(VietNamNet) - Có chuyên gia cho rằng, khuyến mại và tổ chức bốc thăm trúng thưởng ảnh hưởng không tốt cho nền kinh tế, vì vậy hoạt động này cần phải cấm.
|
Chương trình khuyến mại, bốc thăm trúng thưởng của sữa Enfapro. |
Khuyến mại được xem là công cụ hữu dụng và được DN sử dụng thường xuyên trong hoạt động kinh doanh của mình, vì nó giúp tăng doanh thu, giải quyết hàng tồn kho... Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng, nó đang làm nền kinh tế tụt hậu... và cần phải bị cấm. Một tọa đàm có nội dung tương tự đã được Hội Sở hữu Công nghiệp Việt Nam tổ chức sáng 18/11, tại TP.HCM...
Khuyến mại - phương thuốc bổ cho DN...
"Nếu bạn mua một hộp sữa từ 25/10 đến 25/12 bạn có cơ hội trúng 1 trong 3 chiếc xe hơi hiệu Mazda, hoặc Honda @, hoặc máy vi tính...". Khi nghe mẫu quảng cáo với chương trình khuyến mại hấp dẫn của sữa Anfapro này, bất kỳ người tiêu dùng nào cũng không khỏi ham muốn sở hữu một trong những quà tặng nói trên khi chỉ bỏ ra vài chục ngàn đồng.
Những chương trình khuyến mại với giá trị tặng thưởng cao như thế giờ đây không còn hiếm ở Việt Nam, thậm chí rất phổ biến trên các phương tiện quảng cáo đại chúng. Với "chiêu" xe hơi, đã từng có chương trình khuyến mại uống bia trúng thưởng của bia Tiger với số giải thưởng lên đến 6 chiếc xe hơi hiệu BMW, hoặc mua vải trúng thưởng của Công ty Dệt may Thái Tuấn... Xe hơi, biểu trưng của sự sang trọng, được các DN sử dụng nhiều hơn trong các chương trình khuyến mại để lôi kéo người tiêu dùng.
Khuyến mại thực sự là công cụ kinh doanh của DN và bất kỳ DN nào cũng xem đó như là biện pháp thúc đẩy doanh số bán hàng. Hầu như DN nào cũng ít nhất có một lần tổ chức chương trình khuyến mại với những hình thức khác nhau. Đối với DN này, chương trình khuyến mại là mua 2 tặng 1, hay mua sản phẩm này tặng thêm sản phẩm khác. Đối với DN khác là cơ hội bốc thăm trúng thưởng 1 ngôi nhà, 1 chuyến du lịch nước ngoài, tivi, tủ lạnh... Khuyến mại được DN sử dụng nhiều nhất là khi tung ra sản phẩm mới, trong mùa thấp điểm, hoặc muốn đạt mục tiêu doanh thu khi sắp hết năm tài chính... và thậm chí đó còn để "giải quyết" hàng tồn kho.
Khuyến mại được xem là biện pháp tích cực và hiệu quả của DN trong nhiều trường hợp, chính vì vậy mà hoạt động này ngày càng trở nên sôi động. Theo Sở Thương mại TP.HCM - nơi diễn ra các hoạt động khuyến mại rầm rộ nhất nước, thì ngày càng có nhiều hoạt động khuyến mại và bốc thăm trúng thưởng được tổ chức trên địa bàn, với tốc độ và xu hướng tăng đều theo thời gian.
Năm 2002, Sở cấp phép khoảng 840 chương trình khuyến mại, năm 2003 lên gần 1.100 đợt khuyến mại do các DN tổ chức. Nếu tháng 4/2004 có khoảng 100 chương trình khuyến mại được cấp phép với tổng giá trị trên 25 tỷ đồng, thì tháng 8 là 115 hồ sơ được cấp phép với tổng trị giá khuyến mại trong tháng là 32,5 tỷ đồng. Tổng giá trị này đã tăng lên 50,5 tỷ đồng vào tháng 10, dù chỉ có 105 chương trình khuyến mại được cấp phép. Tính chung tổng số chương trình khuyến mại được cấp phép trên địa bàn TP.HCM từ đầu năm đến giữa tháng 11 là 1.113 đợt.
... Hay liều thuốc "mê dân"?
|
Một chương trình khuyến mại khác có giải thưởng là xe hơi. |
Bà Nguyễn Thị Kim Yến, Trưởng phòng Kinh doanh của Công ty Nhựa Bình Minh, cũng bày tỏ quan điểm không ủng hộ hoạt động khuyến mại, quảng cáo, vì theo bà đó là sự nhộn nhịp giả tạo, ảnh hưởng lớn đến người tiêu dùng. Bà nhắc đến chuyện khuyến mại - bốc thăm trúng thưởng cách đây mấy năm của hãng kem Wall's đã tác động rất lớn đến con trẻ. "Khi chương trình khuyến mại này ra đời, trẻ con suốt ngày đòi cha mẹ mua kem. Chúng không chịu ăn cơm, ngoại trừ kem. Có trẻ yêu cầu cha mẹ, thậm chí hàng xóm "ăn giúp", với mong muốn thu được một lượng cây kem để tham gia bốc thăm trúng thưởng", bà kể. Bà Yến cho rằng, những hoạt động khuyến mại như thế này chỉ gây xáo trộn xã hội, không bảo vệ người tiêu dùng và đẩy xã hội vào những vấn đề không lành mạnh.
Cón theo ông Võ Huy Phúc của WorldSoft, hoạt động khuyến mại cần phải hạn chế, vì một số tập đoàn có tiềm lực tài chính mạnh lợi dụng việc này để thống lĩnh thị trường và gây khó khăn cho đối thủ.
Hoạt động khuyến mại đã phát huy được tác dụng của nó đối với DN, nhưng qua lăng kính của các nhà nghiên cứu thì nó đang làm ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế. Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Vân Nam nói rằng, khuyến mại là hình thức "mị dân" khi làm vỏ bọc cho chất lượng của sản phẩm hay dịch vụ bên trong. "Khuyến mại chỉ là hình thức dẫn dụ người tiêu dùng không thông qua lợi ích thực, mà lợi dụng điểm yếu của họ chính là lòng tham để chào bán hàng cho người tiêu dùng. Đây là việc làm phi đạo đức trong kinh doanh", ông Nam phát biểu.
Ông Nam từng là giảng viên luật tại Đức trong nhiều năm. Theo nhà nghiên cứu luật này, hoạt động khuyến mại càng phát triển càng có nguy cơ ảnh hưởng đến nền kinh tế. Ông giải thích, với hoạt động khuyến mại, DN nghĩ rằng có thể "chinh phục" được khách hàng bằng các giải thưởng mà quên đi chất lượng của sản phẩm. Khi chuyện này trở nên phổ biến và lâu dài, sản phẩm sẽ không còn giá trị đúng với giá trị của nó. Nói cách khác, người tiêu dùng sẽ có nguy cơ sử dụng sản phẩm hay dịch vụ kém chất lượng, dẫn đến bị thua thiệt.
Thứ hai, theo Tiến sĩ Nam, khuyến mại sẽ đưa nền kinh tế vào chỗ tụt hậu vì DN không chú ý đến chuyện đầu tư cho sản xuất thay vào đó họ chú ý nhiều đến khuyến mại, hoạt động mà bị cấm ở một số quốc gia. "Nguồn vốn phân bổ của DN dành cho hoạt động khuyến mại sẽ nhiều hơn thay vì tập trung cho sản xuất và hoạt động đầu tư nâng cao chất lượng không được DN chú ý đúng mức. Và khi tất cả các DN đều xem chuyện này quan trọng hơn đầu tư nâng cao chất lượng, đổi mới công nghệ thì nền kinh tế quốc dân sẽ bị ảnh hưởng đáng kể", ông Nam nhận định. Từ đó ông kết luận rằng hoạt động khuyến mại cần phải được cấm, chỉ không chỉ nói hạn chế.
Không lạm dụng thì không thể cấm
Ông Trần Anh Sơn, Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh thuộc Bộ Thương mại, nói rằng khuyến mại không thể thiếu đối với hoạt động kinh doanh của DN, cũng như là công cụ của nền kinh tế thị trường, đặc biệt là công cụ kích cầu thị trường. "Khi nền kinh tế ảm đạm, cầu sụt giảm, nhưng nếu có hoạt động khuyến mại của DN sẽ kích thích được tiêu dùng và như thế sẽ kích thích nền kinh tế", ông nhận định.
Theo ông Sơn, Luật Cạnh tranh vừa qua đã được Quốc hội thông qua, trong đó qui định, khuyến mại được xem là hoạt động bình thường của DN và khuyến mại sẽ bị cấm khi DN lợi dụng việc này để phá giá. "Ví dụ, một DN nào đó lợi dụng tiềm lực của mình để tổ chức khuyến mại kéo dài suốt trong một năm thì có thể nói đó là hoạt động phá giá, là không lành mạnh, cần phải bị cấm".
Khi được hỏi, liệu khuyến mại có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế về lâu dài hay không, nếu DN chỉ chú ý đến khuyến mại mà không đầu tư nhiều cho chất lượng, ông Sơn cho rằng người tiêu dùng không đến mức không nhận ra mình đang sử dụng sản phẩm hay dịch vụ có chất lượng hay không. "Khi người tiêu dùng hiểu được DN không "chơi đẹp", cho dù khuyến mại có hấp thế nào họ cũng không lựa chọn sản phẩm hay dịch vụ của DN. Và khi đó, DN phải nghĩ đến chuyện nâng cao chất lượng sản phẩm", ông kết luận.
Trong khi một số người phản đối hoạt động khuyến mại thì một số cho rằng nó có lợi cho DN, người tiêu dùng và cả tổ chức trung gian. Đại diện của một DN ở TP.HCM, nói rằng tiền tập trung nhiều vào hoạt động khuyến mại và quảng cáo thay vì cho sản xuất, nhưng nó được phân bổ vào xã hội, cho các cơ quan truyền thông đại chúng. Đương nhiên, cái gì quá thì cũng đều không tốt, kể cả quá lạm dụng phương thuốc khuyến mại...
|