(VietNamNet) - Bỏ quota, liệu dệt may Việt Nam vào EU trong năm tới có tăng khi mà hạn ngạch đối với thị trường này trong năm 2004 "xài" không hết?
Sau thỏa thuận đạt được trong đàm phán WTO hồi tháng 10, một tin vui nữa được nói nhiều trong tuần qua đó là EU sẽ bãi bỏ quota đối với hàng dệt may Việt Nam từ đầu năm 2005. Tin vui nối tiếp tin vui, nhưng theo giới chuyên môn thì việc bãi bỏ quota dệt may đối với thị trường châu Âu xem ra... không có tác dụng gì mấy (!) trong việc thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam vào thị trường lớn thứ hai này.
11 tháng mới sử dụng hết... 50-60% hạn ngạch EU
Hạn ngạch dệt may vào EU gồm có 3 nhóm: cat nóng (có 3 cat), cat nguội (26 cat) và nhóm cat không bị áp dụng hạn ngạch (32 cat).
Theo số liệu của Bộ Thương mại Việt Nam, tính từ đầu năm đến đầu tháng 12, số lượng quota dệt may vào EU được sử dụng rất ít. Những cat nóng như 6, 14 và 41, số lượng sử dụng chỉ đạt 80%, còn những cat nguội, tức những loại hàng áp dụng hạn ngạch nhưng thực hiện cấp giấy phép xuất khẩu (E/L) tự động còn thê thảm hơn. Ngoài cat 83 và 5, số lượng sử dụng đạt trên 80%, còn lại 24 cat thuộc nhóm nguội này chỉ đạt vài chục phần trăm (từ 20-70%), thậm chí có cat chỉ mới đạt 7,24% như cat 12.
Trung bình số hạn ngạch EU sử dụng trong 11 tháng đầu năm khoảng 50-60%. Chưa kể nhiều DN phải thông báo trả hạn ngạch vì không có đơn hàng hoặc không thực hiện được đơn hàng cho thị trường EU. Đơn cử cat 6 (cat quần), tính đến đầu tháng 12 đã có trên 96.630 chiếc hạn ngạch trả lại cho Bộ Thương mại hoặc chuyển đổi hạn ngạch khác, trên tổng số gần 403.000 chiếc hạn ngạch của loại cat này được cấp cho DN.
Với số lượng hạn ngạch đã xuất, cũng theo Bộ Thương mại, kim ngạch xuất khẩu dệt may vào EU đạt khoảng 633 triệu USD trong 11 tháng đầu năm, kém xa mục tiêu 1 tỷ USD được đặt ra cho năm nay trong tổng kim ngạch dệt may 4,2 tỷ USD. Chỉ còn 1 tháng nữa là hết năm, liệu 40-50% số hạn ngạch còn lại của năm 2004 có được sử dụng hết, và nếu không sử dụng hết thì việc bãi bỏ quota có là tín hiệu lạc quan cho DN xuất khẩu sản phẩm vào thị trường EU thời kỳ hậu quota?
EU đòi hỏi cao nhưng kim ngạch thấp hơn Mỹ
Xuất khẩu của Việt Nam vào EU tăng trưởng không cao, kể từ khi có thị trường Mỹ. Mỗi năm đạt trên dưới 0,5 tỷ USD so với thị trường mới Mỹ là 1,7-2 tỷ USD. Trước khi có thị trường Hoa Kỳ, EU là thị trường lớn của Việt Nam. Lý giải cho việc sụt giảm hoặc tăng không đáng kể ở thị trường EU, ông Diệp Thành Kiệt, Tổng Thư ký Hội Dệt may Thêu đan TP.HCM (Agtek) cho rằng, các DN Việt Nam đã quá tập trung vào thị trường Hoa Kỳ. Sở dĩ DN định hướng thị trường lớn Hoa Kỳ là có nhiều nguyên nhân.
Thứ nhất quota cho thị trường Hoa Kỳ nhiều hơn so với EU. Ví dụ như cat 337/338 của thị trường Mỹ tương đương cat 4 ở thị trường EU, số hạn ngạch nhiều gấp 20 lần. Số lượng quota vào EU ít nên số quota chia cho DN gia công không đáp ứng đủ năng lực của họ cũng như đơn hàng từ khách hàng EU. Vì vậy, thay vì tập trung vào EU, các DN có xu hướng lựa chọn và tìm kiếm khách hàng ở thị trường Mỹ, nơi mà quota phân bổ có khi vượt quá năng lực sản xuất của họ.
Thứ hai là chất lượng và yêu cầu đòi hỏi của thị trường EU phức tạp và cầu kỳ hơn Mỹ. Cùng một kiểu áo và kích thước đối với một số đo phương Tây, nhưng khách hàng EU lại chuộng kiểu áo có pha thêm màu sắc, hoa văn, hoặc những nguyên phụ liệu khác..., với độ phức tạp và tỷ mỉ hơn Hoa Kỳ. Đây cũng là nguyên nhân DN chọn đơn hàng đơn giản với số lượng lớn mà khách hàng Mỹ mang đến.
Muốn tăng kim ngạch vào EU phải "san sẻ" bớt năng lực từ thị trường Mỹ
Bãi bỏ quota EU là một tin mừng, nó có ý nghĩa là giảm bớt khó khăn cho DN xuất khẩu để có được một điều kiện cạnh tranh bình đẳng như những đối thủ cạnh tranh quốc tế. Đối với EU, dù Việt Nam không phải là nguồn nhập khẩu tốt nhất, nhưng việc bãi bỏ quota sẽ giúp họ có thêm một nguồn cung cấp sản phẩm dệt may trong số nhiều lựa chọn mà liên minh này, cũng như những thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) khác sẽ có từ đầu năm tới.
"Mở cửa không chỉ có những thuận lợi mà sẽ có nhiều khó khăn đối với DN, đòi hỏi khả năng cạnh tranh cao hơn", ông Phùng Đình Ngọ, Giám đốc Công ty May Bình Hòa, phát biểu. Bởi lẽ theo ông, cửa mở cho mọi DN chứ không phải cho riêng một DN hay một quốc gia nào. Điều đó cũng có nghĩa, đơn hàng không còn bị chia sẻ vì không đủ quota, mà khả năng "ôm chọn" đơn hàng của đối thủ mạnh là rất lớn. Khi Việt Nam chứng minh là đối thủ mạnh thì khả năng xuất khẩu mới tăng, bằng không bỏ quota EU sẽ không hứa hẹn sẽ tăng xuất khẩu vào thị trường này.
Trong khi đó, theo ông Kiệt lại có hai câu trả lời trái ngược nhau đối với câu hỏi liệu xuất khẩu của Việt Nam vào EU sẽ tăng sau khi bãi bỏ quota. Đối với câu trả lời có, ông Kiệt giải thích rằng DN sẽ mạnh dạn nhận đơn hàng lớn, điều mà họ không dám khi còn chế độ quota và vì thế sẽ giúp gia tăng xuất khẩu. Nhưng ông cũng có câu trả lời không, bởi lẽ sự cạnh tranh giữa các nước xuất khẩu sẽ làm cho con đường xuất khẩu của Việt Nam vào EU không dễ gì được mở rộng. Thêm vào đó, DN Việt Nam phần lớn tập trung cho thị trường Mỹ, nơi chiếm đến 80% năng lực sản xuất của DN Việt Nam.
Tuy nhiên, ông Kiệt vẫn cho rằng, xuất khẩu sẽ tăng trong năm tới nhưng chỉ tăng nhiều và đáng kể nếu DN "san sẻ" thêm năng lực từ Mỹ cho thị trường EU, nơi đòi hỏi cao hơn rất nhiều về chất lượng và độ phức tạp của sản phẩm. Để làm điều này, DN phải chuyển đổi qui cách, qui trình làm hàng từ Mỹ sang EU. "Nếu như trước đây, DN mất 4-5 năm để chuyển đổi sản xuất từ EU sang Mỹ thì bây giờ với qui trình ngược lại phải mất 2 năm", ông Kiệt nhận định. Khi đó quota Hoa Kỳ không còn là vấn đề của dệt may Việt Nam, vì vậy có lẽ DN VN sẽ cố gắng thực hiện việc chuyển đổi ngược lại này để tăng xuất khẩu vào EU (!).
-
Minh Quang