(VietNamNet) - Quyết định cho phép thuê chuyên gia nước ngoài sẽ khởi động lại Yan Can Cook và là cơ hội tốt cho du lịch Việt Nam.
Chương trình quảng bá du lịch Việt Nam thông qua "Yan Can Cook", mà Việt Nam đã có kế hoạch từ nhiều năm nay nhưng đã thất bại vì cơ chế, có thể sẽ được khởi động lại trong thời gian tới.
Đó là phát biểu của Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Phạm Từ với VietNamNet khi Chính phủ đã bật đèn xanh cho ngành du lịch Việt Nam.
Cơ chế đã được mở
Hồi 11/11 qua, Chính phủ đã có quyết định cho phép ngành du lịch sử dụng nguồn ngân sách quốc gia để thuê chuyên gia và tổ chức nước ngoài thực hiện các chương trình xúc tiến du lịch Việt Nam ở thị trường nước ngoài. "Đây là quyết định có ý nghĩa quan trọng đối với ngành du lịch Việt Nam, giúp cởi bỏ cơ chế ràng buộc mà trước đây vì cơ chế này chúng tôi không thể thực hiện những chương trình xúc tiến như "Yan Can Cook" và cả những hoạt động quảng bá khác sử dụng chuyên gia nước ngoài", ông Từ phát biểu.
Quảng bá hình ảnh Việt Nam thông qua chương trình "Yan Can Cook", chương trình giới thiệu ẩm thực thế giới, là hình thức gián tiếp xúc tiến và giới thiệu du lịch Việt Nam. Qua việc giới thiệu các món ăn Việt Nam, chương trình của Martin Yan, tên của đầu bếp nổi tiếng thế giới, sẽ đưa hình ảnh về đất nước và con người Việt Nam đến với khách du lịch ở những thị trường mà Việt Nam muốn nhắm đến. Nhiều quốc gia ở khu vực châu Á đã sử dụng chương trình "Yan Can Cook" làm kênh quảng bá du lịch và họ đã thành công với chương trình này.
Cách đây 2 năm, các công ty du lịch và giới chức du lịch Việt Nam đã xây dựng dự án quảng bá du lịch trị giá trên 92.500USD và thực hiện dự án cùng với chương trình Yan Can Cook. Dự án thực hiện phần lớn từ nguồn ngân sách quốc gia. Trong đó, Tổng cục Du lịch đóng góp 45.000USD, Saigontourist 17.000-18.000USD và Vietnam Airlines 30.000USD. Mọi công việc chuẩn bị gần như đã hoàn tất, kể cả việc Yan sang Việt Nam nhiều lần để "chạy thử" chương trình nhưng sau đó phía Việt Nam tuyên bố "xù" vì chưa có cơ chế cho phép thuê chuyên gia nước ngoài quảng bá du lịch quốc gia. Nhiều người chỉ trích Tổng cục Du lịch đã "không lường" trước trường hợp này và kết quả là Vua bếp "thoái lui".
Thị trường nào, chuyên gia đó
Phó Tổng cục trưởng Du lịch Phạm Từ cho biết Tổng cục đang phối hợp với các cơ quan nhà nước để xác lập qui chế thuê chuyên gia nước ngoài cũng như khoản ngân sách cần thiết cho hoạt động này.
Theo ông Từ, đây là hoạt động cần thiết, giống như việc đầu tư của DN đối với thương hiệu. Du lịch Việt Nam cũng phải tạo ra thương hiệu cho mình.
Theo ông Từ, việc thực hiện chương trình xúc tiến du lịch không chỉ có thuê chuyên gia nước ngoài mà còn kết hợp cả các chuyên gia trong nước với năng lực và tay nghề không thua kém họ. Có điều, chuyên gia nước ngoài sẽ được sử dụng cho xúc tiến du lịch ở các thị trường trọng điểm nước ngoài; còn chuyên gia trong nước cho thị trường nội địa.
"Trước mắt chúng tôi muốn thuê chuyên gia nước ngoài cho các hoạt động xúc tiến du lịch thường xuyên hàng năm ở các thị trường trọng điểm, điều mà các nước có ngành du lịch mạnh đang làm", ông Từ phát biểu, đồng thời ông cũng chú ý đến các chuyên gia Singapore và Hồng Kông là những nước được đánh giá là có kinh nghiệm trong việc quảng bá và xúc tiến du lịch hiệu quả.
Trong khi đó, ông Tổng giám đốc của Saigontourist mong muốn rằng hình ảnh Việt Nam được quảng bá trên các kênh truyền hình nổi tiếng ở nước ngoài chứ không chỉ là chuyện thuê chuyên gia nước ngoài quảng bá hay xúc tiến cho du lịch Việt Nam. Hơn thế, ông còn nghĩ đến việc thành lập kênh truyền hình tiếng Anh của Việt Nam trong sự phối hợp với các chuyên gia và tổ chức nước ngoài để quảng bá hình ảnh Việt Nam thường xuyên và chủ động hơn. Hình thức này được Trung Quốc thực hiện khá thành công đối với ngành du lịch của họ.
-
Minh Quang