(VietNamNet) - Để đạt được thoả thuận Bỏ hạn ngạch dệt may vào EU, Việt Nam phải nhượng bộ cho phía EU những gì? Liệu có thể đạt được một thoả thuận tương tự với phía Hoa Kỳ? Bộ trưởng Trương Đình Tuyển đã trả lời những câu hỏi này từ phía báo chí ngay sau Lễ Ký chiều 3/12.
Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển trả lời báo chí. |
- Thưa Bộ trưởng, thoả thuận dệt may này sẽ mang lại những cơ hội nào cho ngành dệt may Việt Nam từ năm 2005?
Thoả thuận dệt may VN-EU về việc bỏ hạn ngạch cho dệt may sẽ tạo cơ hội cho các DN Việt Nam ngang bằng với các nước thành viên WTO tiếp cận thị trường EU. Nhưng, việc tận dụng được cơ hội hay không lại phụ thuộc vào khả năng cạnh tranh và tổ chức thị trường của DN Việt Nam.
Ngay sau đây, Bộ Thương mại sẽ làm việc với Hiệp hội Dệt may, Bộ Công nghiệp, thậm chí với tất cả các DN dệt may để bàn phương cách tăng khả năng xuất khẩu vào thị trường EU. Dự kiến nửa đầu tháng 12, Bộ Thương mại sẽ có cuộc họp với cộng đồng DN dệt may.
Mặt khác, việc bỏ quota cũng tạo điều kiện loại trừ tiêu cực trong việc phân phối quota. Đây là điều tôi mừng nhất. Cũng chính vì nhìn thấy vấn đề này mà phía Việt Nam quyết tâm đàm phán với EU, cuộc đàm phán căng thẳng từ 22/9 đến sáng nay. Trước khi ký, tôi vẫn còn trao đổi một số điều với Ngài đại sứ EU tại Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Thương mại Lương Văn Tự: ''Thoả thuận này sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các DN Việt Nam chủ động vào thị trường EU bằng năng lực và khả năng cạnh tranh của mình. Đoàn đàm phán chúng tôi kể cả phía Việt Nam và EU đã làm việc không kể ngày đêm, kể cả thứ 7, chủ nhật, ngày lễ để đạt được thoả thuận này''. |
- Đổi lại, Việt Nam đã có những nhượng bộ mở cửa thị trường nào?
Tất nhiên, Việt Nam sẽ tạo điều kiện cho EU tiếp cận thị trường ở một số lĩnh vực đơn lẻ, riêng biệt mà thị trường chúng ta có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, cái đơn lẻ này cũng không vượt quá những gì chúng ta đã cam kết trong thoả thuận gia nhập WTO. Việc này chúng ta vẫn làm với nhiều nước. Có những nước chúng ta không đòi hỏi ở họ bất cứ điều kiện gì mà chúng ta vẫn mở cửa thị trường cho họ. Tất nhiên, điều này cũng phụ thuộc vào chương trình phát triển của Việt Nam. Việt Nam đang hết sức nỗ lực để xây dựng một thị trường cạnh tranh.
Bất cứ một thoả thuận nào, mỗi bên đều có lợi nhưng bên nào cũng thấy không thoả mãn. Trong thoả thuận này, chúng ta cũng nói rất rõ là đến khi Việt Nam gia nhập WTO thì thoả thuận này không còn tác dụng nữa. EU là đối tác quan trọng nhưng nói chung là phải có đi có lại.
- Bộ trưởng có thể cho biết cụ thể là những ngành nào có khả năng bị ảnh hưởng bởi thoả thuận này?
Khi đã mở cửa thì bắt buộc mọi ngành phải cạnh tranh. Chúng ta đã tính toán khả năng mà các DN, nền kinh tế có thể chịu đựng được. Đây chính là bước tập dượt trước khi nền kinh tế hội nhập vào WTO.
- Sau Thoả thuận bỏ hạn ngạch cho dệt may Việt Nam với EU, liệu có thể hy vọng có một thoả thuận tương tự với Mỹ, đối tác chiếm trên 50% kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam?
Bên lề cuộc gặp APEC vừa qua tại Chile, tôi có gặp và nói chuyện với Đại diện Thương mại Mỹ Robert Zoellick. Trong cuộc nói chuyện, tôi có nêu 3 nội dung với ông Zoellick. Thứ nhất là thúc đẩy quá trình đàm phán gia nhập WTO. Thứ hai là tìm khả năng để đàm phán một Hiệp định Dệt may mới Mỹ - Việt Nam. Thứ 3 là tác động để chống bán phá giá tôm. Về vấn đề dệt may, phản ứng của ông Zoellick mới là thận trọng. Tôi không loại trừ khả năng đàm phán được với phía Mỹ nhưng có thể là không nhiều.
Điều này cũng dễ hiểu vì Hoa Kỳ hiện có khoảng 600.000 nhà sản xuất dệt may. Tuy nhiên, chúng ta sẽ tiếp tục tìm kiếm khả năng với phía Mỹ. Để đổi lại, tất nhiên điều kiện nhượng bộ cũng phải cân bằng.
- Bộ trưởng có bình luận gì về bản đồ dệt may thế giới trong thời gian tới?
Bản đồ dệt may thế giới 2005 trở đi vẫn theo xu hướng nước nào mạnh thì nước đó thắng, nhưng không có thoả thuận dệt may này thì ngành dệt may Việt Nam sẽ còn gặp khó khăn hơn.
-
Phương Thanh