định, điều này có thể có tác động tâm lý nhất định vào thời gian ngắn. Cuối năm ngoái, khi bắt đầu phát hành loại tiền này, những tác động như vậy đã được xử lý. Nên không thể nói việc phát hành tiền mới, có mệnh giá lớn là một nguyên nhân rõ rệt tới việc tăng giá. Trên thực tế, theo dõi diễn biến đúng như vậy.

- Nói như vậy, dù vấn đề lạm phát trong thời gian tới có như thế nào, chính sách tiền tệ sang năm 2005 sẽ không có nhiều thay đổi?

- Về chính sách tiền tệ, Nhà nước sẽ vẫn thực hiện bình thường các chính sách đã đề ra từ đầu năm, có bổ sung một số giải pháp nhưng thực sự không làm thay đổi mạnh các chủ trương tiền tệ. Trong năm 2004 tình hình cũng vậy, thay đổi đáng kể nhất chỉ là tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc lên một chút vào tháng 7. Những biện pháp khác cơ bản vẫn giữ nguyên, việc duy trì tỷ lệ tăng trưởng tín dụng 25% không phải giữa năm mới đưa ra, đó là kế hoạch từ đầu năm.

 

Tương tự, tỷ giá hối đoái sẽ giữ tương đối ổn định, đây cũng là “chuyện” tuyên bố hồi đầu năm. Tỷ giá đến nay, trên thị trường liên ngân hàng chỉ là 0,7%, trên thị trường tự do chỉ 0,3%. Điều này đã làm dịu bớt tác động xấu của giá hàng nhập khẩu. Ngoài ra, chúng tôi vẫn chủ trương không mua dự trữ ngoại tệ nếu thị trường không thực sự thừa, và sẵn sàng bán đi để đáp ứng nhu cầu nếu cung cầu căng thẳng và không gây khan hiếm giả tạo. Việc tăng lãi suất cũng sẽ khó được tính đến vì sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng, lại không có lợi cho tâm lý nhân dân, doanh nghiệp. Vì vậy, “chốt” lại, chúng ta chỉ cần thực hiện các biện pháp điều hành vĩ mô mà đã “giữ” được như tình hình quý III, quý IV thì hoàn toàn có thể kiểm soát được lạm phát, duy trì được mức tăng trưởng bền vững.
 

(Theo Kinh tế & Đô thị)

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Thêm một quỹ đầu tư trong nước (11/11/2004)
Kinh tế tư nhân thúc đẩy sức sáng tạo của doanh nhân (11/11/2004)
TP.HCM: Chỉ 11 đơn vị tham gia "DN Xuất khẩu uy tín" (10/11/2004)
Lạm phát 2005 sẽ chỉ còn 1 con số? (10/11/2004)
5.000 khách Nhật đặt vé tới VN dự lễ hội Việt-Nhật (09/11/2004)
Kinh doanh nhỏ không bị lệ thuộc vào giá vàng! (09/11/2004)
Cơn sốt vàng trở lại với khủng hoảng đồng đôla? (09/11/2004)
Phát hiện thêm 2 điểm bán phụ tùng xe giả hiệu Honda (09/11/2004)
Dệt may hậu hạn ngạch: Báo động nguy cơ mất thị trường (09/11/2004)
Nghị định 181 không cấm góp vốn Dự án khu dân cư (09/11/2004)
Quỹ đầu tư chứng khoán đầu tiên đã lên sàn (08/11/2004)
Quota bít tất Trung Quốc, cơ hội của VN? (08/11/2004)
Cổ phần hoá VCB: phát hành trái phiếu hay cổ phiếu? (08/11/2004)
Giá dầu chỉ còn 48,57 USD/thùng (05/11/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang