221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
551192
Siêu thị cũng có "máy chém"
1
Article
null
Siêu thị cũng có 'máy chém'
,
Soạn: AM 208747 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS

Xem hàng tại quầy bán điện thoại bàn ở MaxiMart Cộng Hòa.

(VietNamNet) - Trước áp lực cạnh tranh của nhiều kênh phân phối, các siêu thị phải rất nỗ lực để tạo dựng uy tín, lòng tin với khách hàng. Tuy thế, vẫn có siêu thị còn tồn tại nhiều “máy chém” bán hàng với giá “trên trời”, gây phản cảm cho người tiêu dùng.

 

Giá hàng trong siêu thị và ngoài cửa hàng chênh tới 30%?

 

Chị Ngọc Diễm (Q Tân Bình - TP.HCM) bức xúc kể: Giữa tháng 11 vừa qua, chị đến siêu thị MaxiMart Cộng Hòa (Q Tân Bình) để tìm mua cân sức khỏe. Giữa lối ra vào siêu thị có quầy bán các mặt hàng điện gia dụng, hàng tiêu dùng (không phải hàng siêu thị bán mà hàng do tư nhân thuê chỗ tại siêu thị để bán - PV). Chị Diễm đã hỏi mua một cân sức khỏe loại 120kg hiệu Nhơn Hòa và được báo giá là 140.000đ.

 

Trong khi đó, chị Hương gần nhà chị Diễm cũng mới vừa mua một cân sức khỏe Nhơn Hòa cùng loại với giá 100.000đ tại cửa hàng Gia Huân (281 Trường Chinh - Q Tân Bình). “Cùng một loại hàng, nhưng tôi thấy giá cả ở 2 nơi trên chênh lệch nhau quá nhiều, nên tôi đã điện thoại đến Công ty cân Nhơn Hòa để hỏi rõ giá loại cân trên. Thật bất ngờ, nhân viên công ty này cho biết là giá bán lẻ của cân sức khỏe Nhơn Hòa chỉ 96.000đ. Cân sức khỏe Nhơn Hòa chỉ có một loại 120kg, nên không có chuyện chênh lệch giá do mẫu mã, chủng lọai. Như vậy, gian hàng tại siêu thị MaxiMart đã cắt cổ khách hàng đến hơn 40.000đ/cái cân” - chị Diễm nói.

 

Mới đây, một bạn đọc tên Thanh cũng đã phản ánh với VietNamNet: Tôi vừa mua chiếc điện thoại bàn hiệu K-tel 201 tại một quầy hàng bán ở MaxiMart Cộng Hòa với giá 280.000đ, hôm sau đến cửa hàng điện thoại Quang Lắm ở 23B Nguyễn Đình Chiểu (Q.1) mới phát hiện ra máy K-tel 201 trên chỉ có giá 200.000đ, chênh lệch tới 30%.

 

Thử tìm đến các siêu thị tại TP.HCM, PV VietNamNet đã tận mắt chứng kiến những cái “máy chém” sắc lẹm đang hoạt động khá rầm rộ. Trong các hệ thống siêu thị hiện nay, chỉ có Metro Cash & Carry là nơi duy nhất không cho người ngoài vào siêu thị thuê mặt bằng kinh doanh, còn lại siêu thị nào cũng có các quầy hàng kinh doanh bên ngoài.

 

Hàng được bày bán tại các gian cho thuê trong siêu thị hầu hết là những mặt hàng “vô giá”, nghĩa là người tiêu dùng rất khó xác định được giá thật của sản phẩm và chỉ biết trông chờ vào lương tâm người bán, như đồng hồ, mắt kính, mỹ phẩm, trang sức giả và hàng điện tử…

 

Ngoại trừ những DN có tên tuổi thuê mặt bằng kinh doanh tại siêu thị như mỹ phẩm Maybeline, trang sức vàng bạc PNJ, đồng hồ Swatch…, còn lại rất nhiều những gian hàng “không tên” hoặc “có tên nhưng không ai biết” bán hàng với giá đắt hơn bên ngoài gấp nhiều lần.

 

Tại một quầy mỹ phẩm bán đủ thứ nhãn hiệu nằm trong tiền sảnh CoopMart Nguyễn Đình Chiểu (Q.3), chúng tôi đã phát hiện rất nhiều sản phẩm mỹ phẩm trong quầy là hàng nhái, hàng giả, bởi làm gì có hộp phấn Lancôm giá chỉ hơn 100.000đ, hay chì kẻ môi của Đức giá chỉ 20.000đ? Được biết, giá sỉ của một cây chì kẻ môi này tại chợ sỉ Kim Biên chưa đến... 5.000đ.

 

Hệ thống siêu thị có nhiều gian hàng cho thuê nhất phải kể đến là Maximart. Maximart 3C (3/2 - Q.10) hay MaxiMart Cộng Hòa đã dành nguyên tầng lầu và dãy tiền sảnh bên dưới để cho các DN, tiểu thương kinh doanh. Mặt hàng kinh doanh tự do tại Maximart cũng rất đa dạng, như quần áo, giày dép, trang sức… Dĩ nhiên, trong các quầy hàng tự do trên, “thượng vàng hạ cám” có đủ và giá bán thì rất tùy hứng.

 

Cùng một chiếc điện thoại bàn K-tel 117 được bày bán ở 2 gian hàng liền nhau tại MaxiMart Cộng Hòa, nơi đề giá 280.000đ, nơi thì đề giá 250.000đ, trong khi đó cửa hàng 23B Nguyễn Đình Chiểu (Q.1) bán sản phẩm này với giá rẻ hơn gần 100.000đ. Ngoài ra, các nhãn hiệu điện thoại bàn khác như LG, Siemen, Samsung… cũng được các chủ quầy hàng trong siêu thị bán ra với giá mắc hơn ở các cửa hàng điện thoại bên ngoài từ 40.000-120.000 đ/máy.

 

Đành rằng, người tiêu dùng khi đến siêu thị là đã chuẩn bị tâm lý để chấp nhận mua hàng với giá cao hơn "giá chợ". Song, tỷ lệ chênh lệch này chỉ ở một mức độ cho phép, hợp lý, chứ không thể tùy ý chủ hàng muốn tăng bao nhiêu cũng được.

 

Siêu thị chỉ là nơi cho mướn mặt bằng?

 

Soạn: AM 208749 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS

Mua sắm tại siêu thị đã trở thành thói quen của nhiều người tiêu dùng.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Giám đốc MaxiMart Cộng Hòa cho hay, siêu thị cho tư nhân thuê mặt bằng, người thuê báo lại là sẽ kinh doanh mặt hàng gì, siêu thị xem xét, nếu mặt hàng phù hợp thì cho bán. Họ là những người kinh doanh tự do nên siêu thị không quản hết được giá cả hàng hóa (!?)

 

Tương tự, các siêu thị khác cũng cho rằng, có nhiều mặt hàng mà bên trong siêu thị không thể bán đầy đủ được, nên cho tư nhân thuê quầy hàng bên ngoài làm phong phú thêm hoạt động siêu thị.

 

Như Cora Đồng Nai (Big C) chẳng hạn, tư nhân muốn thuê mặt bằng phải trình bày kỹ muốn bán cái gì. Mặt hàng mới, lạ sẽ là ưu tiên số 1. Đặc biệt, ở đây còn ký hợp đồng độc quyền với các chủ quầy hàng, ví dụ, đã có người bán đồng hồ mắt kính rồi thì người đến sau không được bán mặt hàng này nữa. Đây cũng là cách bảo vệ quyền lợi người bán, mỹ quan siêu thị (tránh việc bày bán tràn lan một mặt hàng), nhưng có khi lại tạo thế độc quyền cho người bán, “vẽ đường” cho họ bán hàng với giá “trên trời”.

Cho thuê mặt bằng trong siêu thị là nguồn thu lớn và hữu ích cho chủ siêu thị trong quá trình cạnh tranh gay gắt như hiện nay. Giám đốc Hệ thống siêu thị Maximark cũng đã từng khẳng định trước báo giới: “Có thể nói ở VN chưa ai thu lãi thực sự nhờ kinh doanh siêu thị, lời lãi chủ yếu là từ tiền cho thuê mặt bằng trong siêu thị mà thôi”.

Những câu trả lời của các chủ siêu thị không khỏi khiến người tiêu dùng giật mình. Ai ngờ, trong khi người tiêu dùng bấy lâu đặt lòng tin vào siêu thị, chọn phương thức mua hàng ở siêu thị với mục đích: hàng phong phú, chất lượng đảm bảo, đúng giá, dễ mua...; thì có siêu thị lại chạy theo lợi nhuận, cho thuê quầy hàng không có sự chọn lựa, rồi từ bỏ luôn vai trò quản lý, giám sát kinh doanh các quầy hàng để chủ quầy lạm dụng "bắt chẹt" khách.

 

Mua phải một món hàng tại siêu thị không đúng với giá trị thật thì người tiêu dùng không cần biết đâu là hàng siêu thị, đâu là hàng tự do, họ chỉ biết lòng tin của mình đối với siêu thị đó đã bị xem nhẹ.

 

  • Bài, ảnh: Nguyễn Sa
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,