(VietNamNet) - Thị trường hàng không Việt Nam đã thực sự hấp dẫn, đủ để tạo ra một "cuộc chiến" giữa các hãng tàu bay trong và ngoài nước.
United Airlines - hãng hàng không hàng đầu nước Mỹ đang chuẩn bị cho chuyến bay đầu tiên ở thị trường Việt Nam vào ngày 10/12 tới. Để tạo "ấn tượng" cho lần ra mắt này cũng như để thu hút nhiều khách, United Airlines đưa ra giá vé khứ hồi khá hấp dẫn 900USD (chưa tính thuế và phí an ninh) cho chuyến bay đi từ TP.HCM sang San Francisco (giá vé khứ hồi thông thường cho đường bay Việt Nam-Mỹ từ 1.200-1.500USD). United Airlines sử dụng máy bay Boeing 747 cho đường bay Việt Nam-San Francisco, quá cảnh Hong Kong. Nếu khách chỉ đến Hong Kong, giá vé là 400USD. Chương trình "giá hấp dẫn" này sẽ được áp dụng đối với khách đặt vé trước cho các chuyến bay từ bây giờ đến tháng 2 năm sau.
Người giảm, kẻ thưởng
Kỳ thật, United Airlines không phải là hãng hàng không đầu tiên giảm giá, mà American Airlines mới là hãng "bắn phát súng" đầu tiên đối với đường bay từ Việt Nam đi Mỹ, khi đưa ra giá vé khứ hồi chỉ có 900USD. American Airlines, cũng là một trong những hãng hàng không hàng đầu của Mỹ, hãng chưa có đường bay trực tiếp mà thông qua hãng hàng không khác như Vietnam Airlines hoặc Japan Airlines.
Những hãng khác đã nhanh chóng "nối gót" American Airlines. Cathay Pacific, hãng hàng không của Hồng Kông đã giảm giá vé cho đường bay Việt Nam-Hoa Kỳ xuống còn 1.000USD và chỉ tính thêm 1USD cho các hành khách chuyển máy bay trong nội địa nước Mỹ. Các hãng Eva Air, và China Airlines cũng thực hiện chính sách giảm giá vé của họ xuống còn khoảng 950USD. Mạnh tay hơn, Thai Airways giảm chỉ còn 840USD, trở thành hãng giảm giá nhiều nhất cho đường bay khứ hồi Việt Nam-Hoa Kỳ, nhưng hành khách phải ghé lại Bangkok và phi trường Narita ở Tokyo.
Không chỉ đường bay Việt Nam-Hoa Kỳ, mà những đường bay Việt Nam-châu Âu hay Việt Nam-ASEAN cũng tạo nên một mặt bằng giá mới đối với hành khách. Bắt đầu từ tháng 10, hãng Luthansa của Đức giảm giá vé khứ hồi cho đường bay Việt Nam-châu Âu từ 950USD xuống còn 849USD. Hãng hàng không lớn nhất nước Đức này không chỉ giảm giá vé đến các thành phố chính ở châu Âu mà còn đưa ra chiêu khuyến mại hấp dẫn cho hành khách khi sử dụng chuyến bay của hãng, đó là được tặng một vé máy bay miễn phí đi Bangkok, tương đương với trên 200USD.
Hãng Air France của Pháp và KLM của Hà Lan cũng bắt đầu cuộc đua khi giảm giá vé khứ hồi từ TP.HCM đi châu Âu xuống còn 777USD, từ mức giá thông thường là 950USD. Tuy nhiên, hai hãng hàng không trong liên minh Skyteam này chỉ thực hiện chính sách giảm giá có thời hạn, hay nói cách khác chương trình khuyến mại của Air France và KLM đã kết thúc hồi cuối tháng 10 vừa qua.
Korea Airlines cũng có chương trình khuyến mại đối với đường bay Việt Nam-Hoa Kỳ cho cả bờ Đông và bờ Tây nước Mỹ. Hãng hàng không của Hàn Quốc này "bớt" cho hành khách 100USD trên giá vé hoặc 60USD cho đường bay Việt Nam-Hàn Quốc.
"Lính mới" đang hăng
Thực ra cuộc chiến về giá bắt đầu từ năm ngoái, sau khi dịch SARS hoành hành khu vực châu Á, buộc các hãng hàng không phải tính đến chuyện giảm giá vé để lôi kéo khách trở lại với các đường bay. Tuy nhiên, theo các hãng hàng không và đại lý vé máy bay ở Việt Nam, năm 2004 được xem là năm mà cuộc chiến giảm giá vé và khuyến mại diễn ra "tưng bừng" nhất từ trước đến nay. Nguyên nhân của cuộc chiến này chính là sự xuất hiện của những "chú lính mới" như Lion Air và Garuda của Indonesia bên cạnh những hàng hãng không nổi tiếng về giá rẻ như Malaysia Airlines, Thai Airways hay Singapore Airlines.
Giá vé cho đường bay Việt Nam-Singapore hồi năm ngoái không dưới 400USD, nhưng năm nay với giá này chẳng hành khách nào thèm "dòm" tới, cho dù chất lượng dịch vụ siêu hạng. Singapore Airlines bán với giá 370USD cho đường bay này, được xem là cạnh tranh so với mặt bằng chung, nhưng cũng phải vất vả với hai "lính mới" Lion Air và Garuda, khi giá vé chỉ có 243USD đối với Lion Air hoặc 250-260USD đối với Garuda cho cùng loại đường bay.
Đó là những hãng hàng không của châu Á. Sự xuất hiện những hãng lớn của Mỹ ở Việt Nam đã tác động đáng kể đến thị trường giá vé đối với đường bay Việt Nam-Hoa Kỳ. Có ít nhất 3 hãng hàng không Mỹ trực tiếp và gián tiếp có đường bay đến Việt Nam là American Airlines, United Airlines và Continental Airlines. Sự xuất hiện bắt đầu từ năm nay của các hãng hàng không Mỹ xuất phát từ Hiệp định Hàng không mà Việt Nam và Hoa Kỳ ký kết hồi cuối năm ngoái.
Ông Phạm Xuân Đông, Phó Trưởng phòng vé may bay của Fiditourist - nơi được xem là đại lý không thể thiếu của các hãng hàng không có đường bay hoặc có khách hàng ở thị trường Việt Nam, nói rằng giá vé máy bay năm nay thấp hơn 35% so với hồi năm ngoái. Fiditourist làm đại lý cho hơn 20 hãng hàng không trong và ngoài nước, và hầu hết đều giảm giá vé hoặc có chính sách giảm giá theo từng thời kỳ.
"Năm nay thực sự là năm sôi động của các hãng hàng không. Nếu như năm ngoái có ít hãng hàng không khuyến mại và khuyến mại chỉ 1 đến 2 lần trong một năm, thì năm nay nhiều hãng khuyến mại hơn và số lần khuyến mại cũng dày hơn trong năm" - ông Huỳnh Anh Dũng, Giám đốc Công ty World Travel, phát biểu. Ông Dũng nói rằng, mỗi khi một hãng nào đó tổ chức chương trình khuyến mại dành cho đường bay tương tự của hãng KLM - hãng mà công ty làm tổng đại lý, thì ông lại lo lắng cho tới khi họ kết thúc chương trình, bởi theo ông, Việt Nam là thị trường rất nhạy cảm về giá. Sự lo lắng của ông Giám đốc World Travel không phải không có căn cứ, khi mà lượng vé bán ra của công ty năm nay có khả năng sẽ giảm từ 10-15% so với năm ngoái.
Vietnam Airlines "lên dây cót"
Sự tham gia của hãng hàng không mới và sự cạnh tranh giữa các hãng lâu năm đã "vẽ" lại mặt bằng giá vé máy bay ở khu vực nói chung và Việt Nam nói riêng, thị trường mà lâu nay người ta chỉ thấy tăng giá, ghìm giá hoặc họa hoằn lắm mới có vài ba chương trình khuyến mại cho vui để lấy lòng hành khách.
Ông Thorsten Bohg, Tổng Giám đốc Lufthansa tại Việt Nam, nói rằng đây là thời điểm tốt để đi du lịch. "Không chỉ có người Việt Nam có cơ hội đi nước ngoài để hiểu biết hơn về các nước, mà khách du lịch nước ngoài đến với Việt Nam dễ hơn thông qua các chuyến bay có giá cả cạnh tranh. Khi nhiều khách đến Việt Nam, ngành du lịch sẽ phát triển, đồng thời cũng kéo theo sự phát triển của ngành hàng không", ông Bogh đã phát biểu với VietNamNet. Khi được hỏi, sự cạnh tranh về giá sẽ tác động gì đối với các hãng hàng không, ông Bogh cho rằng, nó sẽ giúp các hãng hàng không luôn ở trạng thái "tỉnh táo" hơn trong việc đưa ra chính sách giá cạnh tranh và bảo đảm chất lượng phục vụ đối với hành khách.
Đúng như nhận định của ông Bogh, sự cạnh tranh về giá nhất là khi có thêm hãng hàng không mới buộc các công ty phải "tỉnh táo". Đối với các hãng hàng không Việt Nam thì đây không chỉ là chuyện "tỉnh táo" mà là chuyện tồn tại của một đường bay. Cuộc chiến về giá của các hãng đã buộc Vietnam Airlines phải "lên dây cót", "sắp xếp" lại giá vé đối với một số đường bay nước ngoài của mình.
Để cạnh tranh với Lion Air và Garuda, Vietnam Airlines "cố gắng" giảm xuống ở mức giá 370USD đối với đường bay Việt Nam-Singapore. So với hai "lính mới" không bằng, nhưng Vietnam Airlines cũng tự bằng lòng vì đã ngang với mức giá của Singapore Airlines. Hoặc đối với đường bay Việt Nam-Hoa Kỳ, hãng hàng không lớn nhất Việt Nam này cũng tham gia "góp vui" cùng với Eva Airlines và China Airlines để cạnh tranh với American Airlines và United Airlines, khi đưa mức giá tương tự. Riêng ở đường bay châu Âu, Vietnam Airlines có khá hơn Air France khi đưa ra chương trình khuyến mại, mặc dù cũng chỉ có tính thời vụ.
Nhờ giá vé được "vẽ" lại ở thị trường Việt Nam, 10 tháng đầu năm nay, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt gần 2,37 triệu lượt, tăng 27,5% so với năm ngoái; dự kiến có thể lên đến 3 triệu lượt người cho cả năm. Ông Phạm Từ, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch, đánh giá cao về các chương trình khuyến mại cũng như giảm giá vé của các hãng hàng không trong và ngoài nước, vì sẽ tác động rất tích cực đến ngành du lịch quốc gia. Ông cho biết ,Tổng cục Du lịch cùng với Cục hàng không Việt Nam khuyến khích và tạo điều kiện cho các hãng hàng không cạnh tranh về giá ở Việt Nam.
-
Minh Quang