(VietNamNet) - Tham nhũng càng nhiều, càng gây khó khăn không chỉ cho DN trong nước mà cả DN nước ngoài, khiến cho DN nước ngoài ngại đầu tư vào Việt Nam.
Đó là nhận định của ông Herb Cochran, Giám đốc Điều hành Phòng Thương mại Hoa Kỳ (Amcham) tại TP.HCM, trong buổi hội thảo về chống tham nhũng được Amcham và Eurocham (Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam) tổ chức sáng 23/11 tại TP.HCM. Tham nhũng, một vấn nạn quốc gia không chỉ của Việt Nam mà cũng là của các nước đang và kém phát triển nói chung. Đây là lần đầu tiên các giới chức Việt Nam và cộng đồng doanh nhân nước ngoài bàn bạc với nhau về tham nhũng, vấn đề nhạy cảm thường bị tránh đề cập, dù đã tồn tại từ nhiều năm nay.
DN "rùng mình" vì tham nhũng
Tham nhũng, hiện tượng vòi vĩnh, đòi hối lộ, làm tiền... mà bất kỳ DN Việt Nam nào khi nhắc đến cũng phải "rùng mình" sợ hãi. Bởi tham nhũng không phải chỉ thấp thoáng đâu đó, ở một vài nơi, mà gần như xuất hiện "đều" ở các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là thuế và hải quan.
Ông Đinh Văn Minh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Thanh tra thuộc Thanh tra Chính phủ, nói rằng tham nhũng đang là một hiện tượng của xã hội, phổ biến ở khắp các lĩnh vực, cơ quan quản lý nhà nước, nơi mà quyền và lực tập trung nhiều nhất; đồng thời cũng những nơi đó tài sản nhà nước bị "thao túng" nhiều nhất. Theo ông Minh, những cơ quan hành chính công ở Việt Nam tập trung nhiều công chức nhất, lại thường xuyên tiếp xúc với dân chúng và tổ chức DN, nên rất dễ phát sinh tham nhũng, một hiện tượng đi liền với cơ chế xin-cho.
Khi nói đến cơ chế xin-cho, ông Minh nhắc lại hiện tượng tham nhũng của một số quan chức Bộ Thương mại liên quan đến việc phân bổ quota dệt may vào thị trường Mỹ. Lợi dụng quyền phân bổ quota, các giới chức chuyên trách của Bộ Thương mại đã chuyển nó thành cơ hội kiếm tiền, gây lao đao cho biết bao nhiêu DN dệt may vì phải chạy vạy khắp nơi để xin hạn ngạch, trong khi một số DN khác "biết" hối lộ thì "dễ dàng" kiếm được quota.
Ông Cochran đề cập đến một báo cáo năm 2004 của một tổ chức nước ngoài xếp hạng tình trạng tham nhũng ở Việt Nam với số điểm khá thấp. Trong 133 quốc gia được khảo sát về tình trạng tham nhũng với mức độ phân loại "sạch sẽ" từ thấp đến cao, Việt Nam đứng ở vị trí 102. Theo ông Cochran, với thực tế như vậy, Việt Nam sẽ làm cho các nhà đầu tư Mỹ ngại vào Việt Nam.
Hoặc tham nhũng, hoặc nhà đầu tư?
Tham nhũng là một tội phạm hình sự mà luật hiện hành Việt Nam xác định 7 hành vi thay vì 11 như trước đây, bao gồm tham ô, nhận hối lộ, lạm dụng chức vụ và quyền hạn chiếm đoạt tài sản, dùng ảnh hưởng đến người khác để trục lợi, giả mạo trong công tác để vụ lợi....
Ông Sesto E Vecchi, Giám đốc Điều hành Russin & Vecchi, cho biết ở Mỹ có đạo luật chống hối lộ dành cho các công ty Mỹ làm ăn ở nước ngoài. Các DN Mỹ phải cam kết thực hiện đạo luật và họ không được thực hiện các hành vi đi ngược lại với đạo luật. Chính đạo luật buộc các DN Mỹ không thể tiếp cận đối tác bằng hình thức "hối lộ", và việc này có nghĩa DN hoặc sẽ "vượt rào" hoặc từ bỏ ý định làm ăn hay đầu tư ở nước ngoài, nhất là ở những nước có nền kinh tế chưa phát triển vốn được xem là mảnh đất tốt của tệ tham nhũng.
Tham nhũng ở Việt Nam được Chính phủ và Quốc hội xem là quốc nạn và cần có biện pháp mạnh để đẩy lùi. Luật Thanh tra vừa được Quốc hội Việt Nam thông qua là một cơ chế và biện pháp chống tham nhũng.
Ông Minh của Viện Khoa học Thanh tra thuộc Thanh tra Chính phủ cho biết, Luật Thanh tra đã phân giao nhiệm vụ rõ ràng cho các cơ quan thanh tra trong việc chống tham nhũng, nhất là họ được quyền ra quyết định thu hồi những quyết định có nghi vấn tham nhũng. Ông Minh cho rằng, quyền hạn bổ sung này của thanh tra là biện pháp ngăn chặn tình trạng tẩu tán tài sản nhà nước.
Tuy nhiên, chống tham nhũng ở Việt Nam chính là cuộc chiến chống tệ nạn trong công quyền. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ra chỉ thị thành lập tổ công tác chống tham nhũng, theo đó sẽ thực hiện rà soát cơ chế hoạt động của các cơ quan công quyền. Thông qua hoạt động này, Chính phủ muốn "gọi đích danh" những khâu tham nhũng "ẩn mình". Đối với khu vực hải quan, lĩnh vực được xem là "mảnh đất màu mỡ" của tham nhũng, Chính phủ yêu cầu giải quyết tệ nạn vòi vĩnh, sách nhiễu, đòi tiền... , đồng thời giải quyết dứt điểm tệ nạn này trong nửa đầu năm tới.
Về cơ bản, để giải quyết tham nhũng, Việt Nam tập trung vào biện pháp "3 giảm, 3 tăng". Theo đó, giảm công hữu, (tức nhà nước chỉ nắm giữ ngành, lĩnh vực quan trọng, còn những lĩnh vực khác thực hiện theo chương trình xã hội hóa), giảm cơ chế xin-cho, giảm can thiệp trực tiếp của Nhà nước. Còn 3 tăng là tăng thị trường cạnh tranh, tăng kiểm tra giám sát và tăng minh bạch, công khai.
-
Minh Quang