Theo Bộ Kế hoạch - đầu tư, tính đến giữa tháng mười một, tổng vốn đầu tư nước ngoài đã thu hút đạt 3,5 tỉ USD. Và dự báo con số này sẽ còn tăng.
Đoàn doanh nghiệp Malaysia đang tìm hiểu cơ hội đầu tư tại VN. (Ảnh: TT) |
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Anh Tuấn - cục phó Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch - đầu tư - cho biết:
- Năm nay số vốn cấp mới khả năng đạt được 4 tỉ USD là nằm trong tầm tay. Vì sao tôi dám khẳng định con số này? Số dự án lớn đã trình lên như: dự án sản xuất giày xuất khẩu ở Đồng Nai với tổng vốn đầu tư là 190 triệu USD, một dự án khác ở khu đô thị mới ở hồ Tây (Hà Nội) trị giá 300 triệu USD, nếu hai dự án này được cấp phép xem như chúng ta đạt được gần 4 tỉ, ngoài ra một số dự án khác cũng đã trình hồ sơ và hiện đang trong giai đoạn thẩm định.
Điều phấn khởi hơn là con số 4 tỉ USD này nếu so với các nước trong khu vực thì VN chúng ta đứng hàng thứ ba về số vốn thu hút dự báo của cả năm 2004, chỉ sau Singapore, Malaysia và tương đương với Thái Lan. Từ đây khẳng định một điều chắc chắn là xu hướng phục hồi dòng vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN) vào VN ngày một rõ rệt. Đặc biệt, trong điều kiện nguồn vốn đầu tư, lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài toàn cầu đang tiếp tục suy giảm và cạnh tranh gay gắt thì đạt được con số này là điều rất đáng mừng.
* Như ông vừa nói, xu hướng vốn ĐTNN vào VN đang có chiều hướng phục hồi và tăng mạnh. Tuy nhiên, trên thực tế vốn thực hiện lại tăng rất chậm. Nhiều dự án đăng ký vốn rồi nhưng “dây dưa” mãi vẫn không thể triển khai. Theo ông vì sao?
- Vốn đăng ký rồi bao giờ cũng theo lộ trình về luận chứng kinh tế kỹ thuật mà có độ trễ dài hay ngắn. Một dự án lớn để giải ngân hết số vốn đăng ký phải cần đến ba năm, thậm chí có thể dài hơn. Vì vậy, trên nguyên tắc một dự án không thể đòi hỏi nhà đầu tư phải giải ngân cùng một lúc, mà dựa trên lộ trình của luận chứng để triển khai.
Nói chung, các dự án được cấp phép từ năm 2001 đến nay đều triển khai đúng tiến độ. Tuy nhiên, cũng phải nói đến một số dự án gặp khó khăn về mặt bằng, quan hệ đối tác, thủ tục hành chính, tuyển dụng lao động... hiện chúng tôi đang cùng với các địa phương đẩy nhanh việc tháo gỡ những vướng mắc đó cho họ.
* Trở lại việc thu hút vốn ĐTNN, hiện nay vẫn còn rất nhiều nhà ĐTNN kêu về thủ tục hành chính, đặc biệt là qui trình cấp phép đối với những dự án thuộc dạng phải xin ý kiến các bộ ngành có khi phải kéo dài cả năm. Ông nghĩ sao về qui trình thẩm định dự án của chúng ta hiện nay?
- Đúng là trong quá trình thẩm định dự án hiện nay, ngoài yếu tố thiếu thông tin hướng dẫn và các tiêu chí cụ thể để chấp thuận dự án, còn tồn tại tình trạng thiếu thống nhất ý kiến giữa các bộ, ngành. Trong đó, về thủ tục thẩm định ở trong nước hiện nay không chỉ có Cục ĐTNN mà có cả Vụ Thẩm định.
Tuy nhiên, những vấn đề này được đề cập trong nghị định 06 đã được ban hành và thông tư hướng dẫn đang được hoàn tất, khả năng trong một vài tuần tới sẽ được ban hành, khi đó tôi hi vọng là thủ tục thẩm định đối với những dự án này sẽ được thuận lợi hơn.
* Ông dự báo như thế nào khả năng thu hút vốn ĐTNN trong năm 2005?
- Theo tôi, năm 2005 sẽ là một năm tiếp tục có những chuyển biến tích cực và sẽ tăng mạnh cả về chất lẫn về lượng, trong đó có khả năng đạt 4,2- 4,5 tỉ USD. Vì sao ư? Thứ nhất là tình hình chính trị - xã hội của ta tiếp tục được ổn định, nền kinh tế VN tiếp tục phát triển nhanh, qui mô thị trường ngày càng mở rộng.
Về chính sách, chúng ta tiếp tục cải thiện theo hướng một mặt bằng pháp lý chung giữa đầu tư trong nước và ĐTNN. Đặc biệt, một số qui hoạch ngành trước đây gây cản trở cho việc thu hút vốn đầu tư đang trong quá trình chỉnh sửa, chẳng hạn như ximăng, sắt thép..., chắc chắn sẽ tiếp tục tạo ra môi trường đầu tư hấp dẫn.
(Theo Tuổi Trẻ)