GS Klaus Schwab, chủ tịch WEF |
(VietNamNet)
- “Nhận trách nhiệm trước những quyết định khó khăn” (Taking responsibility For Tough Choices), đó là chủ đề chính mà 2250 đại biểu từ 96 quốc gia về tham dự vào Diễn Đàn Kinh tế Thế Giới (WEF) sẽ bàn luận suốt từ 26-30 tháng 1 trong cuộc gặp mặt thường niên của diễn đàn tại Davos-Thụy Sĩ. Cần biết rằng hơn hai ngàn đại biểu trên bao gồm, 20 nguyên thủ quốc gia, 70 bộ trưởng, 26 lãnh đạo tôn giáo thế giới, 15 lãnh đạo liên đoàn lao động thế giới, 50 lãnh đạo các tổ chức phi chính phủ, lãnh đạo hơn 1000 công ty tiên tiến của thế giới trên mọi lãnh vực…
Tại sao những đại biểu hàng đầu của Thế giới phải cùng thúc giục nhau “hãy mạnh mẽ nhận lãnh trách nhiệm trong các chọn lựa khó khăn của nhân loại đương đại”, câu trả lời tìm thấy trong phát biểu của giáo sư Klaus Schwab chủ tịch WEF: “ Chúng ta chợt nhận ra mình đang đứng ở một thời khắc quyết định của thế giới và các nhà lãnh đạo của nó. Khắp nơi đang diễn ra một loạt những “khởi đầu” chưa có tiền lệ, từ vị chủ tịch mới của một Cộng đồng Âu châu mới, đến vị tổng thống mới của Palestine, rồi cuộc bầu cử sắp đến của Iraq, một vị lãnh đạo mới tại vị trí nhạy cảm như Ukraine…Do đó, các nhà lãnh đạo từ mọi lãnh vực xã hội sẽ đến Davos lần này để cùng tìm ra một phương cách củng cố và xây dựng trên những khởi đầu mới này nhằm cải thiện tình trạng của thế giới. Có lẽ, cái mà chúng ta cần nhất lúc này là một sự “lạc quan thực dụng”, một quyết tâm làm việc với thế giới thực mà chúng ta đang có, để tạo ra một thế giới như nó đáng phải có”
Mười hai vấn đề quan trọng-các tough choices- có tác động đến vận mệnh thế giới được đưa ra tại WEF gồm: Trung Quốc, Sự thay đổi khí hậu, Toàn cầu hoá bình đẳng hơn, Châu Âu, Nền kinh tế toàn cầu, Cách cai quản thế giới, Hồi Giáo, Trung Đông, Sự nghèo khó, Sự lãnh đạo của Mỹ, Vũ khí hủy diệt hàng loạt và Mậu dịch toàn cầu.
Logo của WEF |
Từ những vấn đề trên, các đại biểu tham dự sẽ tập trung xem xét để tìm các trọng điểm nổi cộm nhất mà nhân loại cần đối diện , sau đó chọn ra sáu tough choices cần ưu tiên tập trung trong nghị trình 2005 của thế giới.
Trong số các lãnh đạo chính trị quen thuộc ta thấy có: Thủ tướng Pakistan, Chủ tịch cộng đồng châu Âu, Tổng thống Thụy Sĩ, Thủ tướng Ba Lan, Thủ tướng Đức, Thủ tướng Na Uy, Thủ tướng Đan Mạch, Phó Tổng thống Iran, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ, Phó Thủ tướng Trung Quốc, Tổng thống Braxin, Tổng thống Nam Phi, Thủ tướng Úc, Tổng thư ký liên đoàn Hồi Giáo….
Về phía cộng đồng kinh doanh, sẽ hiện diện trên 500 chủ tịch, tổng giám đốc các công ty hàng đầu thế giới trong đó 120 công ty thuộc bảng xếp hạng Fortune 500. Sự xuất hiện đông đảo các nhà kinh doanh - như Peter Torreele, tổng giám đốc WEF - xác quyết: “Mục tiêu của Diễn đàn WEF là luôn tạo điều kiện để cộng đồng kinh doanh tham gia vào việc hình thành chương trình nghị sự toàn cầu”.
-
Lê Vỹ