221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
552952
Xưởng may tại biên giới CPC,bài toán mới của dệt may VN
1
Article
null
Xưởng may tại biên giới CPC,bài toán mới của dệt may VN
,
(VietNamNet) - Thời điểm 1/1/2005 đang đến gần, đe dọa Dệt may VN với việc dỡ bỏ chế độ hạn ngạch. Bài toán đầu tư mới đang được đặt ra: Lập xưởng may tại biên giới Campuchia.
 
 
Dệt may Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục bị áp hạn ngạch khi chưa là thành viên của WTO.

Campuchia - Nhiều điều kiện đầu tư hấp dẫn

Cái lợi lớn nhất mà các nhà sản xuất dệt may Việt Nam nhắm đến chính là ưu thế phi hạn ngạch mà Campuchia có từ 1/1/2005 do đã là thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại thế giới WTO.

Trừ EU vừa chính thức ký kết Hiệp định xóa bỏ chế độ hạn ngạch cho Việt Nam, hàng dệt may Việt Nam khi vào thị trường các nước là thành viên WTO đều phải chịu hạn ngạch. Đây là yếu tố cực kỳ bất lợi cho dệt may VN, trong khi các nước là thành viên WTO không bị khống chế hạn ngạch. Chính vì thế, các DN dệt may VN có thể tận dụng xuất xứ Campuchia để đến Mỹ và các thị trường khác; đồng thời lại giảm được khoản phí hạn ngạch.

Hơn thế, Campuchia được nhiều nước áp dụng qui chế ưu đãi về thuế hơn Việt Nam. Hiện nay có khoảng 149 nước và 15 vùng và lãnh thổ cho Campuchia hưởng Hệ thống ưu đãi chung (GSP) với trên 358 nhóm mặt hàng. Hàng hoá từ Campuchia xuất vào các nước trên bị đánh thuế rất thấp (0-5%). Vì vậy, nếu đầu tư vào Campuchia, DN Việt Nam sẽ có thể tận dụng lợi thế này để cạnh tranh về giá. 

Campuchia cũng đang có nhiều chính sách khuyến khích đầu tư nước ngoài. Ngày 28/10 vừa qua, Thủ tướng Campuchia Hun Sen cho biết, Chính phủ nước này sẽ giảm thời hạn đăng ký kinh doanh xuống còn 28 ngày; đồng thời dỡ bỏ những thủ tục hành chính rườm rà và tăng cường sức mạnh pháp lý để thu hút đầu tư. Ngoài ra, Chính phủ Campuchia cũng tuyên bố sẽ giảm 70% chi phí đăng ký kinh doanh để giảm bớt áp lực tài chính cho các nhà đầu tư. 

DN may của Việt Nam cũng có thể tận dụng những điều kiện mở của Campuchia để xâm nhập thị trường nội địa nước này với 13 triệu dân và không khó tính. Hàng năm Campuchia nhập rất nhiều hàng hóa từ Việt Nam với kim ngạch lên đến vài trăm triệu USD. Hàng hóa Việt Nam có mặt tại thành phố Phnom Penh và các tỉnh thành khác của Campuchia ngày càng nhiều, chiếm từ 30-40% hàng hóa lưu thông tại đây. Tỷ lệ này cho thấy hàng hóa Việt Nam có chỗ đứng đáng kể trên thị trường Campuchia và được người tiêu dùng ở đây tin tưởng. Đây là cơ hội để DN Việt Nam tiếp tục đưa hàng vào Campuchia, từ đó xuất sang những thị trường lân cận, kể cả thị trường Thái Lan.

Theo tính toán của nhiều nhà sản xuất trong nước và cả nhà sản xuất nước ngoài, việc đầu tư ở biên giới Campuchia đặc biệt là khu vực cửa khẩu Mộc Bài có nhiều thuận lợi do khoảng cách vận chuyển hàng từ cửa khẩu ra cảng TP.HCM chỉ mất 70km. Đối với các nhà sản xuất Việt Nam, điều kiện này còn thuận lợi hơn vì Mộc Bài đã là khu kinh tế mở, công nhân Việt Nam có thể đi xe đạp, xe máy qua cửa khẩu sang biên giới làm việc. 

Ngoài ra, nếu DN đầu tư sâu vào nội địa Campuchia thì cũng sẽ có nhiều thuận lợi về vận chuyển do tuyến đường sông đã được mở. Ngày 10/7 vừa qua, từ cảng Bình Dương, chuyến tàu đầu tiên của Công ty cổ phần đại lý Liên hiệp vận chuyển (Germadept) đã chở 36 container theo đường sông để đến cảng Phnompenh. Tuyến đường sông này có giá rẻ hơn rất nhiều so với tuyến đường bộ từ TP.HCM đến Campuchia. Mặt khác, thời gian vận chuyển hàng theo tuyến sông chỉ mất 36 giờ, ngắn hơn rất nhiều (khoảng từ 12-24 giờ) so với tuyến sông pha biển khác hoặc các tuyến đường bộ. 

Không ít rào cản

Tuy nhiên, ưu thế là thành viên WTO của Campuchia không còn hấp dẫn khi khả năng Việt Nam sẽ sớm gia nhập WTO trong một, hai năm tới. Khoảng thời gian trống này chỉ đủ cho việc xây dựng các nhà máy, trong khi để thu hồi vốn phải mất tới 5 năm. Một chuyên gia của Vinatex (Tổng công ty Dệt May Việt Nam) cho biết: ''Gánh nặng lên vai những DN dệt may chúng tôi là rất lớn khi chúng tôi còn phải thực hiện chủ trương của Chính phủ là đưa nhà máy về các tỉnh trên cả nước, đặc biệt là các tỉnh vùng sâu, vùng xa''. Ông này cũng cho biết, nếu ý tưởng này được thực hiện từ 5 năm trước thì có lẽ phù hợp hơn.

Cái khó thứ hai mà các DN phải đối mặt chính là giá dầu, xăng, điện của Campuchia đều đắt gấp rưỡi giá của Việt Nam. Điều tra của Phòng Thương mại quốc tế của Liên hợp quốc (ICC) cho thấy, giá điện Nhà nước của Campuchia thậm chí còn đắt hơn rất nhiều so với giá điện của các DN tư nhân Campuchia cung cấp. 

Ngoài ra, theo ông Lê Văn Đạo, Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam, nếu xây dựng nhà máy tại biên giới Campuchia, số lao động Việt Nam được sang làm việc chỉ khoảng 5%, trong khi đó, tuyển lao động Campuchia làm việc cũng không phải là điều đơn giản vì nhiều lý do như trình độ tay nghề, ý thức kỷ luật...

Theo công trình nghiên cứu ''An investment guide to Cambodia'' do ICC thực hiện, mặc dù giá nhân công của Campuchia tương đối cạnh tranh nhưng yếu điểm lớn nhất của lực lượng lao động Campuchia là thiếu tay nghề, cộng với số ngày nghỉ lễ trong năm quá lớn và nhân công được đánh giá là thiếu ý thức kỷ luật. Quan liêu và tham nhũng cũng là vấn đề được đề cập đến trong điều tra trên của ICC. Tham nhũng được biết như một hiện tượng phổ biến ở đất nước này. Tham nhũng không chỉ ở các cấp độ địa phương với những vụ nhỏ, vụn vặt mà còn ở cả những cấp cao hơn. Mặt khác, luật pháp Campuchia thiếu đầy đủ và thiếu độ tin cậy. Một DN đã khảo sát khá nhiều địa phương Campuchia để đầu tư nhà máy may cho biết: ''Mỗi địa phương ở đây có những luật lệ riêng, đòi hỏi riêng và chẳng theo một quy tắc nào cả''. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến nhiều nhà đầu tư đã ra đi khỏi Campuchia để đến các nước lân cận trong những năm gần đây. 

  • PT
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,