Đó là lời khuyên của nhà kinh tế học Mỹ, GS Joseph E.Stiglitz, người đã được giải Nobel Kinh tế 2001 trong buổi gặp chính quyền TP.HCM, ngày 21/1.
Giáo sư Joseph E. Stiglitz đang trao đổi với Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn thiện Nhân |
Vai trò của Nhà nước trong việc điều tiết thị trường; mặt trái của tự do hóa thương mại; yếu tố văn hóa trong phát triển kinh tế là 3 nội dung chính trong phần thuyết trình của GS Joseph E.Stiglitz, người đã được giải Nobel Kinh tế 2001 trong buổi gặp chính quyền TP.HCM, ngày 21/11.
Thị trường không phải là tất cả
Nhiều dự án nhưng đời sống người dân thấp thì chẳng ý nghĩa gì Hiện nhiều địa phương ở VN thay nhau ban hành những giải pháp gọi đầu tư, đặc biệt là về thuế, người hưởng lợi trước tiên chính là nhà đầu tư và ở họ bắt đầu có nhiều sự lựa chọn, dẫn đến mức độ cạnh tranh thu hút đầu tư giữa các địa phương càng lớn. Chính quyền các địa phương không nên tìm cách “lấy dự án” cho được bằng mọi giá mà phải có cái nhìn: Cộng đồng cư dân địa phương sẽ được gì từ những dự án đó? Một trong những sai lầm trong cạnh tranh thu hút đầu tư là quá coi trọng sẽ lấy được bao nhiêu dự án, tăng trưởng kinh tế bao nhiêu... nhưng lại xem nhẹ ích lợi cho cộng đồng. Thu hút nhiều dự án nhưng mức sống người dân vẫn thấp thì cũng chẳng có ý nghĩa gì. |
Theo GS Joseph E.Stiglitz, quá trình toàn cầu hóa ngày càng nhanh, đòi hỏi vai trò của Nhà nước ngày càng phải lớn hơn. 30 năm trước, Hàn Quốc có mức thu nhập bình quân đầu người thấp hơn Ấn Độ nhưng bây giờ đã ngược lại.
Còn ở Mỹ, trong vòng 3 năm qua, mức tăng trưởng kinh tế tăng, nhưng thu nhập bình quân đầu người lại giảm so với trước 1.500 USD/người/năm. Điều đó cho thấy rằng chỉ cần Nhà nước đưa ra một chính sách không đúng thì nền kinh tế sẽ bị chệnh choạc sau đó.
Thị trường là rất quan trọng, nhưng không nên quá chú trọng bởi nó không phải là tất cả. Làm chính sách phải cân bằng vai trò của thị trường và vai trò của Nhà nước. Hay nói cụ thể hơn, mỗi đất nước, mỗi tỉnh, thành phải xác định sản phẩm, ngành kinh tế chủ lực và có chiến lược dài hạn phát triển sản phẩm hay ngành đó và vai trò của Nhà nước trong việc điều tiết thị trường là rất quan trọng. Kinh tế thị trường sẽ phát triển tốt hơn nếu Nhà nước luôn có những chính sách sát sườn.
Bài học cay đắng từ Mexico
Tự do hóa thương mại đang là một xu thế tất yếu và phát triển rộng khắp tại nhiều khu vực trên thế giới. Có phải điều này hoàn toàn mang lại lợi ích cho các nước tham gia “sân chơi” này? GS Joseph E.Stiglitz cho rằng tự do hóa thương mại không phải lúc nào cũng mang lại sự thành công cho các quốc gia. Mexico là một điển hình cay đắng. “Năm 1994, Mexico ký hiệp định tự do thương mại với Mỹ và lúc đó chúng tôi (người Mỹ – PV) được đánh giá là người hùng. Nhưng trong 10 năm qua, kinh tế Mexico tụt hậu, mức thu nhập bình quân của người dân nước này giảm hơn so với trước thời điểm 1994”, GS Joseph E.Stiglitz nói. Theo ông, làm sao người nông dân Mexico có thể cạnh tranh với nông dân Mỹ, trong khi nông dân Mỹ được Nhà nước trợ giá? Việc tự do hóa thị trường tài chính ở Mexico cũng nếm trải những thất bại nặng nề. Kết quả là gần như toàn bộ ngân hàng của Mexico bị nước ngoài mua lại, buộc Nhà nước phải tập trung hầu hết các nguồn thu từ thuế để tái cơ cấu hệ thống ngân hàng trong nước. Việc tự do hóa thương mại khiến Mexico bị thất thoát tới 40% GDP. Điều này cho thấy chính sách kinh tế Nhà nước phải luôn linh động.
Mô hình “cú hích” chưa phù hợp để VN áp dụng
Trả lời phỏng vấn báo chí khi đặt chân tới Hà Nội, GS Stiglitz cho rằng thà muộn còn hơn không, giải pháp tốt nhất là Việt Nam nên đóng cửa các ngành công nghiệp không hiệu quả. Nếu duy trì mà phải chấp nhận gánh nặng từ bảo hộ thì quả là lãng phí. Về chiến lược kinh tế - xã hội 10 năm của VN, ông nói: Tôi hoàn toàn đồng ý với việc nhấn mạnh vào các nội dung giáo dục, y tế, xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, đi vào chi tiết các vấn đề này thì có những bài toán khó. Cần hiểu, điều cốt lõi lúc này vẫn là một chính sách vì người nghèo. Nếu tự do hoá thị trường tài chính thì có chăng chỉ những tầng lớp thu nhập cao được lợi, còn người thu nhập thấp thì ngày càng bị gạt ra khỏi đà phát triển.
Cũng theo GS Stiglitz, do cơ sở hạ tầng chưa ổn định và vững chắc, lúc này, mô hình phát triển theo kiểu “cú hích” chưa phù hợp để Việt Nam áp dụng.
(Theo Người Lao động)